KINH ĐIỂN QUÁN ÂM CÓ DUYÊN SÂU NHẤT
VỚI NGƯỜI TRUNG QUỐC LÀ KINH NÀO
Diệu pháp liên hoa kinh – Quán Thế Âm Phổ
môn phẩm 妙法莲华经 - 观世音普门品 là một
trong những bộ kinh diển rất quan trọng trong lịch sử phát triển về tín ngưỡng
Quán Âm ở Trung Quốc, cho dù đến hiện nay, vẫn là kinh điển hấp dẫn mà tín đồ
Quán Âm Trung Quốc tụng đọc.
Bộ kinh
này sớm nhất là vào cuối thế kỉ thứ 3, do ngài Trúc Pháp Hộ 竺法护 (1) phiên dịch truyền vào đất Hán, bản dịch thông hành
trước mắt là bản dịch của Đại dịch kinh
gia ngài Cưu Ma La Thập 鸠摩罗什 (2) vào thời
Hậu Tần 后秦 (3) thế kỉ thứ 6.
Về việc
“Phổ môn phẩm” 普门品 có thể lưu
truyền phổ biến ở thế gian, nói ra còn có một câu chuyện linh cảm cảm động lòng
người.
Tương
truyền tại Trung Quốc vào thời Nam Bắc triều, quân vương Bắc Lương 北凉 (4) Thư Cừ Mông Tốn 沮渠蒙逊 (5) bị một chứng bệnh quái lạ, các thầy thuốc đều bó tay
không còn phương sách nào. Đương lúc nguy cấp, một vị xuất gia tinh thông y thuật
từ Ấn Độ đến, ngài tôn giả Đàm Vô Sấm 昙无谶 (6). Tôn
giả vừa thấy Tự Cừ Mông Tốn, liền nói bệnh của ông ta là “nghiệp chướng bệnh” 业障病, dược vật thông thường không thể chữa trị được. Nếu
muốn khỏi bệnh, phải thành tâm niệm “Phổ môn phẩm” mới có thể khỏi.
Trong
lúc tuyệt vọng vì bệnh, Thư Cừ Mông Tốn theo lời chỉ dạy của tôn giả, thành tâm
trì tụng “Phổ môn phẩm”, chưa đến 7 ngày, quả nhiên thoát li bệnh khổ, không
thuốc mà khỏi. Nhân đó, “Phổ môn phẩm” phút chốc biến thành linh đơn diệu dược,
phàm là bệnh nhân bị “nghiệp chướng bệnh”, không thuốc nào chữa khỏi, đều thành
tâm trì tụng “Phổ môn phẩm”, vô cùng linh nghiệm. Từ đó, “Phổ môn phẩm” lưu
truyền rộng rãi chốn thế gian.
“Phổ môn phẩm” sở dĩ có thể đánh động nhân tâm các đời, là nhờ trong kinh có đề cập, mọi người chỉ cần nhất tâm xưng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát 观世音菩萨, nhất định có thể thoát li “bát nạn” 八难 (hoả nạn 火难, thuỷ nạn 水难, phong nạn 风难, la sát 罗刹, đao trượng 刀杖, quỷ 鬼, già toả 枷锁cùng oán tặc 怨贼), “tam độc” 三毒 (tham 贪, sân 嗔, si 痴), cho đến thoả mãn nguyện vọng “nhị cầu” 二求 (cầu nam 求男, cầu nữ 求女). Đồng thời ngài Quán Âm lại có thể nhân ứng vào nhu cầu của con người mà hoá hiện 33 hình tượng khác nhau thuyết pháp độ nhân.
Chú của người
dịch
1- Trúc Pháp Hộ
竹竺法护 (khoảng năm 229 – năm 306): tên tiếng Phạm là Đạt Ma La Sát 达磨罗察 (Đàm
Ma La Sát 昙摩罗察, Đàm Ma La Sát 昙摩罗刹, Đạt Ma La Sát 达磨罗刹), người Đôn Hoàng
敦煌Cam Túc 甘肃, vị đại sư dịch
kinh Phật thời Tây Tấn, người đương thời gọi ngài là “Đôn Hoàng Bồ Tát” 敦煌菩萨. Tổ tiên là người Nguyệt Chi 月支,
vốn họ Chi 支, nên cũng gọi là Chi Pháp Hộ 支法护.
