Dịch thuật: Đinh ưu

 

ĐINH ƯU

(Phan Đạo Chính 潘道正)

          Thời cổ, nếu phụ mẫu của quan viên qua đời sẽ trình báo lên cấp trên, xin được từ chức để về nhà phục tang, gọi là “đinh ưu” 丁忧. Đinh ưu là sự biểu hiện của đạo hiếu, đã có quy định từ thời cổ ở Trung Quốc. Ví dụ như chế độ đinh ưu ở đời Tống quy định rõ, quan viên khi phụ mẫu qua đời phải “bôn tang” 奔丧, nhưng cần phải có một trình tự, tức đầu tiên phải trình báo với bộ phận của triều đình có liên quan, sau khi phê chuẩn mới phục tang. Quan võ do bởi sự quan trọng của chức vụ nắm giữ nên còn có quy định đặc biệt. Đơn xin của quan võ xuất từ Trung thư hạ Ngự sử đài 中书下御史台, sau khi kinh qua kiểm tra mới quyết định có thể bôn tang hay không, nếu là vùng biên giới yếu địa quân sự, thì cần phải đợi sau khi có vị quan võ khác đến thay thế mới rời nhiệm vụ để bôn tang. Trong tình hình chung, đinh ưu là một loại đạo đức luân lí, đã được sự công nhận phổ biến từ thời cổ, không phục tang bị cho là đại nghịch bất đạo chịu sự chỉ trích. Triều Tống, thời Vương An Thạch 王安石biến pháp, học trò của Vương An Thạch là Lí Định 李定 do vì không để tang cho mẫu thân  mà đã bị sự công kích của đối thủ cựu đảng, về sau đến mức thân bại danh liệt. Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ, có lúc do bởi trách nhiệm của quan viên quá lớn, hoàng đế cảm thấy không thể để cho rời đi, bèn hạ chỉ để quan viên không cần phải phục tang, mà ở lại cương vị vốn có, tiếp tục ra sức phục vụ cho quốc gia, sự việc đó gọi là “đoạt tình” 夺情. Triều Minh, khi phụ thân của Trương Cư Chính 张居正 qua đời, Trương Cư Chính bị hoàng đế “đoạt tình”, tiếp tục ở lại cương vị.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                                                       Quy Nhơn 19/11/2022

Nguồn

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC

中国文化常识

(tập 2)

Chủ biên: Can Xuân Tùng 干春松, Trương Hiều Mang 张晓芒

Bắc Kinh: Trung Quốc Hữu Nghị xuất bản công ti, 2017

Previous Post Next Post