Dịch thuật: Danh xưng "Chiêm Bà" cùng lịch sử giản lược (kì 3)

 

DANH XƯNG “CHIÊM BÀ” CÙNG LỊCH SỬ GIẢN LƯỢC

(kì 3)

          Trường kì đến nay, khả năng chủ yếu do bởi sự hạn chế của chúng ta về việc giao lưu đối ngoại, các học giả Trung Quốc đa phần đều dựa vào những ghi chép của sử tịch Trung Quốc để nghiên cứu Chiêm Bà占婆. Căn cứ vào ghi chép trong Minh thực lục 明实录, sử tịch Trung Quốc đối với ghi chép về Chiêm Bà lại chỉ đến năm Gia Tĩnh 嘉靖 thứ 22 đời Minh (năm 1543) mà thôi, (1) điều này khiến học giả trong nước đại đa số đều tán đồng quan điểm của Mã Bá Lạc 马伯乐 cho Chiêm Bà diệt vong vào thế kỉ thứ 15. Nhưng trên thực tế, Chiêm Bà chân chính bị biến mất từ trên địa đồ là vào năm 1832, ý tức Chiêm Bà được xem là một hình thái chính quyền quốc gia vẫn tồn tại đến nửa đầu thế kỉ 19. Sử tịch Trung Quốc sở dĩ đến sau đời Minh, ghi chép về Chiêm Bà rất ít, là do bởi sự qua lại giữa đời Minh với Chiêm Bà bị vương triều tộc Kinh làm đứt đoạn, sứ giả Chiêm Bà đến Trung Quốc triều cống bị vương triều tộc Kinh cản trở, cho dù may mắn đến được Trung Quốc, cũng rất khó trở về lại Chiêm Bà.

          Việc ghi chép lần cuối cùng về Chiêm Bà trong Minh thực lục 明实录 như sau:

          (Gia Tĩnh nhị thập nhị niên Thu thất nguyệt), Giáp Dần, Chiêm Thành quốc sứ thần Sa Bất Đăng Cổ Lục đẳng viện lệ tấu khất quan đới, hựu dĩ kì quốc sổ bị An Nam công lược, đạo trở nan quy, khất khiển quan hộ tống xuất cảnh, câu hứa chi. (2)

          (嘉靖二十二年秋七月) 甲寅, 占城国使臣沙不登古录等援例乞冠带, 又以其国数被安南攻略, 道阻难归, 乞遣官护送出境, 俱许之. (2)

          (Tháng 7 mùa Thu năm Gia Tĩnh thứ 22) Ngày Giáp Dần, nhóm sứ thần nước Chiêm Thành là Sa Bất Đăng Cổ Lục vin theo lệ xin được triều Minh ban cho mũ và đai, lại lấy việc nước mình mấy lần bị An Nam tiến đánh xâm chiếm, đường về bị cản trở, xin được phái quan viên hộ tống xuất cảnh, đều được chấp nhận.)

          Đại Việt sử kí toàn thư 大越史记全书, bộ sử tịch bằng Hán văn của Việt Nam đối với Chiêm Thành từ nửa sau thế kỉ thứ 15 ghi chép rất ít, đại khái là do bởi Chiêm Thành đối với sự ổn định và phát triển của vương triều tộc Kinh đã không có trở ngại lớn, việc qua lại giữa hai nước cũng không nhiều, nhưng chính sử Việt Nam vẫn thừa nhận sự tồn tại của Chiêm Thành. Trong Đại Việt sử kí toàn thư大越史记全书, vào năm 1471 có chép một câu có thể chứng minh:

          Tân Mão Hồng Đức nhị niên (Minh Thành Hoá thất niên, công nguyên 1471) …..Trà Toàn (Chiêm Thành quốc vương) kí bị cầm, kì tướng Bô Trì Trì tẩu chí Phan Lung (Panduranga), cứ kì địa xưng Chiêm Thành chủ, Trì Trì đắc quốc ngũ phân chi nhất, sử sứ xưng thần nhập cống, nãi phong vi vương …. (3)

          辛卯洪德二年 (明成化七年, 公元 1471) ….. 茶全 (占城国王) 既被擒, 其将逋持持走至潘笼 (Panduranga) 据其地称占城主, 持持得国五分之一, 使使称臣入贡, 乃封为王 ….. (3)

          (Tân Mão, Hồng Đức năm thứ 2 (Thành Hoá năm thứ 7 nhà Minh, năm 1471), Trà Toàn (quốc vương Chiêm Thành) bị bắt, tướng là Bô Trì Trì chạy đến Phan Lung (Panduranga) chiếm cứ đất đó, xưng là chúa Chiêm Thành, Trì Trì có được 1 phần 5 đất của nước Chiêm, sai sứ đến xưng thần nộp cống, bèn phong là Vương…)

          Tuy triều cống triều Trần tộc Kinh của Việt Nam, nhưng Chiêm Thành được xem là một quốc gia vẫn được vương triều tộc Kinh thừa nhận, nhà Hậu Lê của vương triều tộc Kinh Việt Nam vào năm Hồng Đức 洪德 thứ 21 (năm 1490) đã vẽ bản đồ hành chính có thể xem là một chứng cứ có sức thuyết phục.

