NĂM ĐÓ AI CŨNG CÓ THỂ XƯNG LÀ “TRẪM”
Phim về
đề tài lịch sử được chiếu trên truyền hình, bạn thấy hoàng đế đối với các đại
thần thường nói rằng: “trẫm” 朕 thế này, “trẫm” 朕 thế nọ …. Chữ 朕 có âm đọc đồng
với chữ 镇 (trấn). Chữ 镇 này có thể “trấn” cả
thiên hạ. Vì sao như thế?
Nhân vì
là nhân xưng ngôi thứ nhất, chỉ có hoàng đế mới có thể xưng hô bản thân mình
như thế. Trừ hoàng đế ra, cho dù bạn là quan có chức cao đến bao nhiêu, cho dù
bạn là vương gia, hay là bối lặc cũng đều không dám xưng bản thân mình là 朕 (trẫm).
Kì thực,
朕 (trẫm) làm nhân xưng ngôi thứ nhất, ban đầu hoàn toàn
không phải là từ dành riêng cho hoàng đế. Thời đó, 朕là
một từ xưng hô phổ thông, không phân biệt cao thấp sang hèn, ai cũng có thể
xưng mình là 朕 (trẫm).
Trong
giáp cốt văn và kim văn đã xuất hiện chữ 朕
(trẫm). Nghĩa gốc của chữ 朕 là mồi lấy lửa trên
thuyền
Từ xưa
đế nay, thuyền dân mưu sinh trên sông nước, họ ăn uống ngủ nghỉ trên thuyền.
Ngày qua ngày, nhóm lửa nấu cơm. Nhưng lúc đó không có quẹt diêm, cũng không có
hộp quẹt máy, chỉ có thể giữ lửa ở mồi lửa, cũng chính là 朕 (trẫm). Cho nên, 朕
(trẫm) là mồi lấy lửa, đối với thuyền dân mà nói là vô cùng quan trọng.
Về sau,
nghĩa của chữ 朕 (trẫm) được phái sinh là điềm báo (trưng triệu 征兆). Về sau nữa, lại phái sinh là nhân xưng ngôi thứ nhất.
Chẳng qua, nhân xưng ngôi thứ nhất này đặc chỉ tự xưng của thuyền nhân.
Trong Thuyết văn giải tự 说文解字 giải thích là:
Trẫm, ngã dã
朕, 我也
(Trẫm là tôi)
Trong Nhĩ nhã – Thích hỗ giải thích 尔雅 - 释诂:
Trẫm, thân dã
朕, 身也
(Trẫm là bản thân)
Đều là tự xưng của 我
(ngã).
Đến thời
Xuân Thu Chiến Quốc, xưng hô 朕 (trẫm) đã bước ra khỏi
thuyền, trở thành nhân xưng ngôi thứ nhất trong khẩu ngữ thường dùng hàng ngày
của bách tính bình dân, lúc đó ai cũng có thể xưng mình là 朕 (trẫm).
Thế thì
朕 (trẫm) làm sao lại trở thành “chuyên xưng” của hoàng
đế? Điều này phải nói đến Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇.
Sau khi
Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, trở thành vị hoàng đế đầu tiên trong lịch
sử Trung Quốc, Thừa tướng Lí Tư 李斯dâng lời, cho rằng
hoàng đế là con trời, cần phải “phổ thiên chi hạ, duy ngã độc tôn” 普天之下, 唯我独尊(dưới khắp vòm trời
này chỉ có ta là độc tôn). Đã là “độc tôn” 独尊,
về xưng hô cũng cần phải có từ cho riêng mình độc hưởng.
Lí Tư
thích chi phối thao túng văn tự, ông đem kiểu chữ đại triện có từ trước sửa đổi
thành tiểu triện, đồng thời thống nhất văn tự trong toàn quốc, làm ra “Thương Hiệt thiên” 仓颉篇 lấy đó làm chữ mẫu. Trong đó chọn lấy chữ 朕 (trẫm) này.
