CHỒI HUYÊN GẦN CỖI GỐC THUNG GẦN GIÀ (974)
Huyên và thung (xuân): chỉ mẹ và cha.
Huyên 諼, 谖, 萱: tên
một loại cỏ. Biệt danh của cỏ huyên rất nhiều, như: kim châm 金针, vong ưu thảo 忘忧草, nghi nam thảo 宜男草, liệu sầu 疗愁, tử huyên 紫萱 , lộc tiễn 鹿箭, hoàng hoa thái 黄花菜 .... Ta gọi loại hoa này là “hoa hiên”. Theo truyền
thuyết cỏ huyên là loại cỏ khiến người ta có thể quên đi lo âu phiền muộn.
Trong Hán văn, 萱草 cũng được viết là 谖草, 谖 (huyên) có
nghĩa là “quên”. Ghi chép sớm nhất về cỏ huyên được thấy ở bài thơBá hề 伯兮phần Vệ
phong 卫风 trong Kinh thi. Bối 背có nghĩa là bắc đường 北堂tức nhà phía bắc. Bắc đường đại biểu cho mẹ. Do vì cỏ
huyên là loại cỏ có thể làm cho người ta quên đi ưu sầu, nên thời cổ, khi người
con chuẩn bị đi xa, thường trồng cỏ huyên ở nhà phía bắc, hi vọng mẹ sẽ giảm bớt
nỗi nhớ thương, quên đi ưu sầu.
Trong Thi kinh – Vệ phong – Bá
hề 詩經 - 衛風 - 伯兮có câu:
Yên đắc huyên thảo
Ngôn thụ chi bối.
焉得諼草
言樹之背
(Làm sao có được cây cỏ huyên
Trồng nó ở nhà phía bắc)
Thung: ở đây tức “xuân”. Chữ
“thung” 樁 và chữ “xuân” 椿 tự dạng rất giống nhau. Theo “Hán Việt tự điển”
của Thiều Chửu, “thung” 樁 có nghĩa là đánh đập. còn “xuân” 椿 tức cây xuân, theo truyền thuyết cổ
đại là cây sống rất lâu.
“Xuân” 椿 để chỉ cha, điển xuất từ trong Trang
tử - Tiêu dao du 庄子 - 逍遥游 . Ở thiên đó có câu:
Thượng cổ hữu đại xuân giả, dĩ bát
thiên tuế vi xuân, bát thiên tuế vi thu, thử đại niên dã.
上古有大椿者, 以八千岁为春, 八千岁为秋, 此大年也.
(Thời thượng cổ có cây đại xuân, lấy 8000 năm làm một mùa xuân, 8000 năm làm một
mùa thu, ấy là trường thọ)
Người xưa bèn lấy cây dại xuân để ví cho cha, mong cha sống lâu như thế. Về
sau, khi chúc thọ người nam, đều tôn xưng họ là “xuân thọ” 椿寿. Trong Luận
ngữ 论语 có nói, con của
Khổng Tử 孔子 là Khổng Lí 孔鲤 vì sợ làm phiền cha
đang suy nghĩ vấn đề, nên đã “xu đình nhi quá” 趋庭而过 (rảo bước qua trong sân). Nhân đó người xưa bèn đem chữ
“xuân” 椿 hợp lại với chữ “đình” 庭 thành “xuân đình” 椿庭, để gọi cha. Cũng còn được
gọi là “xuân đường” 椿堂 .
https://baike.baidu.com/item/%E6%A4%BF%E8%90%B1
Câu 1454 trong “Nhị độ mai”:
Thiên lao lại bắt thung đường
phó giam
“Thung đường” tức “xuân đường” 椿堂.
Chị nhờ em
gánh hiếu trung
Chồi huyên gần
cỗi gốc thung gần già
(Nhị độ mai 973 - 974)
Tâu vua bắt
chị hoà man
Thiên lao lại
bắt thung đường phó giam
(Nhị độ mai 1453 - 1454)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 11/6/2023