THUẬN THEO TÍNH MÀ DẠY
Theo Nam Hoa chân kinh 南华真经
Nhan Hạp
颜阖được mời làm Sư phó cho thái tử của Vệ Linh Công 卫灵公, ông đến thỉnh giáo Cừ Bá Ngọc 蘧伯玉:
- Hiện tại có một người, thiên tính tàn khốc.
Nếu không tiến hành quản giáo ông ta, thả mặc ông ta, thì sẽ nguy hại đến quốc
gia của chúng ta, Nếu tiến hành quản giáo ông ta, dùng pháp độ quy gián ông ta,
sẽ nguy đến tự thân. Trí thông minh của ông ta đủ để biết được sai lầm của người
khác, nhưng lại không biết sai lầm của chính mình. Gặp phải tình hình đó, tôi
phải làm thế nào?
Cừ Bá
Ngọc bảo rằng:
- Ông hỏi rất hay. Nên cẩn thận, đầu tiên ông
cần phải đoan chính. Hành vi bên ngoài nên biểu hiện thân mật hiền lành, bình dị
dễ gần; ý thức nội tâm thì phải bình tĩnh ôn hoà, khéo dẫn dắt từng bước. Cho
dù như thế, trong đó vẫn tồn tại ẩn hoạn, sơ ý một chút sẽ xảy ra vấn đề. Cho
nên thân cận họ thì không được quá mức, dẫn dụ họ cũng không thể quá lộ liễu. Hành
vi bên ngoài biểu hiện quá thân mật khiến họ tưởng là ông đang nịnh bợ, họ sẽ
xem ông là hạng tiểu nhân lợi thế, kế hoạch tất sẽ bị huỷ diệt. Nội tâm dẫn dụ
quá lộ liễu, họ sẽ tưởng là ông đang chỉ trích họ, cho rằng ông cũng vì tranh
danh, tai hoạ cũng sẽ đến, Nếu như họ hồn nhiên chân chất như đứa bé, ông cũng tạm thời theo họ mà hồn nhiên chân chất
như đứa bé; nếu hành vi của họ không có quy củ giới hạn, thế thì ông cũng tạm
thời theo họ mà không ràng buộc câu thúc. Trong trạng thái đó, ông vô ý hữu ý dẫn
dắt khiến họ bước vào con đường chính không sai lầm.
Ông có biết con bọ ngựa chăng? Nó lấy
sức giơ chân ngăn chận bánh xe, mà không biết sức của mình không thể thắng nỗi,
đó là bởi vì nó xem tài năng của mình quá cao. Cần phải cẩn thận. Nếu ông khoe
khoang sở trường ưu điểm của ông trước mặt họ, xúc phạm họ thì rất nguy hiểm.
Ông có biết chuyện người nuôi hổ
không? Không dám đem vật sống cho hổ ăn, là sợ hổ khi vồ vật sống sẽ kích khởi
thiên tính tàn sát của nó; không dám đem một vật hoàn chỉnh cho hổ ăn, là sợ hổ
khí xé thức ăn sẽ kích khởi thiên tính tàn sát của nó. Người nuôi hổ có thể biết
lúc hổ đói no mà thuận theo tính tình vui giận của hổ. Hổ và người tuy khác
loài nhưng hổ lại bị thuần phục bời người nuôi, đó là nhân vì người nuôi có thể
thuận theo tập tính của nó. Nếu như nó muốn làm hại người, đó là nhân vì xúc phạm
thiên tính của nó.
Có người thích ngựa, dùng sọt trúc rất đẹp để nhặt phân ngựa, dùng vật trân quý đựng nước để hứng nước tiểu ngựa. Nhưng vừa lúc có muỗi chích thân ngựa, người yêu ngựa xuất kì bất ý đập con muỗi, kết quả ngựa bị kinh sợ, giật đứt giàm, huỷ hoại bộ dây cương trên lưng, ngựa bị thương mà chết. Đó chính là bản ý xuất phát từ chỗ yêu quý mà kết quả lại ngược lại. Gặp phải tình huống đó há không thể không cần thận?
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 15/8/2023
Nguyên tác Trung văn
GIÁO DĨ THUẬN TÍNH
教以顺
Trong quyển
ĐẠO KINH CỐ SỰ
道经故事
Biên soạn: Dương Ngọc Huy 杨玉辉
Tứ Xuyên văn nghệ xuất bản xã,
2002