Ông
dâng thư lên Tần Thuỷ Hoàng, kiến nghị dùng chữ 朕 (trẫm) này làm
nhân xưng ngôi thứ nhất dành riêng cho hoàng đế, ý nghĩa là “thiên hạ giai trẫm,
hoàng quyền độc tôn” 天下皆朕, 皇权独独尊, cả thiên hạ đều là của ta, quyền lực trong tay ta là
thần quyền duy nhất.
Tần Thuỷ
Hoàng cảm thấy ý kiến hay, mình là vị hoàng đến đầu tiên, đương nhiên về xưng
hô cũng cần phải “đệ nhất”. Thế là, Tần Thuỷ Hoàng lĩnh hội thấu triệt tiếp nhận
kiến nghị của Lí Tư, tự xưng là 朕 (trẫm).
Trong Sử kí – Lí Tư liệt truyện 史记 - 李斯列传viết rằng:
Sơ, Triệu Cao vi Lang trung lệnh, sở sát cập
báo tư oán chúng đa, khủng đại thần nhập triều tấu sự huỷ ố chi , nãi thuyết Nhị
Thế viết: ‘Thiên hạ sở dĩ quý giả, đản dĩ văn thanh, quần thần mạc đắc kiến kì
diện, cố hiệu viết trẫm.
初, 赵高为郎中令, 所杀及报私怨众多, 恐大臣入朝奏事毁恶之, 乃说二世曰: ‘天下所以贵者, 但以闻声, 群臣莫得见其面, 故号曰朕’.
(Ban đầu,
Triệu Cao làm Lang trung lệnh, giết và báo thù riêng nhiều người, sợ đại thần
vào triều tấu sự huỷ báng ông, bèn nói với Nhị Thế rằng: ‘Kẻ được tôn quý trong
thiên hạ, chỉ được nghe tiếng, quần thần không dược thấy mặt, cho nên gọi là
“trẫm”.)
Văn võ
bách quan, quan viên các nơi không cần phải gặp mặt hoàng đế, nghe nói đến chữ 朕 (trẫm) này là biết đó là lời của hoàng đế. Bạn nói thử,
chữ 朕 (trẫm) này có quyền uy lớn bao nhiêu?
Chữ 朕 (trẫm) đã quy về độc hữu của hoàng đế, trong thiên hạ
chỉ có một người có thể xưng 朕 (trẫm).
Bắt đầu
từ Tần Thuỷ Hoàng, đừng nói là phổ thông bách tính, chức quan của bạn có lớn tới
đâu, cũng không dám xưng 朕 (trẫm). Xưng 朕 (trẫm) có thể “trấn”
镇 lấy bạn. “trấn” 镇
này chính là cái đầu của bạn đã dọn ra khỏi nhà.
Chẳng
qua, chữ 朕 (trẫm)
này, là tự xưng của hoàng đế trong sách vở, thông thường chỉ xuất hiện trong
các chiếu thư dụ chỉ. Trong đời sống thường ngày, nhìn chung hoàng đế không nói
朕 (trẫm).
Khi xưng hô, hoàng đế cũng ăn uống như nhân gian, nên cũng xưng “ngã” 我, “cô” 孤, dư” 予.
Từ đó mà nói, trong một số bộ phim truyền hình, hoàng đế hễ mở miệng là xưng 朕 (trẫm), “trẫm” thế này. “trẫm” thế nọ, hoàn toàn không phải là bản lai diện mục của lịch sử.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 28/6/2023
Nguồn
TRUNG QUỐC NHÂN ĐÍCH XƯNG HÔ
中国人的称呼
Biên soạn: Lưu Nhất Đạt 刘一达
Tranh vẽ: Mã Hải Phương 马海方
Bắc Kinh: Trung dịch xuất bản xã, 2022