Dịch thuật: "Lã Thị Xuân Thu" - Tạp gia danh trứ

 

“LÃ THỊ XUÂN THU” - TẠP GIA DANH TRỨ

          Lã Thị Xuân Thu 吕氏春秋 còn gọi là Lã lãm 吕览, là bộ tản văn lí luận chính trị cuối thời Chiến Quốc do Lã Bất Vi 吕不韦 đã sai các môn khách biên soạn, là tổng kết về văn hoá tư tưởng thời Tiên Tần. Sách này tôn sùng Đạo gia, khẳng định Lão Tử thuận ứng theo tư tưởng khách quan, nhưng loại bỏ thành phần tiêu cực trong đó, đồng thời, cũng dung hợp những điểm mạnh của các nhà như Nho, Mặc, Pháp, Binh. Lã Thị Xuân Thu là tác phẩm đại biểu của Tạp gia.

Môn khách trứ thư 门客著书

          Lã Bất Vi 吕不韦 (? – năm 235 trước công nguyên), người nước Vệ cuối thời Chiến Quốc. Ông nguyên là một đại thương nhân tài giỏi, thường đi đến các nơi , giá thấp thì mua vào, giá cao thì bán ra, tích luỹ một gia sản lên đến cả ngàn vàng. Có một lần, Lã Bất Vi đến mua bán tại Hàm Đan 邯郸, kinh thành nước Triệu, gặp được vương tôn Dị Nhân 异人 của Tần Vương đang làm con tin ở nước Triệu, ông cho rằng “kì hoá khả cư” 奇货可居 (tích góp những đồ vật ít có, đợi cao giá đem bán) , bèn dùng hết tài sản của mình để giúp ông ấy trở thành người kế thừa của Tần Vương. Sau khi Dị Nhân kế vị, Lã Bất Vi được nhậm dụng làm Thừa tướng. Sau khi Dị Nhân qua đời, thái tử còn nhỏ là Doanh Chính  嬴政kế vị, tôn Lã Bất Vi làm Tướng bang 相邦, hiệu xưng “Trọng Phủ” 仲父 (1).

          Thời đó, nước Nguỵ có Tín Lăng Quân 信陵君, nước Sở có Xuân Thân Quân 春申君, nước Triệu có Bình Nguyên Quân 平原君, nước Tề có Mạnh Thường Quân 孟尝君, họ đều lấy lễ đãi kẻ sĩ, kết giao tân khách, tranh đua với nhau. Lã Bất Vi cũng chiêu mộ được văn nhân học sĩ, đãi ngộ họ rất hậu. Điểm khác với tứ công tử là, Lã Bất Vi chiêu lãm môn khách, hoàn toàn không xem trọng dũng phu mãnh sĩ, mà lại rất chú trọng văn tài. Nguyên lai Lã Bất Vi vốn giỏi về mưu lược, xem thường hạng dũng phu đầu óc đơn giản. Ngoài ra, nhiều kẻ sĩ giỏi biện luận đương thời đua nhau trứ thư lập thuyết, lưu truyền rộng rãi, khiến Lã Bất Vi thèm muốn. Thế là Lã Bất Vi lệnh cho môn hạ, phàm ai có thể soạn văn, thì đem những điều mắt thấy tai nghe và cảm tưởng của mình viết ra. Đến khi văn chương giao lên, rất đa dạng phong phú, viết gì cũng có, nhiều bài văn còn trùng lặp. Lá Bất Vi chọn mấy vị cao thủ về văn chương tiến hành sàng lọc, quy loại, san định, tổng hợp thành sách, đặt tên là “Lã Thị Xuân Thu” 吕氏春秋. Để thận trọng hơn, Lã Bất Vi lại bảo môn nhân tu sửa mấy lần, đến khi xác thực cảm thấy vừa ý mới thôi.

