Dịch thuật: Năm yếu tố uống trà dưỡng sinh (kì 2)

 

NĂM YẾU TỐ UỐNG TRÀ DƯỠNG SINH

(kì 2)

Tam tri: Tri trà phẩm, tri trà kĩ, tri trà ý

          “Lưỡng dưỡng” 两养 (tức dưỡng thân và dưỡng tâm) đã mở ra cho chúng ta cánh cửa lấy trà để dưỡng sinh, nhưng chân chính làm được việc lấy trà để dưỡng thân dưỡng tâm, không hề là một việc dễ dàng. Điều đó cần đến việc chúng ta phải hiểu bản thân trà có những gì, chí ít phải “tri trà phẩm, tri trà kĩ, tri trà ý” 知茶品, 知茶技, 知茶意. Chỉ có nắm bắt được “tam tri” 三知, chúng ta mới có thể mở ra cuộc hành trình lấy trà để dưỡng sinh.

          “Tri trà phẩm” 知茶品 là bước đầu tiên trong “tam tri”, cũng là tiền để quan trọng để thực hiện “lưỡng tri” còn lại kia. Chỉ có sau khi hiểu về trà, chúng ta mới có thể pha được chén trà dưỡng sinh công hiệu, khiến thân tâm của bản thân và trà hoàn toàn khế hợp.

          Tại Trung Quốc, trà đã có lịch sử mấy ngàn năm, đến nay đã hình thành 6 loại trà cơ bản lớn. Trong đó, chỉ riêng trà có tên tuổi đã lên tới cả ngàn loại. Nếu thêm các danh trà của các địa phương, cơ hồ không có cách nào để hình dung con số. Chủng loại nhiều như vậy, trà phẩm nhiều như thế, cho dù mất mấy năm cũng chưa chắc đã đếm hết. Nhưng xin yên tâm, người uống trà căn bản không cần phải bỏ công sức ra nghiên cứu, chúng ta chỉ cần đối với loại trà mà mình ưa thích, hiểu được mấy loại là được rồi.

          Xét về tình hình này, chúng ta cần hiểu rõ chúng loại và thuộc tính của trà. Việc đó giống như thầy thuốc xem chứng bệnh mà ra toa thuốc, có sự hiểu biết đối với trà sau khi thâm nhập, chúng ta có thể học được nhiều hơn những tri thức có liên quan với trà, hiểu được càng nhiều về tính chất của trà, biết được thời tiết nào nên uống loại trà nào … Như vậy, chúng ta đã hoàn thành bước đầu tiên trong “tam tri”, đó là “tri trà phẩm”.

          Tri trà kĩ知茶技: Sau khi có sự hiểu biết về chủng loại và thuộc tính của trà, chúng ta bắt đầu bước thứ hai trong “tam tri” tức “tri trà kĩ” 知茶技. Gọi là “trà kĩ” 茶技chính là nói phương pháp khác nhau về việc pha trà phẩm. Chỉ có nắm bắt phương pháp pha loại trà mà mình ưa thích, thì trà tính mới có thể kích phát được tối đa hạn độ, chúng ta cũng mới có thể đạt đến mục tiêu bồi dưỡng thân tâm một cách tốt hơn.

          Kì thực, về việc pha trà như thế nào, sự tìm hiểu việc bồi dưỡng thân tâm như thế nào đã bắt đầu từ thời cổ. Đời Đường, trà đã đón nhận sự huy hoàng lần đầu tiên trong lịch sử của nó. Trong quyển Trà kinh 茶经do Trà thánh Lục Vũ 陆羽 soạn lần đầu tiên đã giới thiệu toàn diện về sự phân bố, sinh trưởng, trồng, hái, chế biến và phẩm giám trà. Ở đời Đường, cách chưng hấp lục trà nhất thống thiên hạ, cách sao trà cũng được hoàn thiện, đồng thời lưu truyền rộng rãi. Đến đời Tống, “điểm trà pháp” 点茶法thịnh hành nhất thời. Trà phát triển đến đời Minh, xuất hiện “tán trà” 散茶. Tán trà thịnh hành trong thiên hạ ở cách pha một nhúm trà (toát phao pháp 撮泡法) đã trở nên huy hoàng. Kĩ thuật pha trà ở hai đời Minh Thanh đã tiến vào thời đại hoàn bị. Ngày nay, kĩ thuật pha trà đã đã thành thể kết hợp giữa kĩ thuật pha trà với cảnh giới. Cho nên nói, việc pha trà, nói khó không khó mà nói dễ cũng không dễ. Nhưng mấu chốt chỉ cần tuân theo việc làm thế nào có thể phát huy trà tính, chúng ta đã có thể dễ dàng nhẹ nhàng làm được việc là lấy trà dưỡng sinh, mà không cần chú ý đến việc biểu diễn trà nghệ của chủng loại trà nào hoặc lí luận trà đạo cao thâm.

          “Tri trà ý” 知茶意 là khâu cuối cùng của “tam tri”, cũng là khâu khó nhất của “tam tri”. Nó yêu cầu chúng ta phải tinh xác hiểu rõ thuộc tính tinh thần của trà, đồng thời khi phẩm trà đem tâm của mình với trà dung hợp làm nhất thể, lấy đó để đạt đến thanh thần dưỡng tâm, cảnh giới tham thiền ngộ đạo.

          Đối với người phẩm trà, “tri trà ý” đề xuất yêu cầu càng cao. Đối với tình hình cơ bản của trà, chúng ta cần biết rõ như lòng bàn tay, đối với ý cảnh của trà cần có sự hiểu biết tường tận. Một li trà thơm mang lại cho chúng ta không chỉ sự thư thái cho thân thể, mà còn mang đến cho chúng ta dư hương luôn vấn vít. Đức Phật có nói: Cảnh do tâm sinh. Lúc dùng tâm để hiểu rõ trà phẩm, người và trà cả hai hợp làm một. Nhân sinh như trà, trà như nhân sinh.

          Cho nên, tri trà phẩm và trà kĩ là lấy trà làm tiền để cho sự bồi dưỡng thân tâm, và trà ý mới có thể khiến chúng ta lấy trà ngộ đạo, thể ngộ chân đế “thiền trà nhất vị” 禅茶一味.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 11/4/2023

Nguồn

TRUNG QUỐC TRÀ VĂN HOÁ

中国茶文化

Biên soạn: Trương Cảnh 张景

Thiên Tân: Thiên Tân khoa học kĩ thuật xuất bản xã, 2018.

Previous Post Next Post