“NHƯỢC CHÂN TU ĐẠO NHÂN, BẤT KIẾN THẾ GIAN QUÁ”
Thiền
tông Lục Tổ Huệ Năng đại sư 六祖惠能大师trong Lục Tổ đàn kinh 六祖坛经có nói:
Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến thế
gian quá.
若真修道人, 不见世间过
Câu này
thường được dẫn dụng, nhưng cũng rất dễ bị người ta hiểu nhầm. Cho nên hôm nay tôi
cùng mọi người thử tìm hiểu một chút về nội hàm của câu này, để tránh việc đoạn
chương thủ nghĩa. Trước tiên chúng ta xem qua nguyên văn trong Đàn kinh Bát nhã phẩm đệ nhị 坛经般若品第二:
Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến thế gian
quá. Nhược kiến tha nhân phi, tự phi khước thị tả. Tha phi ngã bất phi, ngã phi
tự hữu quá. Đản tự khước phi tâm, đả trừ phiền não phá.(1)
若真修道人, 不见世间过. 若见他人非, 自非却是左. 他非我不非, 我非自有过. 但自却非心, 打除烦恼破. (1)
(Nếu là người tu đạo
chân chính, thì không thấy những sai trái của thế gian. Nếu thấy người khác
sai, mà cứ để cái sai của họ trong lòng thì mình lại cũng sai. Người khác sai
mà ta không như họ là ta không sai, Nếu như ta cũng sai như họ mà xem thường
người khác, nói lỗi lầm của người khác thì bản thân mình có lỗi. Nhưng tự mình
trừ bỏ tâm thị phi, trừ bỏ những suy nghĩ về cái sai người khác, giữ tâm bất động,
thì sẽ không có phiền não)
Lẽ nào
học Phật tu hành là để khiến chúng ta trở nên không có chính nghĩa cảm, tê dại
bất nhân, thị phi bất phân, nhìn thấy kẻ xấu, việc xấu đều như không nghe không
thấy sao? Lẽ nào chúng ta nhìn thấy kẻ trộm đang ăn trộm, cũng gác bỏ ngoài
tai, để mặc y làm xằng làm bậy sao? Lẽ nào nhìn thấy kẻ lưu manh đang lường gạt
một thiếu nữ yếu đuối, cũng mặc kệ như không nghe, phủi tay áo bàng quan sao? Lẽ
nào tu hành là minh triết bảo thân, giả vờ hồ đồ sao?
Những vấn
đề này đều là những điều mà mọi người rất dễ dàng nghĩ đến, cũng chính là chỗ rất
dễ dàng bị hiểu nhầm. Kì thực, câu này căn bản không phải mang ý đó, nếu một
người tu hành ngay cả thị phi cũng không phân biệt rõ ràng, ngay cả thiện ác ở
thế gian đều không nhìn thấy, thì chẳng phải trở thành si dại sao?
Ý nghĩa
của câu này là nói, thế gian hoàn toàn không có việc đúng và sai tuyệt đối, chỉ
có chúng ta dùng tâm phân biệt để phân biệt đúng và sai. Nhân vì bất cứ sự việc
nào trên thế gian đều có tiền nhân và hậu quả của nó. Làm rõ tiền nhân và hậu
quả, đương nhiên chúng ta sẽ hiểu rõ. Học Phật tu đạo, chỉ cần chúng ta biết phản
quán tự tỉnh, sửa cho đúng những lỗi lầm và các tật xấu của mình, chứ không phải
ngày ngày chăm chăm vào sai lầm của người khác. Nếu mỗi ngày luôn chú ý vào lỗi
lầm của người khác, thế thì điều mà chúng ta tu không phải là Phật đạo, mà là
ngoại đạo. Bời ngày ngày chú ý đến lỗi lầm của người khác, sẽ đem lỗi lầm của họ
chuyển hoá vào phiền não, vào tức giận của bản thân mình, chướng ngại che lấp tự
tính đức năng của chúng ta, trí tuệ của tự tính không thể xuất lộ, những gì khởi
lên trong tâm đều là vọng tâm, vọng niệm, rất khó có chánh tri, chánh kiến, cho
nên những gì mà chúng ta bình thường cho rằng thị phi đúng sai, thường là điên
đảo.
Thử nêu
một ví dụ, kẻ hậu học thiền cận này thường xem phim truyền hình về đề tài kháng
Nhật, thiện ác tốt xấu của nhân vật trong phim thường rất khó để phân biệt rõ.
Có người ngoài mặt là hán gian, cùng chung với bọn quỷ Nhật Bản, đối với người
này mọi người đều căm hận tận xương tuỷ, trợn mắt nghiến răng, nhưng đến cuối
cùng mới phát hiện, hoá ra anh ta giả làm hán gian trà trộn vào nội bộ của địch. Có người bề
ngoài xem ra rất yêu nước, nói năng rất hay, mọi người đều tin tưởng, nhưng y
là một phần tử đặc biệt của địch thâm nhập vào nội bộ của ta, thấy y ngấm ngầm
làm những việc xấu, chúng ta rất nóng ruột.
