BAO CHỬNG THIẾT DIỆN VÔ TƯ
Nói đến Bao Thanh Thiên 包青天, nhất định mọi người đều quen thuộc. Ở các tác phẩm điện ảnh đã khắc hoạ hình tượng một vị quan thanh chính liêm minh, không sợ cường quyền. Trong lịch sử, Bao Thanh Thiên tên là Bao Chửng 包拯, từng đảm nhiêm qua chức Tri phủ phủ Khai Phong 开封 niên hiệu Khánh Lịch 庆历thời Bắc Tống. Ông làm quan liêm chính, làm nhiều việc tốt cho dân, rất được nhân dân tôn kính.
Khoảng niên hiệu Khánh Lịch 庆历thời Bắc Tống, nhân dân các nơi không chịu nổi thuế
khoá nặng nề, các cuộc khởi nghĩa nông dân lần lượt bộc phát. Để làm dịu mâu
thuẫn xã hội, Tham tri chính sự Phạm Trọng Yêm 范仲淹và
Xu mật xứ Phú Bật 富弼 đề
xuất 10 phương án cải cách, sử xưng là “Khánh Lịch tân chính” 庆历新政.
Sau khi Khánh Lịch tân chính thất bại,
chính quyền Bắc Tống ngày càng hủ bại, đặc biệt là tại phủ Khai Phong 开封 ở
kinh thành, quyền quý đại thần tham ô nhận hối lộ thịnh hành. Đến khi Bao Chửng
đến nhậm chức Tri phủ phủ Khai Phong, phong khí hủ bại này mới dần được khống
chế.
Bao Chửng người Hợp Phì 合肥Lư Châu 庐州, từng làm qua chức
quan địa phương. Mỗi khi ông đến một địa phương nào đó, đều cho thủ tiêu bộ phận
tạp thuế nặng nề, giải quyết án oan sai. Về sau, Bao Chửng được điều đến kinh
thành làm gián quan. Ông đề xuất nhiều kiến nghị hay. Để chỉnh đốn trật tự phủ
Khai Phong, Tống Nhân Tông 宋仁宗 liền điều Bao Chửng đến phủ Khai Phong nhậm chức Tri
phủ.
Trước Bao Chửng, bất kể là ai nhậm chức
Tri phủ phủ Khai Phong, đều không tránh được có mối liên hệ với bọn quyền quý,
nhận hối lộ. Sau khi Bao Chửng đến, quyết đem phong khí hủ bại đó chỉnh đốn một
cách triệt để.
Theo pháp chế của triều Tống, muốn đến
nha môn cáo trạng trước tiên phải nhờ người viết tờ cáo trạng, sau đó thông qua
viên tiểu lại ở nha môn dâng lên Tri phủ đại nhân. Một số tụng sư và tiểu lại của
nha môn thừa dịp lường gạt sách nhiễu. Bao Chửng trước tiên dẹp bỏ quy củ đó,
quy định lão bách tính muốn cáo trạng kêu oan, có thể đến trước cửa nha môn
đánh trống, sau đó trực tiếp lên công đường tố cáo.
Một năm nọ, Khai Phong gặp nạn hồng
thuỷ, đường thuỷ Huệ Dân Hà 惠民河 bị ách tắc, nước sông dâng tràn, nhấn chìm đường phố,
rất nhiều người không có nhà để về. Trải qua điều tra, Bao Chửng phát hiện, nước
bị ách tắc là do bởi một số hoạn quan, cùng bọn quyền quý xâm chiếm đường sông,
xây cất hoa viên, đình đài trên đường sông. Bao Chửng lệnh cho những chủ công
trình này phải tháo dỡ toàn bộ kiến trúc trên đường sông.
Bao Chửng trước giờ vốn thiết diện vô
tư, đối với bằng hữu thân thích của mình cũng nghiêm túc như thế, không hề nể mặt,
bỉnh công chấp pháp. Từ đó, không còn ai vì việc riêng mà tìm đến ông.
Tống Nhân Tông rất coi trọng Bao Chửng,
thăng ông làm Xu mật phó sứ. Bao Chửng sau khi thăng nhậm quan cao, cuộc sống vẫn
giản đơn chất phác. Ông răn dạy con cháu không được tham tang uổng pháp.
Bao Chửng một đời liêm khiết, trở thành điển hình một vị thanh quan của đời sau, được bách tính tôn xưng là “Bao Thanh Thiên” 包青天.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 27/12/2022
Nguyên tác Trung văn
BAO CHỬNG THIẾT DIỆN VÔ TƯ
包拯铁面无私
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CỐ SỰ (tập 6)
中国历史故事
Biên soạn: Sơ Dương Tả Tả 初阳姐姐
Trường Xuân: Cát Lâm văn sử xuất
bản xã, 2015