Dịch thuật: Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị

 

VI VÔ VI, SỰ VÔ SỰ, VỊ VÔ VỊ

(Đạo đức kinh – chương 63) 

          Nói đến Lão Tử 老子, người ta liền nghĩ đến “vô vi” 无为của ông, cho rằng Lão Tử chủ trương không làm gì cả, kì thực đó là nhầm. Lão Tử nói rằng:

Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị

为无为, 事无事, 味无味

          Lão Tử chủ trương, là người phải “tác vi” 作为, phải “tố sự” 做事, chỉ có điều phương thức “tác vi”, “tố sự” khác với người đời.

Vi vô vi 为无为

          Chữ “vi” đầu là động từ, có nghĩa là “tố , là tác vi” 作为 (tức là làm), Dùng phương thức nào để “tác vi”.

 “Vô vi” 无为, chính là phương thức lấy vô vi để “tác vi” (làm).

          Thế nào là “vô vi”? đương nhiên không phải là không làm gì cả. “Vô vi” mà Lão Tử nói là tuân theo quy luật, thuận ứng tự nhiên, không làm bậy, làm càn. Nếu cứ làm càn không tôn trọng quy luật, sẽ chịu sự trừng phạt của tự nhiên. Muốn “hữu vi” 有为 thì trước tiên phải hiểu đạo lí của “vô vi” 无为. Tại sao vậy? Nói theo Lão Tử, chính là “bất tri thường, vọng tác hung” 不知常, 妄作凶 (không nhận thức được quy luật vĩnh hằng, khinh cử vọng động), sẽ xảy ra rối loạn và tai hung. Đối với những việc này, càng cưỡng cầu thì kết quả cuối cùng rất xấu.

          “Tác vi” 作为không phải làm làm bừa, mà là dựa theo quy luật mà làm, cần bỏ ra mới có được. Chương 37 trong Đạo đức kinh 道德经 có câu:

Đạo thường vô vi nhi vô bất vi

道常无为而无不为

(Đạo vĩnh hằng là thuận ứng theo tự nhiên, không có sự việc nào mà không dó nó làm ra)

          “Vô vi” 无为là thuận ứng theo tự nhiên, không làm bừa. “Vô bất vi” 无不là không có sự việc nào mà không do nó làm ra. Phép tắc của đạo là dùng phương thức vô vi để đạt hiệu quả vô bất vi. Lão Tử còn nhấn mạnh, nếu kiên trì giữ phép tắc này, muôn vật sẽ tự sinh tự lớn.

          “Vô bất vi” 无不là cần lấy phương thức “vô vi” để làm, chính là thông qua phương thức chính xác để làm, mới có thể đạt đến “tác vi” có hiệu quả chân chính, đạt đến hiệu quả “vô bất vi” 无不.

Sự vô sự 事无事

          Chữ “sự” đầu là động từ, có nghĩa là “tố sự” 做事 (làm việc).

          “Vô sự” 无事không phải là không làm việc gì, mà là không làm cho sự việc rối rắm phức tạp.

          “Sự vô sự” 事无事chính là dùng phương thức không làm cho sự việc rối rắm phức tạp để xử lí sự vụ.

          Đời người không thể không làm việc, người sống cần phải làm việc. nếu không thì cuộc sống sẽ trở nên vô vị. Người ta đánh giá một người không làm gì cả, cuộc sống của người đó không có tiền đồ, sống chẳng có ý nghĩa gì.

          Nhưng, có một số người làm việc không nhất định là việc tốt, họ chỉ là không có việc thì tìm lấy việc, việc họ làm không những vô ích mà còn gây phiền phức cho người khác. Thành sự bất túc mà bại sự hữu dư. Họ làm chẳng bằng họ đừng làm, nhiều thêm một việc chẳng bằng bớt đi một việc. Làm việc với trạng thái tốt thì có thể, mà lại không tạo nhiều việc, không tìm việc, không gây phiền phức cho người khác, không cản trở người khác.

Vị vô vị 味无味

     “Vô vị” 无味 không phải là không có mùi vị, mà là chỉ mùi vị bình đạm, không nồng gắt. Ý nghĩa về mặt chữ của câu này, lấy xuất phát điểm của “vô vị” , khi nếm sẽ thấy có nhiều mùi vị hơn. “Ngũ vị làm cho người ta miệng bị sai nhầm” nhiều mùi vị tập trung tại một chỗ sẽ khiến mùi vị trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến vị giác, làm nó nhận không ra mùi vị.

          Người ta đều có thể nghiệm như thế, trong món ăn nếu cho nhiều loại gia vị, càng ăn khẩu vị càng nặng, đó là do bởi đã đem vị giác dời đến vị trí không bình thường, chỉ làm trầm trọng thêm mùi vị, kích thích khí quan cảm nhận vị giác ở lưỡi, có ăn mới cảm thấy ngon, giống như người ăn cay cảm thấy càng cay càng ngon, nếu không có ớt thì nuốt cơm không trôi.

          Gia vị không nên nhiều loại, đưa “vị” giác xuống thấp, mới có thể hưởng thụ được mùi vị gốc của món ăn. Đúng chất nước thì không có hương, như nước sôi không có mùi vị gì, nhưng giải khát rất tốt. Ăn ít dầu ít muối, thanh đạm, ít gia vị sẽ có ích cho thân thể.

          Cuộc sống chính là như thế, nếu chúng ta truy cầu mùi vị đặc biệt “nồng” thì không thể nhận thức một cách chân chính “vị” ngon.

          Lão Tử 老子nói rằng:

          Ngũ sắc linh nhân mục manh; ngũ âm linh nhân nhĩ lung, ngũ vị linh nhân khẩu sảng.

          五色令人目盲; 五音令人耳聋五味令人口爽

          (Ngũ sắc làm cho mắt ta bị loạn, ngũ âm làm cho tai ta mất đi sự nhạy bén, ngũ vị làm cho ta mất đi vị giác.)

Càng đơn giản, thì càng sâu sắc; càng chất phác thì càng thuần mĩ. Cảm quan của con người kích thích quá nhiều sẽ khiến nó trở nên chậm lụt trì độn, cuối cùng sẽ mất đi năng lực thưởng thức cuộc sống tươi đẹp.

          “Vị vô vị” 味无味thực tế Lão Tử nhắc nhở mọi người nên lấy tâm bình thường mà đối đãi cuộc sống, hi vọng mọi người có thể lấy thái độ chất phác chân thực để nhận thức nhân sinh.

          Thông qua “Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị”, Lão Tử đã trình bày lí niệm chính trị “vô vi nhi vô bất vi” 无为而无不为 của ông cùng với việc thực hiện biện pháp xử sự lí niệm này.

          - “Vi vô vi” 为无为, lấy phương thức “vô vi” 无为để “hữu sở vi” 有所为, chính là cần phải thuận ứng tự nhiên.

          - “Sự vô sự” 事无事, lấy phương thức “vô sự” 无事để xử lí sự việc, chính là không nên làm cả đống việc mà không có ý nghĩa.

          - “Vị vô vị” 味无味, lấy thái độ “vô vị” 无味để thưởng thức cuộc sống, chính là phải có tâm bình thường.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng

                                                                        Quy Nhơn 24/3/2023

Nguồn

https://www.163.com/dy/article/HD2OOLB50541HS61.html

 

Previous Post Next Post