Đương
nhiên đó chỉ là phim, đều do đạo diễn thiết kế. Làm một người bàng quan, chúng
ta nhìn thấy rất rõ. Nhưng nếu quả thực chúng ta ở trong tình huống ấy, ai đúng
ai sai, tin chắc cũng chưa hẳn nhìn thấy rõ. Kì thực sự từng trải trong cuộc đời
của chúng ta, giống như một bộ phim, hồi tưởng lại những ân oán thị phi nhiều
năm trước đây của bản thân, tự mình có thể lật đổ kết luận của những năm đó. Vì
sao vậy? Chính là do bởi tâm của chúng ta đã kẹp lấy sự tạp loạn phân biệt tốt
xấu, đã kẹp lấy sự vọng tưởng chấp trước, nhìn không thấy chân tướng sự thực,
cho nên đối với sự phê bình phán đoán sự kiện nhân vật sẽ không bao giờ chuẩn
xác, rất có tính hạn chế.
Chúng
ta trở về vấn đề chính, học Phật tu hành cần phải quán chiếu nội tâm của chúng
ta, điều chỉnh trạng thái thân tâm của chúng ta, sửa cho đúng những lỗi lầm của
chúng ta, nâng cao cảnh giới giác ngộ của chúng ta. Chừng nào tâm của chúng ta
tu được thanh tịnh, bình đẳng, không có sự phân biệt chấp trước, có như vậy,
trí tuệ của tự tính hiển lộ ra, khi đó sẽ quan sát sự vật quanh thân mình thì
có thể nhìn thấy được rõ ràng, rất khách quan.
Lại nữa,
thị thị phi phi trên thế gian, từ pháp luật thế gian mà nói, nếu như ngôn hành
xúc phạm pháp luật, đương nhiên sẽ có pháp luật trừng phạt. Phật giáo nói về
nhân quả, nhân quả của mỗi người thì mỗi người sẽ tự gánh lấy, rất nhiều việc
vượt ra ngoài năng lực của chúng ta, không phải muốn quản là có thể quản được.
Chúng ta vốn là một bách tính, anh lại suốt ngày nghĩ đến đại sự của Liên hiệp
quốc, ấy là có điểm không tự lượng sức mình, chỉ rước lấy cái khổ vào thân. Trừ
phi anh có năng lực, anh cũng có thể cạnh tranh để ứng tuyển làm Tổng thư kí
Liên hiệp quốc, đến lúc đó mưu cầu phúc lợi cho nhân loại, đó đương nhiên là việc
tốt.
Cho nên
nói, người tu hành chân chính hoàn toàn không phải là không có quan niệm thị
phi, cũng không phải là không nhìn thấy thị phi của thế gian, mà là không chấp
trước vào những thị phi ấy, đem những thị phi ấy mắc trong lòng, treo trên miệng,
để chúng ta đối với sự yêu ghét, ưa thích, sân hận, tham ái những thị phi của
người khác, từ trong những tình tự đó giải thoát ra, để nội tâm của chúng ta
khôi phục lại sự thanh tịnh bình đẳng. Muốn thông qua những đúng sai thị phi của
người khác mà phản tỉnh bản thân mình, có điều cần phải sửa đổi, có điều cần phải
cố gắng thêm, đem tất cả ngoại cảnh chuyển hoá để nâng cao cái vốn của bản thân
mình, chứ không phải chỉ dừng lại ở chỗ bình luận thị phi đúng sai của người
khác, ngày ngày so đo sai lầm của người khác, điều đó không có chỗ tốt cho việc
tu hành của chúng ta.
Nếu
chúng ta nhân vì nhìn thấy lỗi lầm của người khác mà bản thân sinh tâm phiền
não, thì đó đã là sai. Người khác phạm sai lầm, chúng ta có phạm sai lầm như thế
không? Đó mới là người tu hành cần phải phản tỉnh nhất. Thế thì người tu hành
không cần phải đấu tranh với người xấu, việc xấu trên thế gian sao? Đương nhiên
là không phải. Nhưng việc đấu tranh này, nhất định không thể xuất phát từ tư
tâm, từ báo phục tâm, mà là xuất phát từ bồ đề tâm vì lợi ích của chúng sinh,
chính trực vô tư, kiến nghĩa dũng vi, trừ bạo an lương, dẹp kẻ mạnh giúp kẻ yếu,
đó đều là người tu hành cần phải làm nhất. Phật giáo không phải là cũng có Kim
cương hộ pháp sao? Tôn Ngộ Không 孙悟空trong Tây du kí 西游记tuy là hư cấu, cũng chẳng phải là được quần chúng nhân
dân ưa thích sao? Còn có Tế Công 济公 và hoà thượng trong Tế Công truyện 济公传, đều nói rõ người tu hành chân chính phải là người
giúp đời làm lợi cho người, ngăn cản việc ác, đó mới là sự thể hiện tâm từ bi.
Cho nên nói. câu “Nhược chân tu hành nhân, bất kiến thế gian quá”, chỉ là bảo chúng ta không nên chấp trước vào thị phi đúng sai của người khác, chứ không phải là không nhìn thấy thị phi đúng sai của người khác, càng không phải là bảo chúng ta minh triết bảo thân, trốn tránh trách nhiệm.
Chú của người
dịch
1- Trong nguyên tác, ở đây là:
Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến thế gian quá. Nhược kiến tha nhân phi,
tự phi khước thị tả. Tha phi ngã bất phi, ngã phi tự hữu quá. Đản tự khước phi
tâm, ngã phi tự hữu quá.
若真修道人, 不见世间过. 若见他人非, 自非却是左. 他非我不非, 我非自有过. 但自却非心, 我非自有过.
Tôi theo một số tư liệu trên mạng, sửa lại là “đả trừ phiền não phá” 打除烦恼破.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 12/3/2023
Nguồn