Dịch thuật: Hứa Do tẩy nhĩ, Sào Phủ ấm ngưu

 

HỨA DO TẨY NHĨ, SÀO PHỦ ẤM NGƯU

          Hứa Do 许由 (khoảng năm 2323 – năm 2244 trước công nguyên), tự Đạo Khai 道开, hiệu Vũ Trọng 武仲, là kẻ sĩ cao thượng thanh tiết thời thượng cổ. Truyền thuyết kể rằng, Hứa Do vào mùa hạ thì trú trên cây, mùa đông thì trú trong động ở núi, đói thì ăn rau trái trên núi, khát thì uống nước sông, nổi tiếng thanh cao chí tiết. Người ta thấy ông ngay cả bầu nước cũng không có, liền tặng ông chiếc bầu hồ lô. Hứa Do uống nước xong, đem nó treo lên cành cây, gió thổi qua phát ra tiếng kêu. Ông cảm thấy thanh âm đó khiến người ta tâm phiền ý loạn, liền đem huỷ.

Theo Cao sĩ truyện 高士传của Hoàng Phủ Mật 皇甫谧đời Tấn: Sào Phủ 巢父, không biết danh tánh của ông ta là gì, ẩn cư trong núi khoảng giữa sông Nhữ và sông Dĩnh , không mưu cầu lợi ích thế tục. Khi về già, làm tổ trên cây, điềm nhiên mà ngủ, cho nên người đương thời gọi ông là “Sào Phủ”.

          Sào Phủ và Hứa Do là người cùng thời, đều tránh đời ẩn cư, tự cày cấy mà ăn, sống một cuộc sống:

Nhật xuất nhi tác,

Nhật nhập nhi tức.

Tạc tỉnh nhi ẩm,

Canh điền nhi thực.

日出而作,

日入而息.

凿井而饮,

耕田而食.

 (Mặt trời mọc đi làm,

Mặt trời lặn về nghỉ.

Đào giếng lấy nước mà uống,

Cày ruộng lấy thóc mà ăn)

          Nghiêu Đế 尧帝năm 86 tuổi (năm 2287 trước công nguyên), cảm thấy già yếu, con là Đan Chu 丹朱không tốt, không muốn vì yêu con mà làm hại thiên hạ. Nghe nói Hứa Do thanh cao đại chí, liền phái người cầu hiền, muốn nhường đế vị. Hứa Do nói rằng:

- Thất phu lập chí, vững như bàn thạch, ăn rau rừng, uống nước suối tu dưỡng tiết tháo, không cầu lộc vị; du nhàn cầu an nhiên không lo lắng, không tham thiên hạ.

Nghiêu Đế biết không dễ lay chuyển ý chí của Hứa Do, bèn đến tận nhà thăm. Hứa Do vẫn từ chối, nói rằng:

- Tôi tuổi đã cao, nhu cầu không nhiều, hãy cứ để tôi làm một thần dân đi.

Thế là ngay trong đêm đó, Hứa Do trốn đến bên sông Dĩnh ở Ki Sơn 箕山, tự cày cấy mà ăn, ẩn cư không chịu ra.

Nghiêu Đế cho Hứa Do là khiêm tốn nên càng thêm kính trọng, liền phái người đi mời, nói rằng:

- Nếu kiên ông quyết không tiếp nhận đế vị, thì hi vọng ông có thể ra làm “Cửu châu trưởng”.

Hứa Do vừa nghe qua, liền bỏ chạy. Nghiêu Đế trong lòng phiền muộn, lần này không biết ông ấy chạy đến nơi đâu, nhưng nhanh chóng lại tìm được Hứa Do bên bờ sông. Thấy Hứa Do đang rửa tai bên sông, Nghiêu Đế đi đến và nói:

- Đừng rửa, rửa sẽ nhanh chóng làm trôi da, rửa như thế thì bảo sao không làm cho tai điếc đi được.

Hứa Do nói rằng:

- Những lời ông nói vừa lúc nãy tôi không muốn nghe, nhưng trước lúc tôi bịt tai thì ông đã nói rồi. Không còn cách nào, tôi đành phải lấy nước sông Dĩnh rửa sạch những lời đó.

Tiếp đó lại nói:

- Thất phu lập chí, vững như bàn thạch, ăn rau rừng, uống nước suối tu dưỡng tiết tháo, không tham thiên hạ.

Lúc Hứa Do rửa tai, Sào Phủ đương dẫn trâu uống nước. Sào Phủ liền hỏi, Hứa Do đem việc Nghiêu Đế muốn ông làm đại vương, làm cửu châu mục kể ra. Có lẽ, ông thuật lại như thế là muốn có được sự đồng tình của Sào Phủ, cuối cùng sẽ an ủi ông vài câu. Nào ngờ, Sào Phủ nghe qua, không những không đồng tính, mà còn nói rằng:

- Giá như ông cứ ở ẩn chốn núi sâu, thì ai có  thể biết đến ông? Ông Nghiêu cũng không thể tìm được. Ông đi khắp nơi để lấy danh tiếng, thế mà lại đến đây rửa tai. Đừng cố làm ra vẻ thanh cao.

Nói xong liền dắt trâu đi nơi khác. Hứa Do buồn rầu hỏi Sào Phủ vì sao không để cho trâu uống nước? Sào Phủ đầu cũng không quay lại, nói rằng:

- Không cho uống nữa, sợ nước mà ông đã rửa tai làm dơ miệng trâu.

Sào Phủ liền dắt trâu lên thượng nguồn cho trâu uống.

Người đời sau lập miếu thờ Hứa Do, bày tỏ lòng tôn kính đối với ông. Miếu tại Tây Quan 西关Nhữ Châu 汝州, không biết lập từ thời gian nào. Theo ghi chép trong Nhữ Châu chí 汝州志 thời Chính Đức 正德:  

Miếu Hứa Do tại phía nam Tây Quan. Đã bị hoang phế từ lâu chỉ còn lại nền. Năm Hoằng Trị 弘治thứ 9 đời Minh (năm 1496), Tri Châu Bành Cương 彭纲trùng kiến.

Năm Hoằng Trị 弘治thứ 17 đời Minh (năm 1504), Tri châu Nhữ Châu là Vương Hùng 王雄đưa Sào Phủ và Hứa Do về cùng một chỗ. Sào Phủ và Hứa Do đều là ẩn sĩ thời thượng cổ. Trong Cao sĩ truyện 高士传được liệt vào danh sách 72 cao sĩ, đồng thời dâng cúng hương hoả nơi miếu. Thế là trong miếu Hứa Do có thêm bài vị của Sào Phủ, đồng thời đổi tên miếu là “Sào Hứa miếu” 巢许庙, đích thân đề biển ngạch. Năm Hoằng Trị thứ 18 đời Minh (năm 1505), Tri châu Nhữ Châu Vương Hùng đã cho dựng bia đá bên bờ tây của sông, bên trên khắc 5 chữ lớn: “Hứa Do tẩy nhĩ xứ” 许由洗耳处 (nơi Hứa Do rửa tai).

          (Trích từ: “Nhữ Châu nhân văn sử thoại” 汝州人文史话)

                                                         Huỳnh Chương Hưng

                                                          Quy Nhơn 16/10/2023

Nguồn

http://www.ruzhou.gov.cn/contents/37783/504253.html

Previous Post Next Post