Dịch thuật: Tam tòng tứ đức

 

TAM TÒNG TỨ ĐỨC 

“Tam tòng tứ đức” là quy phạm đức hạnh mà phụ nữ phải tuân theo trong xã hội cổ đại Trung Quốc.

“Tam tòng” 三从 (tam tùng) xuất từ Lễ kí – Tang phục 礼记 - 丧服:

Phụ nhân hữu tam tòng chi nghĩa, vô chuyên dụng chi đạo, cố vị giá tòng phụ, kí giá tòng phu, phu tử tòng tử.

          妇人有三从之义, 无专用之道, 故未嫁从父, 既嫁从夫, 夫死从子.

          (Đàn bà có ba điều phải theo, không có lí tự chuyên tự dụng, cho nên lúc chưa lấy chồng thì nghe theo cha, khi đã lấy chồng thì nghe theo chồng, nếu chồng mất thì nghe theo con.)

          Hàm nghĩa “tam tòng” 三从ở đây cùng với “tam tòng tứ đức” 三从四德mà đời sau quen nói hoàn toàn không giống nhau, “tam tòng” 三从 nguyên chỉ những nghi chế mà phụ nữ quý tộc phục tang cho thân thuộc, ý nghĩa của “tòng” là thuận theo về phương diện nghi chế, chứ không phải phục tùng về mối quan hệ quyền lực.

          “Tứ đức” 四德 xuất từ Chu lễ - Thiên quan 周礼 - 天官:

          Cửu tần chưởng phụ học chi pháp, dĩ giáo cửu ngự, phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công.

          九嫔掌妇学之法, 以教九御, 妇德, 妇言, 妇容, 妇功.

          (Cửu tần nắm giữ những phép tắc có liên quan đến việc học tập của phụ nữ, lấy việc giáo dục những kĩ năng về đức hạnh, ngôn từ, nghi thái và lao động mà nữ ngự cần phải có.)

          Trịnh Huyền 郑玄chú thích rằng:

          - “Phụ đức” chỉ trinh thuận

          - “Phụ ngôn” chỉ từ lệnh

          - “Phụ dung” chỉ tu sức

          - “Phụ công” chỉ dệt vải

          Đây là bốn loại “phụ đạo” 妇道 mà vương phi phải học tập.

          Tài nữ Ban Chiêu 班昭thời Đông Hán đã sáng tác bài “Nữ giới” 女诫, đem những việc đó gọi là “nữ nhân chi đại đức” 女人之大德, đồng thời giải thích rằng:

          Thanh nhàn trinh tĩnh, giữ tiết tháo, có lòng biết sỉ nhục, cử chỉ ngôn hành đều quy củ, đó là “phụ đức”. Ngôn từ có sự lựa chọn, không nói những lời xấu ác, nói đúng lúc để tránh sự phản cảm của người khác, đó là “phụ ngôn”. Y phục dơ bẩn phải kịp thời giặt giũ cho sạch sẽ, phơi xếp cho chỉnh tề, theo giờ mà tắm gội, giữ thân thể cho sạch, không được dơ bẩn, đó là “phụ dung”. Chuyên tâm dệt vải, không thích đùa giỡn, có thể làm món ngon đãi khách, đó là “phụ công”.

          Đó chính là nội dung cụ thể ẩn chứa trong “tứ đức”.

          “Tam tòng tứ đức” khi mới bắt đầu, được xem là những nghi đức thường ngày định ra cho phụ nữ quý tộc, về sau trải qua sự đề xướng của Nho gia, đã trở thành “phụ đạo” 妇道mà toàn xã hội phải tuân theo.

          Yêu cầu cụ thể mà “tam tòng tứ đức” nêu ra với phụ nữ đã thể hiện rõ sắc thái nam quyền, vì thế mà trong phong trào tân văn hoá “ngũ tứ” 五四 (1) đã bị đả kích, đặc biệt bị những người theo chủ nghĩa nữ tính không dung.

Chú của người dịch

1- Phong trào tân văn hoá “ngũ tứ”: tức “Ngũ tứ vận động” 五四运动,

          Đây là phong trào yêu nước của thanh niên học sinh cùng quảng đại quần chúng gồm thị dân, công nhân, thương nhân, văn sĩ…nổ ra vào ngày 4 tháng 5 năm 1919 tại Bắc Kinh. Phong trào được tiến hành dưới nhiều hình thức như biểu tình thị uy, đòi yêu sách, bãi công, bãi thị, bãi khoá mà nguyên nhân là từ “Vấn đề Sơn Đông”. Tại hoà hội Versailles (Paris) được tổ chức sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các nước xâm phạm chủ quyền Trung Quốc, đem quyền lợi của Đức ở Sơn Đông chuyển giao cho Nhật. Chính phủ Bắc Dương của Trung Quốc lúc bấy giờ tỏ ra bạc nhược không bảo vệ được lợi ích của quốc gia, khiến người Trung Quốc vô cùng phẫn nộ. Một trong những khẩu hiệu nổi tiếng lúc bấy giờ là “Ngoại kháng cường quyền, nội trừ quốc tặc” (外抗强权内除国贼). Phong trào đã có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội Trung Quốc.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng

                                                                      Quy Nhơn 09/8/2023

Nguồn

BẤT KHẢ BẤT TRI ĐÍCH 3000 CÁ VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC

不可不知的3000个文化常识

Biên soạn: Tinh Hán 星汉

Nam Xương: Giang Tây mĩ thuật xuất bản xã, 1018

Previous Post Next Post