Sáng tác: Cầm điệu - Thô phạn thô trà lạc hữu dư (HCH)

 

琴調

粗飯粗茶樂有餘

夜來閑看月初秋

桂香霜氣

隨風入茅廬

知足敬天當盡孝

事親豈敢止躊躇

臥冰懷橘

負米學何如

 CẦM ĐIỆU

Thô phạn thô trà lạc hữu dư

Dạ lai nhàn khán nguyệt sơ thu

Quế hương sương khí

Tuỳ phong nhập mao lư

Tri túc kính thiên đương tận hiếu

Sự thân khởi cảm chỉ trù trừ

Ngoạ băng hoài quất

Phụ mễ, học hà như

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 16/11/2023 

Tri túc 知足: Điển xuất từ Đạo đức kinh 道德經 của Lão Tử 老子:

          Chương 44:

Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi

知足不辱, 知止不殆

(Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết lúc nào nên dừng thì không nguy)

          Chương 45:

Hoạ mạc đại ư bất tri túc

禍莫大於不知足

(Không hoạ nào lớn bằng không biết thế nào là đủ)

Ngoạ băng 臥冰: Điển xuất từ Vương Tường, một trong ‘Nhị thập tứ hiếu”.

Vương Tường 王祥 (184 – 268): Tự Hưu Trưng 休徵, người Lang Da 琅玡thời Tấn. Ông rất hiếu thuận với cha mẹ. Lúc nhỏ thân mẫu mất sớm, kế mẫu Chu thị 朱氏 không thương yêu ông, thường nói lời gièm trước mặt phụ thân, khiến phụ thân cũng không yêu thương ông. Mùa đông năm nọ, kế mẫu sinh bệnh, thèm ăn cá tươi, nhưng trời lạnh nước đóng băng không cách nào bắt cá được. Vương Tường cởi áo nằm trên băng cầu xin, băng bỗng nhiên nứt ra, từ khe hở hai con cá chép nhảy lên. Vương Tường vui mừng bắt đem về nấu thành món ăn dâng lên. Kế mẫu ăn qua, bệnh liền thuyên giảm. Từ đó, kế mẫu hối hận, rất yêu thương ông. Có lời thơ rằng:

Kế mẫu nhân gian hữu

Vương Tường thiên hạ vô

Chí kim hà thuỷ thượng

Nhất phiến ngoạ băng mô

继母人间有

王祥天下无

至今河水上

一片卧冰模

(Kế mẫu nhân gian có

Vương Tường thiên hạ không

Đến nay, trên sông nọ

Dấu vết hãy còn nồng)

          Thành ngữ “Ngoạ băng cầu lí” 卧冰求鲤 (nắm trên băng cầu cá chép) dùng để ví lòng hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ.

Hoài quất 懷橘: Điển xuất từ Lục Tích, cũng là một trong “Nhị thập tứ hiếu”.

Lục Tích 陸績 (188 – 219): tự Công Kỉ 公紀, người huyện Ngô nước Ngô thời Tam Quốc. Năm Lục Tích lên 6 tuổi, theo cha đến Cửu Giang 九江yết kiến Viên Thuật 袁术. Viên Thuật đãi quýt, Lục Tích lặng lẽ lấy hai trái giấu trong tay áo. Lúc từ biệt ra về, quýt rơi xuống đất, Viên Thuật cười bảo rằng: “Lục lang đến nhà ta làm khách, lúc về sao còn giấu quýt của chủ nhân?” Lục Tích quỳ xuống đáp rằng: “Nhân vì mẹ ở nhà thích quýt, cho nên con lấy hai trái đem về cho mẹ ăn.” Viên Thuật nghe qua, thấy Lục Tích còn nhỏ mà đã biết hiếu thuận với mẹ, ông vô cùng kinh ngạc và cảm động. Có lời thơ rằng:

Hiếu đễ giai thiên tính

Nhân gian lục tuế nhi

Tụ trung hoài lục quất

Di mẫu báo nhũ bô

孝悌皆天性

人间六岁儿

袖中怀绿桔

遗母报乳哺

(Hiếu đễ là thiên tính

Trẻ thơ sáu tuổi đầu

Giấu quýt trong tay áo

Tặng mẹ báo ơn sâu)

Thành ngữ “Hoài quất di thân 懷橘遺親 (giấu quýt để dành cho mẹ) dùng để ví lòng hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ.

Phụ mễ 負米: Đội gạo. Điển xuất từ Tử Lộ.

Tử Lộ 子路 (năm 542 – năm 480 trước công nguyên): Tức Trọng Do 仲由, người Biện Châu 卞州 thời Xuân Thu, học trò của Khổng Tử, lúc nhỏ nhà rất nghèo, nhưng ông thờ cha mẹ hết lòng hiếu thuận.

          Trong Khổng Tử gia ngữ - Trí tư 孔子家語 - 致思 có chép:

          “Tử Lộ bái kiến Khổng Tử, nói rằng:

          Vác nặng mà đường xa, không chọn nơi để nghỉ; nhà nghèo cha mẹ lại tuổi cao, không chọn nơi bỗng lộc nhiều để làm quan. Trước đây, khi Do này thờ cha mẹ thường ăn rau lê rau hoắc, đến nơi xa cả trăm dặm đội gạo về nuôi cha mẹ. Sau khi cha mẹ qua đời, Do này đến nước Sở ở phía nam, khi ra ngoài ngựa xe tuỳ tùng có đến cả trăm chiếc, lương thực chứa cả vạn chung, đệm kê ngồi rất dày, lúc ăn bày ra đỉnh vạc. Bây giờ có muốn được ăn cơm gạo thô, đội gạo về nuôi cha mẹ thì không được nữa rồi. Cá khô treo trên dây, không bị sâu mọt được bao lâu. Thọ mệnh của cha mẹ, thoáng chốc đã như bóng câu qua cửa sổ.”

          Thành ngữ “Tử lộ phụ mễ” 子路負米 (Tử Lộ đội gạo), “phụ mễ dưỡng thân” 負米養親 (đội gạo nuôi cha mẹ) chỉ việc phụng dưỡng cha mẹ.

Previous Post Next Post