Dịch thuật: "Thái công" từng là phụ thân

 

“THÁI CÔNG” TỪNG LÀ PHỤ THÂN

          Nói đến “Thái công” 太公chúng ta đầu tiên đều nghĩ đế Khương Tử Nha 姜子牙. Đúng vậy, ai cũng biết Khương Tử Nha cũng gọi là Khương Thái Công 姜太公.

          Kì thực, Khương Thái Công là tôn hiệu của ông. Ông họ Khương , tên Thượng , tự Tử Nha 子牙, hiệu Phi Hùng 飞熊. Nhân vì phụ tá Chu Vũ Vương 周武王diệt triều Thương, kiến lập triều Chu, ông được sách phong làm Tề Hầu 齐侯, định đô tại Cử Khâu 莒丘 (nay là Tri Bác 淄博 Sơn Đông 山东), thành người kiến tạo nước Tề họ Lã , người sáng lập Tề văn hoá, cho nên được người ta tôn làm “Thái công” 太公.

          Trên thực tế, “Thái công” hoàn toàn không phải là tôn xưng riêng có của Khương Tử Nha. Thời Thương Chu, đối với người già đức cao vọng trọng, người ta đều gọi là “Thái công”.

          Thực ra, Khương Tử Nha trước khi giúp Chu Vũ Vương diệt Trụ đã gọi là “Thái công” rồi. Bạn có còn nhớ câu:

Khương Thái công điếu ngư, nguyện giả thướng câu,

姜太公钓鱼, 愿者上钩

(Khương Thái Công câu cá, cá tự đến cắn câu)

          “Thái công” vào thời cổ không chỉ là tôn xưng, mà còn là cách xưng hô đối với bậc trưởng bối trong nhà. Có thể bạn không biết, “Thái công” vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, là tôn xưng đối với phụ thân của mình hoặc phụ thân của người khác.

          Tư Mã Thiên 司马迁 trong Sử kí – Cao Tổ bản kỉ 史记 - 高祖本纪 có viết:

Cao Tổ ngũ nhật nhất triều Thái công, như gia nhân phụ tử lễ.

高祖五日朝太公, 如家人父子礼

          (Cao Tổ cứ năm ngày chầu Thái công một lần, theo lễ cha con trong nhà)

          Tập tục gọi phụ thân của mình là “Thái công” lưu truyền đến đời Minh. Từ đời Thanh trở đi, cách tôn xưng này dần thay đổi, “Thái công” trở thành tôn xưng của “tằng tổ” 曾祖.

          Tằng tổ chính là phụ thân của ông nội. Triệu Dực 赵翼đời Thanh trong “Cai dư tùng khảo – Thái công” 陔馀丛考 - 太公có nói:

Kim nhân kí hô tổ viết công, tắc hô tằng tổ vi “Thái công”

今人既呼祖曰公, 则呼曾祖为太公.

(Người đời nay đã gọi ông nội là “công”, thì gọi ông cố là “Thái công”)

          Cách xưng hô này đến hiện lại có sự thay đổi nữa, người phương bắc gọi tằng tổ là “Thái gia” 太爷, nhưng vùng Quảng Đông, Giang Tô, Giang Tây vẫn bảo lưu cách xưng hô gọi tằng tổ là “Thái công” 太公.

          Lớp vãn bối có thể thấy tằng tổ mà còn tại thế là hoàn toàn không dễ, trước đây chú trọng “tứ thế đồng đường”, hiện tại cho dù không đồng đường, một gia đình thấp nhất là phải có bốn đời mới có tằng tổ. Đương nhiên, tằng tổ mà thấy được cũng đã là một ông lão tám chín chục tuổi, tôn xưng “Thái công”cũng đúng.

          Gọi tằng tổ là “Thái công” cũng được, gọi “Thái gia” cũng được, tôi cho rằng không hề quan trọng, mấu chốt ở chỗ bạn biết hay không biết tằng tổ của bạn tên là gì không?

          Tôi từng hỏi qua hơn 20 vị trung lão niên từ 50 tuổi trở lên, biết hay không biết tằng tổ của họ tên là gì không? rõ ràng không có một ai biết.

          Có cần phải biết không? Đương nhiên là cần. Tằng tổ là tổ tiên của mình mà, hơn nữa lại là tổ tiên cách bạn tương đối gần, bạn cần phải biết tên của ông ấy chứ.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                                                       Quy Nhơn 17/8/2023

Nguồn

TRUNG QUỐC NHÂN ĐÍCH XƯNG HÔ

中国人的称呼

Biên soạn: Lưu Nhất Đạt 刘一达

Tranh vẽ: Mã Hải Phương 马海方

Bắc Kinh: Trung dịch xuất bản xã, 2022

Previous Post Next Post