“THANH NGHỊ” THỜI ĐÔNG HÁN
VÀ “THANH ĐÀM” THỜI NGUỴ TẤN CÓ PHẢI LÀ MỘT
Trong lịch
sử Trung Quốc tồn tại hai hiện tượng “thanh nghị” 清议và
“thanh đàm” 清谈.
“Thanh nghị” có hai hàm nghĩa:
- Theo luân lí Nho gia mà chọn
lựa nhân tài
- Để đả kích hoạn quan chuyên
quyển, giai tầng quan liêu sĩ đại phu cuối thời Đông Hán tiến hành hoạt động
phê bình công kích triều chính, nội dung đàm luận đa phần liên quan đến chính
trị.
Còn “thanh đàm” thì thuộc về sự
tìm hiểu nghiên cứu đối với triết học của danh sĩ thời Nguỵ Tấn.
“Thanh nghị” là một loại chế độ
của thứ tộc 庶族 (1) phản đối sĩ tộc 士族 (2), nó lấy đạo đức luân lí Nho gia làm y cứ, bình luận
khen chê nhân vật. Quan viên một khi xúc phạm thanh nghị sẽ bị mất chức, bị cấm
cố nơi quê nhà, không được làm quan trở lại, Sự thiết trí cấm cố của thanh nghị
từ chính trị mà nói, là lợi dụng thứ tộc để át chế sĩ tộc, nhưng khách quan nó cũng
có tác dụng duy trì mối quan hệ gia tộc phong kiến và đạo đức luân lí phong kiến.
Ngoài ra, “thanh nghị” còn chỉ
hành vi của giai tầng quan liêu sĩ đại phu cuối thời Đông Hán và Thái học sinh
phản đối hoạn quan, phê bình đả kích triều chính. Đương thời hoạn quan lũng đoạn
con đường làm quan, dẫn đến sự bất mãn của sĩ đại phu và nho sinh. Lúc bấy giờ
Thái học sinh đã phát triển đến hơn ba vạn người, nho sinh ở các quận huyện
cũng rất nhiều, họ không có cửa để nhập sĩ, bèn kết hợp với quan liêu sĩ đại
phu, hình thành trong triều ngoài dã một lực lượng chính trị xã hội rộng lớn phản
đối sự chuyên quyền của hoạn quan, công
khai đối kháng với tập đoàn hoạn quan.
“Thanh đàm” là một thú vui và cũng là một phương thức tiêu khiển của văn nhân thời Nguỵ Tấn, chung quanh việc các mệnh đề mang ý nghĩa triết học như: “bản và mạt”, “hữu và vô”, “động và tĩnh”, nhất và đa”, “thể và dụng”, “ngôn và ý”, “tự nhiên và danh giáo” mà tiến hành thảo luận thâm nhập. Việc tiến hành thanh đàm có một trình thức được ước định thành tục. Thanh đàm nhìn chung có đối thủ giao đàm, nhân đó dẫn đến tranh biện. Tranh biện hoặc phản bác, hoặc thảo luận. Cho nên cả hai tuy đều có chữ “thanh” 清, nhưng về khái niệm và tôn chỉ khác nhau rất xa.
Chú của người
dịch
1- Thứ tộc 庶族: Cũng gọi là
“hàn môn” 寒门, “hàn tộc” 寒族, “hàn vi” 寒微, gia tộc nghèo khó đối lập với vọng tộc có địa vị hiển
quý. Thời Nguỵ, Tấn, Nam Bắc triều, thứ tộc không thuộc gia tộc của sĩ tộc, đại đa số là trung tiểu địa chủ
phổ thông.
Do bởi
sĩ tộc trường kì có đặc quyền chính trị, cuộc sống xa xỉ hủ hoá, dần mất đi
năng lực thống trị. Lúc bấy giờ, địa chủ thứ tộc dùng võ chức để làm bậc thang
thăng quan, sau khi lập quân công, nắm giữ quân quyền, tiến đến việc nắm chính
quyền. Sĩ tộc suy yếu, thứ tộc hưng khởi. Nguỵ Tấn cùng triều đại Nam triều
thay nhau cũng là quá trình tiêu vong của thế lực sĩ tộc và thứ tộc.
https://www.baike.com/wikiid/5907638608548167430?prd=attribute&view_id=1j3ky2e21npc00
2- Sĩ tộc 士族: Cũng gọi là
“môn đệ” 门第, “y quan” 衣冠, “thế tộc” 世族, “thế gia” 世家, cự thất” 巨室, “môn phiệt” 门阀.
“Môn phiệt” là hợp xưng của “môn đệ” 门第 và “phiệt duyệt” 阀阅, chỉ danh môn vọng tộc nối đời làm quan. Chế độ quân
phiệt là hệ thống tuyển chọn quan viên nổi tiếng nhất từ thời Lưỡng Hán đến thời
Tuỳ Đường trong lịch sử Trung Quốc, kì thực ảnh hưởng của nó tạo nên việc quan
chức trọng yếu của triều đình thường bị thiểu số sĩ tộc lũng đoạn, ảnh hưởng của
bối cảnh xuất thân cá nhân đối với con đường làm quan cách xa với tài năng và sở
trường chuyên môn của bản thân. Mãi đến thời Tuỳ Đường, chế độ môn phiệt mới dần
bị thay thế bởi chế độ khảo thí khoa cử căn cứ vào trình độ của cá nhân.
https://www.baike.com/wikiid/6676507186253532016?view_id=4a308kjujm6000
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 06/12/2022
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên
soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã,
2013