Lên 8 tuổi ngài theo Trúc Cao Toạ 竺高座xuất gia, lấy họ của
thầy. Ngài sống vào khoảng thời Thái Hoà 太和năm
thứ 3 (năm 229) triều Nguỵ Minh Đế 魏明帝 đến thời Vĩnh Hưng 永兴 năm thứ 3 (năm
306) triều Tấn Huệ Đế 晋惠帝, hưởng thọ 78 tuổi.
Bộ Pháp Hoa kinh 法华经 mà ngài dịch
đã giới thiệu Quán Thế Âm Bồ Tát đến với Trung Quốc, Hán dịch là “Quang Thế Âm”
光世音.
https://zh.wikipedia.org/zh-hans/%E7%AB%BA%E6%B3%95%E6%8A%A4
2- Hậu Tần 后秦 (năm 383 – năm
417): cũng gọi là Diêu Tần 姚秦, là chính quyền do
Diêu Trường 姚苌 người Khương 羌
thời kì Thập Lục Quốc kiến lập, tổng cộng trải qua 3 đời 3 đế, hưởng quốc 34
năm.
3- Cưu Ma La Thập
鸠摩罗什 (năm 343 – năm
413): Vị cao tăng đời Hậu Tần thời Thập Lục Quốc, một trong Tứ đại Phật kinh
phiên dịch gia. Phụ thân ngài là Cưu Ma La Viêm 鸠摩罗炎, xuất thân vọng tộc ở Thiên Trúc 天竺,
sau đến nước Cưu Tư 龟兹, sinh ra ngài. Lên 7 tuổi, ngài theo mẹ xuất gia, ban
đầu học Tiểu thừa, sau đến Kế Tân 罽宾, Sa Lặc 沙勒, tại Sa Xa quốc 沙车国 gặp được vị
danh tăng Đại thừa, Ngài La Thập đã đổi sang học Đại thừa. Ngài đọc rất nhiều
kinh luận Đại Tiểu thừa, nổi tiếng các nước Tây vực, và cũng nổi tiếng ở đất
Hán.
https://baike.baidu.com/item/%E9%B8%A0%E6%91%A9%E7%BD%97%E4%BB%80/381383
4- Bắc Lương 北凉 (năm 397 hoặc năm 401 – năm 439): một trong thập
lục quốc, do lãnh tụ Thư Cừ Mông Tốn 沮渠蒙逊 tộc Lô Thuỷ Hồ 卢水胡 chi hệ Hung Nô kiến lập. Một thuyết khác là do
Đoàn Nghiệp 段 业kiến lập. Người anh họ
của Thư Cừ Mông Tốn là Thư Cừ Nam Thành 沮渠男成tại Kiến Khang 建康 (nay là Lạc Đà thành 骆驼城, huyện Cao Đài 高台) giúp Đoàn Nghiệp xưng Lương Châu Mục 凉州牧, lập Khang Công 康公, sau cải nguyên là Thần
Tỉ 神玺 bắt đầu lập quốc (năm 397).
https://zh.wikipedia.org/zh-hans/%E5%8C%97%E5%87%89
5- Thư Cừ Mông Tốn (năm 368 – năm 433): người Hung Nô, vị quân chủ thứ
2 của Bắc Lương thời kì Thập Lục Quốc, nguyên là lãnh tụ tộc Lô Thuỷ Hồ chi hệ
Hung Nô, từng phản Hậu Lương, sau giết Đoàn Nghiệp tự lên ngôi.
https://zh.wikipedia.org/zhhans/%E6%B2%AE%E6%B8%A0%E8%92%99%E9%81%9C
6- Đàm Vô Sấm 昙无谶 (năm 385 – năm
433/ 439?): người Thiên Trúc 天竺, vị cao tăng Phật
giáo thời Nam Bắc Triều, dịch kinh gia, là thuỷ tổ của Niết Bàn Tông 涅槃宗.
https://zh.wikipedia.org/zh-hans/%E6%9B%87%E7%84%A1%E8%AE%96
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 05/8/2023
(Quán Thế Âm thành đạo kỉ niệm nhật 19/6)
Nguyên tác Trung văn trong
QUAN ÂM TIỂU BÁCH KHOA
观音小百科
Tác giả: Nhan Tố Tuệ 颜素慧
Trường Sa – Nhạc Lộc thư xã, 2002