Dịch thuật: Vì sao Tử Cống nói thầy mình là "học vô thường sư"

 

VÌ SAO TỬ CỐNG NÓI THẦY MÌNH LÀ “HỌC VÔ THƯỜNG SƯ”

          Trong Luận ngữ 论语có chép, một lần nọ Công Tôn Triều 公孙朝 nước Vệ hỏi Tử Cống 子贡:

          - Học vấn của Trọng Ni 仲尼là đến từ đâu?

          Tử Cống đáp rằng:

          - Đạo của Chu Văn Vương 周文王 Chu Vũ Vương 周武王 không hề thất truyền, mà là tản lạc khắp thế gian. Người hiền năng có thể hiểu được căn bản của nó, người không hiền năng chỉ có thể hiểu được tiểu tiết của nó. Đạo của Văn Vương, Vũ Vương tồn tại khắp nơi, thầy tôi nơi nào mà chẳng học. hà tất phải có vị thầy cố định truyền thụ?

          Đó chính là “học vô thường sư” 学无常师mà Tử Cống nói về Khổng Tử.

          Quả đúng là sự thực như thế. Khổng Tử từ nhỏ đã thông tuệ ham học, 15 tuổi lập chí hướng đến việc học, lưu tâm khắp nơi. Khổng Tử không chỉ học từ trong văn hiến, mà còn nắm bắt các cơ hội để học. Để học lễ, Khổng Tử từng đích thân đến nước Tống, Lạc ấp 洛邑 của Đông Chu (Lạc Dương 洛阳) chuyên khảo sát lễ của thời tam đại Hạ Thương Chu. Khi đến thăm Lạc ấp, Khổng Tử “nhập Thái miếu, mối sự vấn” 入太庙, 每事问(vào Thái miếu, mỗi việc đều hỏi qua), đồng thời thỉnh cầu Lão Tử 老子đương thời đang làm quan tại Lạc ấp dạy cho. Theo Sử kí – Khổng Tử thế gia 史记 - 孔子世家có chép, Khổng Tử từng học nhạc ở Trường Hoằng 苌弘, học đàn ở Sư Tương 师襄. Thông qua những việc này, Khổng Tử hiểu sâu lễ nghi, rành âm nhạc, lúc về già bắt tay chỉnh lí lục kinh của Nho gia như Nhạc kinh 乐经, Lễ kí 礼记, đặt nền tảng vững chắc.

          Ngoài ra, Khổng Tử tuy bác học, nhưng không hề hễ đọc qua một lượt là dừng. Ví dụ, khi Khổng Tử học đàn ở Sư Tương, Sư Tương dạy ông một khúc nhạc, sau 10 ngày Khổng Tử liên tục luyện tập, Sư Tương nói rằng:

          - Khúc nhạc này anh đã biết, tôi sẽ dạy khúc nhạc mới.

          Khổng Tử nói rằng:

          - Tuy biết đàn khúc nhạc, nhưng kĩ xảo diễn tấu vẫn chưa thuần thục.

          Qua mấy ngày sau, Sư Tương lại nói:

          - Kĩ xảo diễn tấu của anh đã tốt rồi đó, học khúc nhạc mới đi.

          Khổng Tử lại nói:

          - Nhưng vẫn chưa lí giải được thần vận của khúc nhạc.

          Lại qua mấy ngày sau nữa, Sư Tương đề xuất học khúc nhạc mới, Khổng Tử nói rằng:

          - Tôi vẫn chưa có thể tưởng tượng ra hình dạng của người soạn ra khúc nhạc này.

          Nói xong Khổng Tử tiếp tục luyện tập. Qua một thời gian sau, Khổng Tử đột nhiên lĩnh ngộ, nói rằng:

          - Cuối cùng tôi đã có thể tưởng tượng ra hình dạng của người soạn khúc nhạc này. Người này có nước da ngâm đen, thân thể cao lớn, ánh mắt nhìn sâu xa như có bốn biển. Ông ta nhất định là Chu Văn Vương.

          Sư Tương nghe qua vô cùng khâm phục, nói rằng:

          - Khúc nhạc này chính là “Văn Vương tháo” 文王操đó.

          Dẫn chứng này đã nói một cách sinh động rằng, Khổng Tử tuy “học vô thường sư”, nhưng không phải là đông học một chút, tây học một chút, không có trình tự kế hoạch, mà là có phương pháp độc đáo của mình.

                                                             Huỳnh Chương Hưng

                                                              Quy Nhơn 12/01/2023

Nguyên tác Trung văn

Trong quyển

THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN

趣味文化知识大全

Thanh Thạch 青石 biên soạn

Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013

Previous Post Next Post