Sáng tác: Đường đa lệnh - Tế vũ tẩy yên trần (HCH)

 

唐多令

細雨洗煙塵

庭除院落新

囀黃鸝

天上閑雲

慢慢封姨來戲蝶

逗笑葉

惹花神 

草樹茂欣欣

清溪夾岸春

水面紅

花落繽紛

忽到桃源同燕逸

此絕境

避強秦 

ĐƯỜNG ĐA LỆNH

Tế vũ tẩy yên trần

Đình trừ viện lạc tân

Chuyển hoàng li

Thiên thượng nhàn vân

Mạn mạn phong di lai hí điệp

Đậu tiếu diệp

Nhạ hoa thần

Thảo thụ mậu hân hân

Thanh khê giáp ngạn xuân

Thuỷ diện hồng

Hoa lạc tân phân

Hốt đáo đào nguyên đồng yến dật

Thử tuyệt cảnh

Tị cường Tần

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 01/8/2023

Phong di 封姨: một tên gọi khác của gió, cũng viết là 封夷, là vị thần gió trong truyền thuyết thần thoại Trung Quốc, còn gọi là “Phong gia di” 封家姨, “Thập bát di” 十八姨, “Phong thập bát di” 封十八姨, ta quen gọi là “Dì gió”.

          Vào niên hiệu Thiên Bảo 天宝đời Đường, Thôi Huyền Vi 崔玄微 vào một đêm xuân gặp được mấy người đẹp: người áo xanh là Dương thị 杨氏, người áo trắng là Lí thị 李氏, người áo đỏ là Đào thị 陶氏, người áo lụa đào là tiểu nữ Thạch Thố Thố 石醋醋cùng với Phong gia thập bát di 封家十八姨 (dì mười tám nhà họ Phong). Họ Thôi bảo rót rượu để vui uống, Thập bát di rót làm vấy bẩn áo của Thố Thố, buổi tiệc không vui giải tán. Đêm hôm sau, các cô gái lại đến, Thố Thố nói rằng các cô gái đều ở trong vườn, phần nhiều bị gió dữ quấy nhiễu, cầu xin họ Thôi mỗi năm vào lúc Nguyên đán 元旦treo lá cờ màu hồng ở phía đông trong vườn, thì có thể tránh được nạn. Lúc bấy giờ Nguyên đán đã qua, nhân đó xin một buổi sáng sớm nào đó treo cờ. Ngày hôm đó, gió từ hướng đông thổi đến, làm gãy cây, cát bụi bay mù, vậy mà cây hoa trong vườn đều bất động. Họ Thôi bấy giờ mới ngộ ra, các cô gái đó đều là hoa tinh, còn Thập bát di là thần gió.

          Về sau trong thơ văn thường “phong di” 封姨 để chỉ gió.

http://xh.5156edu.com/page/z2550m1686j20726.html

          “Phong di” ta thường gọi là “dì gió”, “thập bát di” là “dì mười tám”.

Đêm có ả trăng làm bạn cũ

Ngày thì dì gió quét bên giường

(“Hồng Đức quốc âm thi tập”)

Nước non một gánh nhẹ thay

Lứa vui dì gió bạn vầy ải trăng

(“Sơ kính tân trang”)

Đoạn 2 (hạ khuyết 下闋):  mượn ý từ bài Đào hoa nguyên kí 桃花源記 của Đào Tiềm 陶潛.

          Vào niên hiệu Thái Nguyên 太元 triều Tấn, có người ở Vũ Lăng 武陵 làm nghề đánh cá, ngày nọ men theo giòng nước chèo thuyền đi, quên cả lộ trình xa gần. Bỗng bắt gặp một rừng hoa đào mọc hai bên bờ dài khoảng mấy trăm bước, bên trong không có loài cây nào khác, cỏ xanh tươi tốt, hoa rụng rực rỡ. Ngư phủ cảm thấy kì lạ lại tiếp tục tiến vào, muốn biết tận cùng của rừng đào. Nơi tận cùng lại là nơi nguồn nước, gặp một ngọn núi, núi có một cửa động hẹp, trong động dường như có ánh sáng. Thế là ngư phủ xuống thuyền từ cửa động bước vào. Mới đầu thì hẹp, chỉ lọt được một người, đi thêm mấy chục bước, đột nhiên rộng lớn ra, một vùng đất bằng phẳng, nhà cửa chỉnh tề, ruộng đất phì nhiêu, ao hồ tốt đẹp, có cả rừng dâu rừng trúc. Trong ruộng đường nhỏ ngang dọc tương thông, khắp nơi nghe được tiếng gà gáy tiếng chó sủa. Trong ruộng người qua kẻ lại làm việc chăm chỉ, nam nữ ăn mặc cũng giống với người bên ngoài. Người già và trẻ con đều an nhàn thư thái. Trông thấy ngư phủ, người trong làng vô cùng kinh ngạc, hỏi từ nơi nào đến. Ngư phủ kể lại tường tận Thế là họ mời về nhà, làm gà bày rượu mở tiệc khoản đãi. Mọi người trong làng nghe nói cũng đều đến hỏi thăm tin tức. Họ nói rằng tổ tiên của họ vì tránh loạn thời Tần đã đưa vợ con cùng người làng đến nơi này, từ đó không ra nữa, cách tuyệt với thế giới bên ngoài. Hỏi ngư phủ lúc này là triều đại nào, họ chẳng biết qua triều Hán, càng khỏi phải nói đến hai triều Nguỵ Tấn. Ngư phủ kể lại tường tận những gì mình biết. Nghe xong mọi người đều cảm thán, họ mời ngư phủ về riêng nhà mình để khoản đãi. Ngư phủ lưu lại mấy ngày, sau đó cáo từ ra về, người trong làng dặn không nên nói với ai về nơi này. Ngư phủ tìm thuyền rồi thuận theo giòng nước trở ra, đi qua nơi nào đều đánh dấu. Sau khi về quận thành, ngư phủ đến chỗ của Thái thú kể lại sự việc. Thái thú lập tức sai người cùng ngư phủ đi tìm những dấu đã đánh, nhưng cuối cùng lạc mất phương hướng, tìm không thấy lối vào nguồn đào.

Previous Post Next Post