          Ở tấm bản đồ này nơi góc trái phía dưới ghi rõ hai chữ “Chiêm Thành” 占城, tức đương thời là tỉnh Quảng Nam 广南 bị tộc Kinh thôn tính, Chiêm Thành thoái lui về cư trú phía nam tỉnh Quảng Nam. Bộ quan tu thông sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục 钦定越史通鉴纲目 của triều Nguyễn Việt Nam đối với sau năm 1471 Chiêm Thành vẫn tồn tại cũng là sự khẳng định. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép rằng:

          (Quý Tị, Trang Tông Dụ Hoàng Đế Nguyên Hoà nguyên niên, mạc đại chính tư niên, Minh Gia Tĩnh thập nhị niên, tức 1533 niên), khiển sứ như Minh. Tiên thị, lũ trì thư cáo nạn vu Minh, câu vị tặc đồ yêu sát, chí thị, khiển Trịnh Duy Liễu đẳng thập dư nhân phiếm hải tự Chiêm Thành phụ Quảng Đông thương thuyền phàm nhị niên thuỷ chí Yên Kinh. (4)

          (癸巳, 庄宗裕皇帝元和元年, 莫大正四年, 明嘉靖十二年, 1533), 遣使如明. 先是, 屡驰书告难于明, 俱为贼徒邀杀, 至是, 遣郑惟憭等十余人泛海自占城附广东商船凡二年始至燕京.

          (Quý Tị, Trang Tông Dụ Hoàng Đế năm Nguyên Hoà thứ nhất, năm Đại Chính thứ Tư triều Mạc, năm Gia Tính thứ 12 nhà Minh, tức năm 1533), sai sứ sang nhà Minh. Trước đây, nhiều lần đem thư báo cáo với nhà Minh về nạn nước, đều bị tặc đồ giết chết. Đến đây, sai bọn Trịnh Duy Liễu hơn 10 người theo đường biển từ Chiêm Thành phụ vào thuyền buôn Quảng Đông, phàm hai năm mới đến được Yên Kinh.

          Từ sau năm 1471, Chiêm Bà vẫn có bản đồ của một vùng từ Nha Trang 拢牙庄 đến thành phố Hồ Chí Minh 胡志明 hiện nay, Chiêm Bà tuy từ thế kỉ 17 trở đi không qua lại với vương triều Trung Quốc, nhưng căn cứ vào ghi chép trong Minh thực lục 明实录, Chiêm Thành vào thế kỉ thứ 16 vẫn tiếp nhận sách phong của triều Minh, vả lại nước Chiêm Thành đã thoái lui đến địa giới Tân Đồng Long 宾童龙. Minh thực lục chép rằng:

          Chính Đức thập thất niên (1522 niên) thất nguyệt Tân Sửu, mệnh Chiêm Thành sứ Mục Lực Na Ba đẳng  lĩnh sắc tịnh sắc phong hoàn quốc ….. Thù bất tri Chiêm Thành tự cổ lai bị An Nam tính trục chi hậu, thoán cư chí Khảm bang Đô Lang quốc, phi cựu cương. (5)

          正德十七年 (1522) 七月辛丑 命占城使目力哪吧等领敕并册封还国 ….. 殊不知占城自古来被安南并逐之后, 窜居至坎邦都郎国, 非旧疆. (5)

          (Chính Đức năm thứ 17 (năm 1522), tháng 7 ngày Tân Sửu, mệnh cho nhóm sứ giả  Chiêm Thành là Mục Lực Na Ba lãnh sắc đồng thời với sắc phong  rồi về nước ….. Đâu biết rằng, Chiêm Thành từ xưa sau khi bị An Nam thôn tính đuổi đi, chạy đến cư trú tại nước Khảm Bang Đô Lang, không phải là cương vực cũ.)

          Khảm Bang Đô Lang 坎邦都郎 nói ở đây tức Tân Đồng Long 宾童龙 (Panduranga). Cho đến thế kỉ thứ 17, Chiêm Bà vẫn xuất hiện với tư cách một vương quốc độc lập trong địa đồ do người phương tây vẽ.  (còn tiếp)

Chú của nguyên tác

1- “Minh Thế Tông thực lục” 明世宗实录 quyển 275, tải Lí Quốc Tường 李国祥chủ biên: “Minh thực lục loại toản – Thiệp ngoại sử liệu quyển” 明实录类纂涉外史料卷, Vũ Hán xuất bản xã, 1991 niên, đệ 799 hiệt.

2- “Minh Thế Tông thực lục” 明世宗实录 quyển 276, tải Lí Quốc Tường 李国祥chủ biên: “Minh thực lục loại toản – Thiệp ngoại sử liệu quyển” 明实录类纂涉外史料卷, Vũ Hán xuất bản xã, 1991 niên, đệ 799 hiệt.

3- [Việt Nam] Ngô Sĩ Liên 吴士连soạn, Trần Kinh Hoà 陈荆和 biên thứ: “Đại Việt sử kí toàn thư” 大越史记全书书, bản kỉ, quyển chi thập nhị, Đông Kinh Đại học Đông dương văn hoá nghiên cứu sở san hành, 1977 niên, đệ 685 hiệt.

4- [Việt Nam] Phan Thanh Giản 潘清简đẳng: “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” 钦定越史通通鉴纲目, quyển nhị thập nhị, Trung Quốc Đài Loan Bắc Đại trung ương đồ thư quán ấn bản, 1969 niên, đệ 2624 hiệt.

5- “Vũ Tông thực lục” 武宗实录quyển 127, Lí Quốc Tường 李国祥 chủ biên: “Minh thực lục loại toản” 明实录类纂 (Quảng Đông Hải Nam quyển 广东海南卷), Vũ Hán xuất bản xã, 1993 niên, đệ 381 hiệt.

                                                               Huỳnh Chương Hưng

                                                                Quy Nhơn 24/4/2023

Nguồn

CHIÊM BÀ VĂN HOÁ SỬ

占婆文化史

Tác giả: Lưu Chí Cường 刘志强

Bắc Kinh: Côn Luân xuất bản xã, 2019

Previous Post Next Post