          Đối với sách này, Lã Bất Vi rất coi trọng, khoa trương nói sách này là kì thư bao gồm “thiên địa, vạn vật, cổ kim”. Để mở rộng ảnh hưởng, Lã Bất Vi còn nghĩ ra một cách tuyên truyền tuyệt diệu. Ông nhờ người đem sách sao ra một bản chỉnh tề, treo trên cổng thành Hàm Dương 咸阳, lên tiếng rằng nếu có người nào sửa được một chữ sẽ thưởng cho ngàn vàng. Sau khi tin tức truyền ra, mọi người kéo đến đông nghịt, nhưng không có ai có thể sửa được. Đương nhiên, điều đó không nhất định chứng minh “Lã Thị Xuân Thu” chữ chữ đều như châu ngọc, đạt đến trình độ tận thiện tận mĩ, mà rất có khả năng là nhân vì mọi người sợ uy thế của Lã Bất Vi nên không ai ra mặt. Nhưng hiệu ứng của nó lại vô cùng to lớn, đại danh của Lã Thị Xuân Thu và Lã Bất Vi đã truyền đến các nước phương đông.

Tổ chức nghiêm mật, ngữ ngôn sinh động 组织严密, 语言生动

          Lã Thị Xuân Thu phân làm thập nhị kỉ 十二纪, bát lãm 八览, lục luận 六论, tổng cộng 26 quyển, 160 thiên, hơn 20 vạn chữ. Dụng ý của toàn sách đều ở tại Thập nhị kỉ, phân làm “Xuân kỉ” 春纪, “Hạ kỉ” 夏纪, “Thu kỉ” 秋纪, “Đông kỉ” 冬纪, mối kỉ đều có 15 thiên, tổng cộng 60 thiên. Lã Thị Xuân Thu biên tập trên cơ sở “pháp thiên địa” 法天地, mà Thập nhị kỉ là tượng trưng thiên “đại viên” 大圜 (1), cho nên bộ phận này sử dụng “thập nhị nguyệt lệnh” 十二月令làm đầu mối để tổ hợp tài liệu. “Xuân kỉ” 春纪, chủ yếu thảo luận đạo dưỡng sinh, “Hạ kỉ” 夏纪, thảo luận đạo lí dạy học và đạo lí âm nhạc, “Thu kỉ” 秋纪, chủ yếu thảo luận vấn đề quân sự, “Đông kỉ” 冬纪 chủ yếu thảo luận vấn đề phẩm chất con người. Bát lãm 八览mỗi lãm có 8 thiên luận văn, “Hữu thuỷ lãm” 有始览khuyết 1 thiên, cho nên hiện tồn 63 thiên. Nội dung bắt đầu từ lúc khai thiên lập địa, nói đến đạo làm người cốt ở cái gốc, đạo trị quốc cùng với nhận thức phân biệt sự vật như thế nào, xem dân là quý như thế nào. Lục luận 六论论tổng cộng 36 thiên, tạp luận về học thuyết của các nhà.

          Toàn sách Lã Thị Xuân Thu thể lệ nhất trí, văn chương kết cấu hoàn chỉnh, tổ chức tương đối nghiêm mật, ngôn ngữ cũng tương đối sinh động. Có chỗ cả thiên cả tiết do tỉ dụ tổ thành, văn tự đơn giản ngắn gọn, ý nghĩa lại sâu xa. Như:

          Thí chi nhược thuỷ hoả nhiên, thiện dụng chi tắc vi phúc, bất thiện dụng chi tắc vi hoạ; nhược dụng dược giả nhiên, đắc lương dược tắc hoạt nhân, đắc ác dược tắc sát nhân.

          譬之若水火然, 善用之则为福, 不善用之则为祸; 若用药者然, 得良药则活人, 得恶药则杀人.

