Dịch thuật: "Cao đường" đích xác là phải cao

 

“CAO ĐƯỜNG” ĐÍCH XÁC LÀ PHẢI CAO

          Thời kì đầu, người Trung Quốc gọi kết hôn là “bái thiên địa” 拜天地. Bất lận là nơi tổ chức hôn lễ rộng lớn bao nhiêu, cũng cần phải đặt “thiên địa trác” 天地桌 (bàn bái thiên địa), Bàn này chính là nơi chú rể cô dâu bái thiên.

          “Bái thiên địa” 拜天地nói là bái một thiên địa, nhưng thực tế là “tam bái”, tức nhất bái thiên địa, nhị bái cao đường, sau đó là phu thê đối bái.

          “Cao đường” 高堂chỉ cha mẹ, nói một cách chính xác là chỉ cha mẹ của nhà trai. Hôn lễ trước đây khác với hôn lễ hiện nay. Người chủ biện hôn lễ là do bên nhà trai, cha mẹ bên nhà gái không thể tham gia.

          Theo tập tục cũ, cô dâu trong ngày hôn lễ ra khỏi nhà cha mẹ, ngồi kiệu tham gia hôn lễ của nhà trai, coi như là người của nhà trai rồi. Cho nên, trước đây cô gái kết hôn gọi là “xuất các” 出阁, cũng gọi là “tiến môn” 进门.

          Nhà gái tiến vào cửa nhà trai, cha mẹ cô gái đương nhiên không thể cùng theo vào, cho nên trong hôn lễ xuất hiện “cao đường” là chỉ có cha mẹ của nhà trai.

          “Cao đường” 高堂là từ xưng hô đối với cha mẹ, không chỉ xuất hiện trong lúc “bái thiên địa”, mà bình thường cũng gọi như thế. Từ thơ văn cổ đại, chúng ta sẽ phát hiện rất nhiều cách xưng hô như thế.

          Ví dụ như, trong Túc không linh hiệp thanh thụ thôn phố 宿空舲峡青树村浦của thi nhân Trần Tử Ngang 陈子昂 đời Đường có câu:

Uỷ biệt cao đường ái

Khuy du minh chủ ân

委别高堂爱

窥觎明主恩

(Gượng từ biệt lòng yêu thương của cha mẹ

Thầm mong thấy được ơn của minh chủ)

          Tại sao lại gọi cha mẹ là “cao đường” 高堂?

          Nghĩa gốc của “cao đường” 高堂là chỉ sảnh đường hoặc đại đường cao lớn. Người thời cổ thường là “tam thế đồng đường” hoặc “tứ thế đồng đường”, tứ hợp viên hoặc tam hợp viện cư trú có quy chế, “chính phòng” 正房 (bắc phòng) phải cao hơn “sương phòng” 厢房 (phòng hai bên đông tây).

          Theo quy củ trưởng ấu phải có thứ tự, trưởng bối trú ở chính phòng, cho nên nơi mà cha mẹ ở cao hơn một chút so với nơi mà vãn bối ở, vì thế dùng “cao đường” để chỉ cha mẹ.

          Còn có một cách nói nữa, “cao đường” chính đại quang minh, có thể chủ trì công đạo, cho nên ví cha mẹ là cao đường.

          Người thời cổ, lớp vãn bối khi giới thiệu cha mẹ của mình cho người ngoài, không thể trực tiếp nói “Đây là ba tôi, đây là má tôi” mà phải nói là “cao đường”. Đương nhiên, hiện nay đã không còn những kị huý này.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                                                       Quy Nhơn 24/8/2023

Nguồn

TRUNG QUỐC NHÂN ĐÍCH XƯNG HÔ

中国人的称呼

Biên soạn: Lưu Nhất Đạt 刘一达

Tranh vẽ: Mã Hải Phương 马海方

Bắc Kinh: Trung dịch xuất bản xã, 2022

Previous Post Next Post