Dịch thuật: Danh, tự và hiệu của người Trung Quốc (kì 1)

 

DANH, TỰ VÀ HIỆU CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC

(kì 1)

          Người Trung Quốc rất chú trọng đến “tính thị” 姓氏, lấy tính thị làm căn bản và quy thuộc của mình, nhưng người Trung Quốc cũng rất chú trọng đến “danh tự’ 名字 (tên), bởi vì danh tự mới là sự tồn tại của bản thân. Để biểu thị một lí niệm và sự truy cầu nào đó, người Trung Quốc còn có một hoặc mấy “hiệu” . Nhưng, “danh tự” 名字mà chúng ta hiện nay nói, kì thực chỉ là “danh” ở thời cổ, xã hội hiện tại đã không lưu hành “tự” , “còn “hiệu” trong cuộc sống thường ngày cũng đã rất ít. Nhưng theo sự lưu hành của internet và sự hưng khởi của blogger, danh xưng của blogger đủ kiểu kì thực chính là “hiệu” của hiện nay.

          Khái niệm của “danh” có cực sớm, e là vào xã hội nguyên thuỷ đã xuất hiện. Theo Thuyết văn giải tự - Khẩu bộ 说文解字 - 口部 có ghi:

          Danh, tự mệnh dã, tùng khẩu tùng tịch, tịch giả minh dã, minh bất tương kiến, cố dĩ khẩu tự danh.

          , 自命也, 从口从夕, 夕者冥也, 冥不相见, 故以口自名

          (Danh là để tự xưng, loại chữ hội ý, có chữ khẩu chữ tịch, tịch là lúc chiều tối, tối thì không thấy nhau, cho nên dùng miệng để nói tên mình)

          “Danh” ở đây “dĩ khẩu tự danh” 以口自名đại khái chính là “tiểu danh” 小名 (nhũ danh 乳名) mà người ta thường nói, về sau theo sự phát triển của xã hội và sự mở rộng giao tiếp xã hội mới sản sinh “đại danh” 大名 (học danh 学名) thông hành ở đời sau.

          Xưa nay người Trung Quốc rất chú trọng đến việc đặt tên. Mà xuất phát điểm của việc đặt tên có tương quan mật thiết với cuộc sống xã hội của thời đại. Như chúng ta đã biết, xã hội đời Thương mê tín thịnh hành, cuộc sống xã hội rất đơn thuần, người ta lấy ngày sinh để đặt tên, nổi bật nhất chính là 30 vị Thương Vương dường như toàn lấy thiên can 天干làm tên. Triều Chu kiến lập, lễ chế quy phạm, đặt tên như thế nào cúng có nhiều quy định. Như trong Tả truyện – Hoàn Công lục niên 左传 - 桓公六年có nói:

          Danh hữu ngũ: Hữu tín, hữu nghĩa, hữu tượng, hữu giả, hữu loại.

          名有五: 有信, 有义, 有象, 有假, 有类.

          (Đặt tên có năm cách: Có tín, có nghĩa, có tượng, có giả, có loại)

          Tức lấy tình hính lúc sinh mà đặt tên là “tín” , lấy đạo đức phẩm hạnh mà đặt tên là “nghĩa” , lấy hình tượng của một sự vật nào đó để đặt tên là “tượng” , mượn tên của một vật thể nào đó để đặt tên là “giả” , lấy điểm tương đồng giữa đứa bé với người cha mà đặt tên là “loại” . Những quy định này khi người xưa đặt tên đều có thể hiện. Như con của Khổng Tử 孔子khi sinh ra, Lỗ Chiêu Công 鲁昭公tặng một con cá chép (lí ngư 鲤鱼), Khổng Tử liền đặt tên con là Khổng Lí 孔鲤, tự Bá Ngư 伯鱼. Ngoài ra còn quy định không lấy sáu loại khí vật là quốc danh 国名, quan danh 官名, sơn xuyên 山川, ẩn tật 隐疾, sinh súc 牲畜, khí bạch 器帛để đặt tên. Sau thời Xuân Thu Chiến Quốc, lễ chế xã hội biến hoá cực nhanh, hiện tượng đặt tên càng phản ánh phong mạo hạ tầng của xã hội, dùng cái thấp kém, cái xấu để đặt tên, như con của Tần Huệ Công 晋惠公là “ngữ” (người bồi ngựa), con gái tên là “thiếp” ; con của Lỗ Văn Công 鲁文公tên là “ác” v.v… Người thời bấy giờ còn thích đặt thêm một trợ từ không hề có ý nghĩa gì vào giữa họ và tên, như Chúc Chi Vũ 烛之武, Giới Chi Thôi 介之推, Thân Bất Hại 申不害, Lữ Bất Vi  吕不韦 v.v… “Chi” và “Bất” trong đó đều là trợ từ. Đời Hán, quốc lực cường thịnh, người ta cầu trường sinh bất lão, đặt tên cũng dùng nhiều tên như “An Quốc” 安国, “Diên Niên” 延年, “Diên Thọ” 延寿, “Thiên Thu” 千秋, “Khứ Bệnh” 去病 … Cuối thời Tây Hán lại phục cổ, Vương Mãng 王莽 cấm đặt tên phức, người ta đa phần đặt tên đơn. Đến thời Đông Hán, Tam Quốc, tên đơn thịnh hành như xưa, nhân đó bộ Tam Quốc chí 三国志, nhân vật cơ hồ đều là tên đơn. Đến thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều, nhân vì tên đơn trùng quá nhiều, tên phức lại hưng thịnh. Do bởi chịu ảnh hưởng phong khí thanh cao của sĩ đại phu, người ta đặt tên thích dùng chữ “chi” , Như Tổ Xung Chi 祖冲之, Vương Hi Chi 王羲之, Vương Hiến Chi 王献之, Cố Khải Chi 顾恺之, Bùi Tùng Chi 裴松之, Dương Huyễn Chi 杨衒之, Lưu Lao Chi 刘牢之, Nhan Diên Chi 颜延之, Khấu Khiêm Chi 寇谦之v.v… Thời đó cũng nhân vì Phật giáo thịnh hành, cách đặt tên đa phần lại dùng Phật ngữ, như Vương Tăng Biện 王僧辨, Vương Tăng Trí 王僧智, Liễu Tăng Cảnh 柳僧景, Liễu Tăng Tập 柳僧习, Thôi Tăng Hộ 崔僧护, Thôi Tăng Hựu 崔僧佑 … Các đời sau, cách đặt tên đều chịu ảnh hưởng của thời đại. Gần đây tức lấy việc từ sau nước Trung Hoa mới thành lập mà nói, người ta đặt tên đa phần dùng “Kiến Quốc” 建国, “Viện Triều” 援朝, “Dược Tiến” 跃进 … Thời kì đại cách mạng văn hoá, lại dùng nhiều tên như “Vệ Đông” 卫东, “Hướng Đông” 向东, “Hướng Hồng” 向红, “Vệ Hồng” 卫红, “Lập Tân” 立新 v.v…

                                                                           (còn tiếp)

                                                                            Huỳnh Chương Hưng

                                                                           Quy Nhơn 24/12/2022

Nguyên tác Trung văn

TRUNG QUỐC NHÂN ĐÍCH DANH, TỰ DỮ HIỆU

中国人的名字与号

Trong quyển

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ YẾU LƯỢC

中国文化要略

Tác giả: Trình Dụ Trinh 程裕祯

Bắc Kinh: Ngoại ngữ giáo học dữ nghiên cứu xuất bản xã, 2017

Previous Post Next Post