          ( (chiến tranh) giống như nước và lửa vậy, sử dụng khéo sẽ tạo phúc cho người, sử dụng không khéo sẽ gây nên tai hoạ; và cũng giống như dùng thuốc trị bệnh cho người, dùng thuốc tốt sẽ cứu được người, dùng thuốc không tốt sẽ giết người)

          Lã Thị Xuân Thu cũng thường vận dụng câu chuyện ngụ ngôn để nói lí, rất logique. Như “Khắc chu cầu kiếm” 刻舟求剑:

          Sở nhân hữu thiệp giang giả, kì kiếm tự chu trung truỵ vu thủy, cự khế kì chu, viết: ‘Thị ngô kiếm chi sở tùng truỵ.’ Chu chỉ, tùng kì sở khế nhập thuỷ cầu chi. Chu dĩ hành hĩ, nhi kiếm bất hành, cầu kiếm nhược thử, bất diệc hoặc hồ?

          楚人有涉江者, 其剑自舟中坠于水, 遽契其舟. : ‘是吾剑之所从坠.’ 舟止, 从其所契入水求之. 舟已行矣, 而剑不行, 求剑若此, 不亦惑乎?

          (Có người nước Sở đi qua sông, kiếm của ông ta từ trong thuyền rơi xuống nước, ông ta vội khắc vào mạn thuyền, nói rằng: ‘Đây là nơi mà kiếm của ta rớt xuống.’ Thuyền dừng, ông ta theo chỗ khắc nhảy xuống nước tìm kiếm. Thuyền đã đi mà kiếm không di, tìm kiếm như thế cũng chẳng phải là mê lầm sao?)

          Nội dung phong phú mang tính triết lí sâu sắc, hình tượng rõ ràng, đậm màu sắc văn học … (còn tiếp)

Chú của người dịch

1- Về âm đọc của chữ : Chữ ngoài âm “phụ” nghĩa là cha thường gặp ra như “phụ mẫu”, “phụ huynh”, chữ còn một âm khác. Trong Khang Hi tự điển 康熙字典ghi rằng:

          “Quảng vận” phương củ thiết, “Tập vận”, “Vận hội” phỉ phụ thiết, tịnh âm “phủ”. “Tập vận” đồng “phủ”. “Quảng vận” nam tử chi mĩ xưng. “Thi – Đại nhã” Duy sư Thượng Phủ, “Tiên” Thượng phủ, Lã Vọng dã. Tôn xưng yên.

          Án: Quản Trọng xưng Trọng phủ. Khổng Tử xưng Ni Phủ. Phạm Tăng xưng Á Phủ. Giai phỏng thử. Hựu dã lão thông xưng…

          廣韻方矩切. “集韻”, “韻會匪父切, 並音府. “集韻同甫. “廣韻男子之美稱. “ - 大雅維師尚父. “尚父, 呂望也. 尊稱焉.

          : 管仲稱仲父. 孔子稱尼父, 范增稱亞父. 皆倣此. 又野老通稱 …..

          (“Quảng vận” phiên thiết là “phương củ”. “Tập vận” “Vận hội” phiên thiết là “phỉ phụ”, đều có âm là “phủ”. “Tập vận” ghi là đồng với chữ “phủ”. “Quảng vận” giải thích là mĩ xưng danh cho nam. Trong “Thi – Đại nhã” có câu: “Duy sư Thượng Phủ”. Lời “Tiên” giải thích rằng: Thượng Phủ là Lã Vọng. Đây là tôn xưng.

          Xét: Quản Trọng xưng là Trọng Phủ, Khổng Tử xưng là Ni Phủ, Phạm Tăng xưng là Á Phủ, đều theo đó. Và cũng là thông xưng đối với ông lão nhà quê …..)

2- Đại viên 大圜: Người xưa cho rằng, trời thì tròn đất thì vuông, cho nên gọi trời là “đại viên”.

                                                               Huỳnh Chương Hưng

                                                               Quy Nhơn 16/3/2023

Nguyên tác Trung văn

TẠP GIA DANH TRỨ - “LÃ THỊ XUÂN THU”

杂家名著- “吕氏春秋

Trong quyển

NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG

TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ

(quyển 1)

一本书读懂中国传说文化

Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航

Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản 2019

Previous Post Next Post