Dịch thuật: Mới là hiếu tử nối dòng thư hương (56) (Nhị độ mai)

 

MỚI LÀ HIẾU TỬ NỐI DÒNG THƯ HƯƠNG (56)

          Thư hương 书香: Nghĩa đen là mùi thơm của sách. Thời cổ để đề phòng sách vở bị mối mọt, người xưa đã dùng vân hương thảo 芸香草đặt vào trong sách. Loại cỏ này có mùi thơm, sách có đặt loại cỏ này khi mở ra mùi thơm tán phát, cho nên xưng là “thư hương” 书香. Vì người xưa thường đặt vân hương thảo trong sách để trừ mối mọt, nên ngoài từ “vân nhân” 芸人 chỉ nông dân, “vân vân” 芸芸chỉ số nhiều ra, từ có liên quan chữ “vân” đa phần có liên quan đến sách vở, như: “vân biên” 芸编 chỉ thư tịch, “vân trướng” 芸帐 chỉ thư quyển, “vân các” 芸阁 chỉ gác để sách, “vân thự” 芸署 là nhà tàng trữ sách, “vân hương lại” 芸香吏chỉ Kiếu thư lang 校书郎.

          Nguồn gốc sớm nhất của từ “thư hương” 书香, theo truyền thuyết là do bởi loại vân thảo tán phát mùi hương có thể trừ được mối mọt, những người đọc sách yêu quý sách như sinh mệnh đã đem loài cỏ ấy kẹp vào trong sách, mùi hương từ trong sách tán phát ra gọi là “thư hương” 书香. Tàng thư lâu Thiên Nhất Các 天一阁 nổi tiếng, sách vở trong đó gọi là “vô chú thư” 无蛀书 (sách không bị mọt), theo truyền thuyết thì mỗi quyển sách tàng trữ trong đó đều có kẹp vân hương thảo, nên có tên gọi như thế. Nhân sách kết duyên với vân thảo, những thứ khác có liên quan đến vân thảo cũng trở thành cách xưng hô có liên quan đến sách vở. Như Kiếu thư lang 校书郎thời cổ có một danh xưng nghe rất hay, đó là “vân hương lại” 芸香吏. Đại thi nhân Bạch Cư Dị 白居易 từng làm qua chức quan này. Phòng ốc trong nhà thưởng để vân hương thảo, nên thư trai có cách nói là “vân song” 芸窗  “vân thự” 芸署.

          Ngoài ra, “thư hương” còn chỉ gia đình có truyền thống học tập, như “thư hương nhân gia” 书香人家  “thế đại thư hương” 世代书香.

https://baike.sogou.com/v5195375.htm

          Kiếu thư lang (ta quen đọc là Hiệu thư lang) là chức quan giữ việc đối chiếu khảo đính thư tịch, sửa chữa những chỗ sai nhầm.

          Về âm đọc chữ : Trong Khang Hi tự điển 康熙字典có ghi:

1- Âm KIỂU bính âm là jiào”

          Đường vận  唐韻, Chính vận 正韻 phiên thiết là CỔ HIẾU 古孝

          Tập vận 集韻, Vận hội 韻會 phiên thiết là CƯ HIỆU 居效

Đều có âm là (kiếu. Ta quen đọc là “giáo”)

          Ở âm đọc này có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa là “tra xét để sửa lại”.

2- Âm HIỆU bính âm là “xiào”

Đường vận  唐韻, Vận hội 韻會 phiên thiết là HỒ KIẾU 胡教

Tập vận 集韻,  phiên thiết là HẬU KIẾU  (giáo)後教

Chính vận 正韻 phiên thiết là HỒ HIẾU 胡孝

Đều có âm là (hiệu), chỉ trường học.

          ………………………………….

(Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 468)

Theo tư liệu trên mạng, ba chữ 校书郎 có bính âm là jiào shū lánɡ, như vậy âm Hán Việt là “Kiếu thư lang”, ta quen đọc là “Hiệu thư lang”.

Sao cho giữ được chữ trung

Mới là hiếu tử nối dòng thư hương

(Nhị độ mai 55 - 56)

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 26/12/2022

Previous Post Next Post