CHƯA TRAO LỄ NHẠN MỚI ĐẦU THIẾP CANH (28)
Lễ nhạn: Tức dùng chim nhạn làm lễ vật
trong hôn lễ. Theo phong tục hôn nhân truyền thống của Trung Quốc có lục lễ. Lục
lễ gồm:
- Nạp thái 纳采: mang lễ vật cầu hôn
- Vấn danh 问名: hỏi họ tên và ngày tháng năm sinh của nhà gái.
- Nạp cát 纳吉: mang lễ vật đính hôn
- Nạp trưng 纳征: nạp sính lễ
- Thỉnh kì 请期: Ấn định ngày giờ cưới.
- Thân nghinh 亲迎: Chú rể đích thân rước cô dâu.
Có tư liệu cho rằng, khi thực
hiện lục lễ đều dùng chim nhạn làm lễ vật. người chủ trì bưng chim nhạn đi đầu,
gọi là “điện nhạn” 奠雁. Nhưng theo Bạch
Hổ Thông 白虎通, quyển 4 Giá thú 嫁娶 thì chỉ có nạp thái, vấn danh, nạp cát, thỉnh kì, thân
nghinh dùng chim nhạn làm lễ vật. Riêng nạp trưng còn gọi là “huyền huân” 玄纁 thì
không dùng chim nhạn.
“Nạp thái” tức nghị hôn, lễ đầu
tiên trong lục lễ. Nhà trai sau khi chọn được ý trung nhân, việc trước tiên là
nhờ người làm mai đến nhà gái để cầu thân. Sau khi nhà gái đồng ý, nhà trai chuẩn
bị lễ vật mang đến cầu hôn. Thời cổ nhân vì đẳng cấp thân phận khác nhau mà lễ
vật cũng có sự khu biệt. Công khanh dùng dê con, đại phu dùng chim nhạn, sĩ
dùng chim trĩ, về sau nhất luật dùng chim nhạn.
Người xưa cho rằng, chim nhạn
là “hậu điểu” 候鸟 (loài
chim di trú theo mùa), thuận theo âm dương mà đi và đến, tượng trưng nam hôn nữ
giá thuận theo âm dương. Cũng cho rằng, chim nhạn khi mất đi con phối ngẫu, con
còn lại suốt đời không ở cùng con khác, thể hiện sự trung trinh.
Trong Nghi lễ - Sĩ hôn lễ 仪礼 - 士婚礼 có ghi:
Hôn lễ, hạ đạt nạp thái. Dụng nhạn.
婚礼, 下达纳采.
用雁
(Trong hôn lễ, trước tiên nhà
trai nhờ người đến nhà gái cầu thân, thực hiện lễ nạp thái. Dùng chim nhạn làm
lễ vật).
TRUNG QUỐC PHONG TỤC ĐẠI TỪ ĐIỂN
中国风俗大辞典
Chủ biên: Thân Sĩ Nghiêu 申士垚,
Phó Mĩ Lâm 傅美琳
Trung Quốc Hoà Bình xuất bản xã xuất bản, 1994.
Trong “Nhị độ mai”, bản của nhà xuất băn Văn học,
ở phần chú thích ghi rằng:
Lễ nhạn: tức lễ ăn hỏi. Theo Nghi lễ, lễ ăn
hỏi (nạp thái) nhà trai đưa chim nhạn đến nhà gái.
Thiếp canh: Tức “canh thiếp” 庚帖cũng gọi là “long phụng thiếp” 龙凤帖, một trong những hôn tục dân gian Trung Quốc. Trong hôn lễ thời cổ,người ta đem họ tên, quê quán, sinh thần bát tự cùng họ tên tổ tiên ba đời của cả nhà trai và nhà gái viết lên trên tờ thiếp màu đỏ gọi là “canh thiếp”, cũng gọi là “niên canh thiếp tử” 年庚帖子. “Canh” 庚tức “niên canh” 年庚, nam nữ hai bên trao đổi canh thiếp để biểu thị cầu hôn hoặc định hôn.
Xét: Theo cách gọi dân gian, nạp thái là lễ chạm ngõ, nạp cát mới là lễ ăn hỏi.
Chỉ vì ngoại
lỵ bấy lâu
Chưa trao lễ
nhạn mới đầu thiếp canh
(Nhị độ mai 27 - 28)
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 14/12/2022