“SỬ KÍ” – TẢN VĂN LỊCH SỬ
(tiếp theo)
Tả sử cầu thực
Sử học
Trung Quốc có một truyền thống tốt đẹp, đó là coi trọng “trực thư” 直书 (viết thẳng), coi trọng “vô trưng bất tín” 无征不信 (không có chứng cớ thì không tin), coi trọng việc ghi
chép sự thực lịch sử một cách trung thực. Là một bộ tản văn lịch sử, Sử kí trước
sau kiên trì nguyên tắc cầu thực này, yêu không quá tán tụng, ghét không huỷ
công lao.
Lấy Lã Hậu bản kỉ 吕后本纪 làm chứng, Tư Mã Thiên ghi chép việc Hán Huệ Đế 汉惠帝cùng với Tề Vương 齐王 tại buổi yến tiệc
đã theo lễ như người thân trong nhà, điều đó đã xúc phạm đến sự tôn nghiêm của
Lã Hậu, Lã Hậu tức giận lệnh rót chén rượu độc muốn giết chết Tề Vương, về sau
Tề Vương dâng một quận cho công chúa Lỗ Nguyên 鲁元con
gái của Lã Hậu làm đất thang mộc, lại tôn công chúa làm Vương thái hậu 王太后, những việc đó mới khiến Lã Hậu vui thích, nên mới
tránh được hoạ; Triệu Vương Hữu 赵王友không yêu con gái của
họ Lã, Lã Hậu nghe lời gièm mà tức giận, hung hăng không cho ăn, để ông ta chết
đói; Lã Hậu vô nhân đạo đã chặt đứt tay chân Thích Cơ 戚姬,
sủng thiếp của Lưu Bang 刘邦, móc mắt, cắt tai,
bức uống thuốc làm cho câm không nói được, còn bắt ở nhà xí, gọi là “nhân trệ” 人彘(lợn người), ngay cả Huệ Đế cũng cho rằng ba sự kiện
đó “thử phi nhân sở vi” 此非人所为 (đó
là những việc mà con người làm). Có thể thấy, với tình cảm cá nhân mà nói, Tư
Mã Thiên cực bất mãn với sự tàn nhẫn vô nhân đạo của Lã Hậu, cho nên trong truyện
kí đặc biệt nhấn mạnh bà ta là người tàn nhẫn ác độc, thể hiện được sự mạnh dạn
phê phán mãnh liệt của tác giả. Nhưng, Tư Mã Thiên lại không bị tình cảm của
mình chi phối, đồng thời với việc vạch trần đánh dẹp, cũng đã khẳng định một
cách đầy đủ sở trường và công tích của Lã Hậu, nói rằng:
- Hiếu Huệ, Cao Hậu chi thời, lê dân đắc li Chiến
Quốc chi khổ, quân thần câu dục hưu tức hồ vô vi. Cố Huệ Đế thuỳ củng, Cao Hậu
nữ chủ xưng chế, chính bất xuât phòng hộ, thiên hạ án nhiên, hình phạt hãn dụng,
tội nhân thị hi, dân vụ giá sắc, y thực tư thực.
孝惠, 高后之时, 黎民得离战国之苦, 君臣俱欲休息乎无为. 故惠帝垂拱, 高后女主称制, 政不出房户, 天下晏然, 刑罚罕用, 罪人是希, 民务稼穑, 衣食滋殖.
(Thời
Hiếu Huệ hoàng đế và Lã Hậu tại vị, lê dân thoát được khổ nạn như thời Chiến Quốc,
quân thần đều muốn thông qua vô vi nhi trị mà tu dưỡng nghỉ ngơi. Cho nên Huệ Đế
rủ tay áo, an nhàn vô vi, Cao Hậu với thân phận nà nữ chúa thay hoàng đế nắm
quyền, chính sự không ra khỏi cửa mà thiên hạ bình yên, hình phạt ít dùng, tội
nhân ít có, dân chăm lo cày cấy, cơm áo no đủ.)
