RẰNG: XƯA HOÀNG ĐẾ, AN KỲ (623)
Hoàng Đế 黄帝: Theo truyền
thuyết thần thoại, phụ thân của Hoàng Đế là Thiếu Điển 少典,
là vị quốc quân của nước Hữu Hùng 有熊, nhân vì cư trú tại
gò Hiên Viên 轩辕nên có hiệu là Hiên Viên 轩辕,
và cũng vì trường cư bên sông Cơ 姬 nên lấy Cơ 姬 làm họ (tính).
Hoàng Đế là vị thủ lĩnh liên minh bộ lạc cổ đại của Trung
Quốc, đứng đầu trong Ngũ Đế. Hoàng Đế được tôn là “Văn nhân sơ tổ” 文人初祖. Trong Sơn hải
kinh 山海经, Hoàng Đế chỉ là một trong các đế, đến thời Xuân Thu Chiến Quốc mới được
định làm nhất tôn. Theo sử sách, Hoàng Đế nhân là Thổ đức, cho nên hiệu là
Hoàng Đế 黄帝. Thời gian ông trị vì đã gieo trồng bách cốc thảo mộc,
ra sức phát triển sản xuất, bắt đầu chế tạo ra y phục, mũ nón, tàu thuyền, định
ra âm luật.
Từ đời Hán trở về sau, các vị hoàng đế của các triều đại đa
phần đều lập miếu lăng để thờ tự, nhằm xác nhận tính tính chính đáng của sự thống
trị. Nhân đó, Hoàng Đế được xem là nhân vật mang tính tiêu chí trọng yếu của
văn hoá Trung Hoa, là một trong những lĩnh tụ bộ lạc Hoa Hạ cổ đại, là tổ tiên
của Hán tộc và của các dân tộc Trung Hoa.
Tương truyền, Hoàng Đế có soạn bộ Hoàng Đế nội kinh 黄帝内经rất nổi tiếng. Hoàng
Đế nội kinh gọi tắt là Nội kinh 内经, là trứ tác y học
Trung Hoa truyền thống sớm nhất hiện tồn, có ảnh hưởng rất lớn đối với y học
Trung Hoa cùng lí luận và thực vụ hậu thế. Bộ sách này tương truyền là những
ghi chép về các cuộc thảo luận y học của Hoàng Đế 黄帝
cùng với các vị đại thần của ông như Kì Bá 岐伯,
Lôi Công 雷公, Bá Cao 伯高, Du Phụ 俞跗, Thiếu Sư 少师, Quỷ Du Khu 鬼臾区, Thiếu Du 少俞 … Chủ trương
“Không trị lúc đã phát bệnh, mà trị lúc chưa có bệnh, không trị lúc đã phát
sinh loạn mà trị lúc chưa loạn”. Hoàng Đế
nội kinh 黄帝内经cùng Nan kinh 难经, Thương hàn tạp bệnh luận 伤寒杂病论, Thần Nông bản thảo kinh 神农本草经được xem là
“tứ đại kinh điển trứ tác” về y học truyền thống của Trung Quốc.
https://zh.m.wikipedia.org/zh-hans/%E9%BB%84%E5%B8%9D
https://zh.m.wikipedia.org/zhhans/%E9%BB%84%E5%B8%9D%E5%86%85%E7%BB%8F
An Kì: Tức An Kì
Sinh 安期生, người Lang Da 琅琊,
vị tiên nhân từng bán thuốc ở biển đông. Ông vốn tên là Trịnh An Kì 郑安期, một tên khác là An Kì Sinh 安期生,
theo học với Hà Thượng Công 河上公, là nhân vật đại
biểu cho hoạt động phương sĩ vùng Yên Tề thời Tần Hán, truyền nhân của triết học
Hoàng Lão và văn hoá phương tiên đạo. Cuối đời Tần, phương sĩ Trịnh An Kì vân
du đến núi Bạch Vân 白云 ở
Nam Việt 南粤và ẩn cư ở nơi đây. Cũng trong năm đó, ôn dịch lưu
hành, để cứu chúng dân, ông lên núi hái thuốc, khi ông hái tiên dược “cửu khúc
xương bồ” bị trật chân té xuống vực, và
đã cưỡi hạc thành tiên. Về sau, để kỉ niệm ông, tại nơi ông thăng tiên (tức nay
là Vân Nham xứ 云岩处) người ta đã lập “Trịnh Tiên từ” 郑仙祠, đồng thời định ngày 24 (có tư liệu là ngày 25) tháng
7 âm lịch hàng năm làm “Trịnh Tiên đản” 郑仙诞,
lên núi tế bái, hái xương bồ, tắm gội trong khe suối, cầu bình an, mạnh khoẻ.
Ngày này đã trở thành một lễ tiết dân tục truyền thống của vùng Quảng Châu 广州.
Ghi chép có liên quan đến ông, được thấy sớm nhất là trong Sử kí 史记. Trong Sử kí –
Nhạc Nghị liệt truyện 史记 - 乐毅列传khi thuật lại
cái học Hoàng Lão đầu đời Hán nói rằng:
Nhạc Thần Công 乐臣公học Hoàng Lão, thầy của ông là Hà Thượng Trượng Nhân 河上丈人, không biết gốc tích ở đâu. Hà Thượng Trượng Nhân dạy
An Kì Sinh 安期生, An Kì Sinh dạy Mao Hấp Công 毛翕公, Mao Hấp Công dạy Nhạc Hà Công 乐瑕公, Nhạc Hà Công dạy Nhạc Thần Công 乐臣公.
Trong Sử kí – Phong
thiện thư 史记 - 封禅书 cũng có nói, phương sĩ Lí Thiếu Quân 李少君từng nói với Hán Vũ Đế 汉武帝:
Thần từng dạo chơi
trên biển,, gặp An Kì Sinh. An Kì Sinh cho thần ăn táo, táo lớn bằng trái dưa. An
Kì Sinh là tiên, thường đến Bồng Lai, nếu hợp với ai thì cho thấy, không hợp
thì ẩn.
Thế là Vũ Đế sai phương sĩ vào biển cầu Bồng Lai An Kì
Sinh.
Lưu Hướng 刘向 đời Hán trong Liệt tiên truyện 列仙传có nói, An Kì
Sinh là phương sĩ triều Tần, thành tiên vào triều Hán.
https://zh.m.wikipedia.org/zh-hans/%E5%AE%89%E6%9C%9F%E7%94%9F
Rằng: Xưa Hoàng Đế, An Kỳ
Nào phương thoát hoá tu từ sao đây
(Bích Câu kì ngộ: 623 - 624)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 15/11/2022