CHỮ “PHÚC” DÁN NGƯỢC
Ngày tết, rất nhiều nhà trên cửa lớn cửa
sổ nơi sân nhà, thường nhìn thấy có chữ “phúc” 福 viết trên giấy
đỏ được dán ngược (1). Theo ghi chép trong Mộng lương lục 梦梁录:
Sĩ
thứ gia bất luận đại tiểu, câu sái tảo môn lư, khứ trần uế, tịnh đình hộ, hoán
Môn thần, quải Chung Quỳ, đinh đào phù, thiếp xuân bài, tế tự tổ tông.
士庶家不论大小, 俱洒扫门闾 去尘秽, 净庭户, 换门神, 挂钟馗, 钉桃符,贴春牌, 祭祀祖宗.
(Nhà của sĩ thứ bất luận lớn nhỏ, đều
quét dọn cửa ngõ, trừ bỏ ô uế, dọn sạch sân nhà, thay hình Môn thần, treo hình Chung
Quỳ, gắn đào phù, dán xuân bài, tế tự tổ tông)
“Thiếp xuân bài” 贴春牌 tức
dán chữ “phúc” 福viết trên giấy đỏ.
Tập tục dán ngược chữ “phúc” 福 khởi
nguyên từ phủ Cung Thân Vương 恭亲王 đời Thanh. Năm đó
trước ngày tết, để lấy lòng chủ tử, đại quản gia đã viết mấy chữ “phúc” 福 lớn
bằng cái đấu, sai người đem dán ở nhà xe và cửa lớn của vương phủ. Có một gia
đinh nhân vì không biết chữ đã dán ngược chữ “phúc” trên cửa lớn. Cung Thân
Vương phúc tấn vô cùng giận, muốn đánh roi trừng phạt. May mà đại quản gia là
người khéo ăn nói, ông ta cũng sợ phúc tấn trách tội đến mình, liền vội quỳ xuống
bẩm rằng:
- Nô
tài thường nghe người ta nói, Cung Thân Vương thọ cao phúc đại tạo hoá đại, như
nay quả là đại phúc đã đến (đảo), đó là điềm cát tường.
Cung Thân Vương phúc tấn vừa nghe qua cả mừng, bèn lập tức thưởng cho
quản gia và gia đinh mỗi người 50 lượng bạc. Về sau, tục dán ngược chữ “phúc” từ
vương phủ lan truyền đến nhà bách tính chốn hang cùng ngõ hẹp, sau khi dán người
ta đều mong người đi ngang qua hoặc trẻ con đọc lên:
“Phúc đến rồi! phúc đến rồi!”
Như vậy để mong được cát lợi.
Chú của người dịch
1- Chữ 福âm Hán Việt là
“phúc” bính âm là fú.
Chữ 倒 âm Hán Việt là “đảo”, có nghĩa là ngược, bính âm là dào. “Phúc đảo” 福倒là phúc ngược.
Chữ 到
âm Hán Việt là “đáo”, có nghĩa là đến, bính âm cũng là dào.
Chữ 倒 và chữ 到 do vì bính âm như nhau, khi đọc “fú dào” người ta sẽ liên tưởng đến nghĩa “phúc đến”.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 25/01/2023
Nguồn
BẤT KHẢ BẤT TRI ĐÍCH 30000 CÁ VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
不可不知的3000个文化常识
Biên soạn: Tinh Hán