Cũng như vậy, đối với Tây Sở bá vương Hạng Vũ 西楚霸霸王项羽mà ông vô cùng khâm phục, Nguỵ công tử 魏公子lấy lễ đãi kẻ sĩ, “Phi tướng quân” Lí Quảng “飞将军” 李广dũng mãnh vô song, Thánh nhân Khổng Tử 孔子v.v… Tư Mã Thiên cũng đều kiên trì thái độ thực sự cầu thị, “như thực miêu tả, tịnh vô huý sức” 如实描写, 并无讳饰 (miêu tả như thực, hoàn toàn không hề kiêng kỵ tô vẽ), thoát được tệ bệnh “ái tắc toản bì xuất vũ, ố tắc tẩy cấu sách ban” 爱则钻皮出羽, 恶则洗垢索瘢 (yêu thì hết lời ca tụng, ghét thì phê phán thậm tệ) khi phê bình nhân vật lịch sử, viết ra hai mặt âm dương của nhân vật lịch sử, khiến người đọc nhìn thấy được nhân vật sống động, nhìn thấy được lịch sử sống động.
Nghệ thuật
ngôn ngữ tinh xảo
Tản văn
cổ đại, từ văn chương của chư tử thời Chiến Quốc, văn từ du thuyết của Tung
hoành gia, đến tản văn của một số tác gia mang tính đại biểu như Trâu Dương 邹阳, Mai Thặng 枚乘, Giả Nghị 贾谊… có thể thấy được sự phô trương so sánh được xem là một
phương pháp phổ biến. Tư Mã Thiên trên cơ sở hấp thu kinh nghiệm của tiền nhân,
đã bỏ đi sự phô trương so sánh, hình thành phong cách tản văn thuần phác giản
khiết, phóng khoáng thung dung, biến hoá đa đoan, thông tục lưu sướng. Trong Sử kí dùng cực ít cú pháp “biền lệ” 骈俪, văn cú xem ra dường như không quá để ý, thỉnh thoảng
thậm chí thỉnh thoáng có một số “ngữ bệnh” 语病,
nhưng lại có vận trí, rất có sinh khí. Ngữ điệu có lúc ngắn cụt, có lúc không
chặt chẽ, có lúc trầm trọng, có lúc nhẹ bỗng, có lúc hóm hĩnh, có đủ tạp lực
tình cảm mạnh mẽ.
Như một
số hành văn tẩu tự trong Hạng Vũ bản kỉ 项羽本纪 đã được khen là đã đạt đến đỉnh cao:
Kim giả Hạng Trang bạt kiếm vũ, kì ý thường
tại Bái Công.
今者项庄拔剑舞, 其意常在沛公
(Nay Hạng
Trang rút kiếm múa, mà ý thường nhắm vào Bái Công)
Thụ tử bất túc dữ mưu
竖子不足与谋
(Con nít không đủ để cùng mưu tính)
Lực bạt sơn hề khí cái thế
Thời bất lợi hề truy bất thệ
Truy bất thệ hề khả nại hà
Ngu hề Ngu hề nại nhược hà
力拔山兮气盖世
时不利兮骓不逝
骓不逝兮可奈何
虞兮虞兮奈若何
(Sức bạt cả núi, hào khí trùm khắp trên đời
Thời vận bất lợi, ngựa ô truy không tiến lên
Ngựa ô truy không tiến lên biết làm sao
Nàng Ngu Cơ ơi! Nàng Ngu Cơ ơi! Ta phải làm sao đây)
đến nay người ta vẫn truyền tụng, có lúc diễn biến
thành thành ngữ, thường được người đời sau dùng, như: “Tứ diện Sở ca” 四面楚歌, “Hạng Trang vũ kiếm, ý tại Bái Công” 项庄舞剑, 意在沛公… Cũng có người
nói, những kịch bản như “Hạng Vũ biệt Cơ” 项羽别姬, “Hồng Môn yến” 鸿门宴 cũng xuất phát từ
Hạng Vũ bản kỉ.
Trong
sách còn dùng rộng rãi rất nhiều dân ngạn dân dao, ví dụ như nói:
Đào lí bất ngôn, hạ tự thành khê
桃李不言, 下自成蹊
trong Lí tướng quân liệt truyện 李将军列传, hình dung Lí Quảng 李广không giỏi ngôn từ mà lại được mọi người kính trọng, vừa mang tính khái quát, lại có hơi thở cuộc sống. Ngoài ra, ở trên có nói đến Sử kí tả nhân vật đối thoại, thường sử dụng khẩu ngữ trong cuộc sống thường ngày, cũng tăng thêm sinh khí ngôn ngữ ./. (hết)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 07/8/2023
Nguyên tác Trung văn
LỊCH SỬ TẢN VĂN – “SỬ KÍ”
历史散文 “史记”
Trong quyển
NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG
TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ
(quyển 1)
一本书读懂中国传说文化
Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航
Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản
2019