Dịch thuật: Chế độ Bác sĩ thời cổ Trung Quốc

 

CHẾ ĐỘ BÁC SĨ THỜI CỔ TRUNG QUỐC

(Phan Đạo Chính 潘道正)

          Chế độ Bác sĩ 博士là chế độ văn hoá, chính trị trọng yếu, bắt nguồn từ nước Tề thời Chiến Quốc, hình thành vào thời Tần Hán. Danh xưng “Bác sĩ” 博士 được thấy vào thời Chiến Quốc, lúc ban đầu không phải là quan danh, chỉ là xưng vị đối với người học rộng. Như trong Chiến quốc sách – Triệu sách 战国策 - 赵策 có ghi:

Trịnh Đồng bắc kiến Triệu Vương. Triệu Vương viết: ‘Tử, nam phương chi bác sĩ dã, hà dĩ giáo chi?

郑同北见赵王, 赵王曰” ‘, 南方之博士也, 何以教之?

(Trịnh Đồng đi lên phía bắc yết kiến Triệu Vương. Triệu Vương bảo rằng: ‘Ông là người học rộng ở phương nam, có gì xin được chỉ dạy?)

Trong Sử kí – Tuần lại liệt truyện 史记 - 循吏列传 có ghi:

Công Nghi Hưu giả, Lỗ bác sĩ dã.

公仪休者, 鲁博士也

(Công Nghi Hưu là người học rộng nước Lỗ)

          Trong Hán thư – Giả Sơn truyện 汉书 - 贾山传 cũng có ghi:

Tổ phụ Khư, cố Nguỵ Vương thời bác sĩ đệ tử.

祖父祛, 故魏王博士弟子

(Tổ phụ là Giả Khư, nguyên là đệ tử học rộng của Nguỵ Vương)

          “Bác sĩ” 博士là quan danh, có khả năng xuất hiện sớm nhất ở nước Tề. Đổng Thuyết 董说 đời Minh trong Thất quốc khảo 七国考 dẫn lời của Hứa Thận 许慎 trong Ngũ kinh dị nghĩa 五经异义:

Chiến Quốc thời, Tề trí Bác sĩ chi quan.

战国时, 齐置博士之官

(Thời Chiến Quốc, nước Tề lập quan Bác sĩ)

          Cuối thời Chiến Quốc, để thích ứng cục diện xã hội chiến tranh thống nhất ngày càng tăng, các nước không thể không lấy lễ đãi kẻ sĩ để đảm bảo an toàn cho sự thống trị, trong tình hình đó, nước Tề, nước Nguỵ đều thiết lập quan Bác sĩ. Triều Tần thừa tập truyền thống Chiến Quốc, thiết lập chế độ Bác sĩ, đương thời Bác sĩ có đến hơn 70 người (Sử kí – Tần Thuỷ Hoàng bản kỉ 史记 - 秦始皇本纪). Đầu đời Hán kế thừa chế dộ Bác sĩ của triều Tần, số người cũng theo triều Tần. Về sau, Hán Vũ Đế 汉武帝bãi truất bách gia, độc tôn nho thuật, nhất loạt phế trừ kĩ thuật y học, chiêm bốc, tinh tú, tướng số của chư tử, chỉ lập “Ngũ kinh Bác sĩ” 五经博士, cho nên số người giảm nhiều, thời Hán Tuyên Đế 汉宣帝, Bác sĩ có 12 người, Bác sĩ đệ tử mấy chục người. Thời Đông Hán lập 14 Bác sĩ, số người có tăng một chút, nhưng đều là Bác sĩ Kim văn kinh học. Chế độ Bác sĩ từ đời Hán trải qua các đời Nguỵ, Tấn, Tuỳ, Đường, Tống, Nguyên cho đến Quốc tử giám Bác sĩ thời Minh Thanh, thời gian dài hơn 2000 năm, có nguồn gốc sâu xa.

Bác sĩ tức bác học chi sĩ, là học giả quán thông cổ kim, một trong những chức vụ đảm nhiệm là cái học huấn hỗ thông cổ văn. Trong Hán Dương nghi 汉阳仪có nói:

Vũ Đế sơ trí Bác sĩ, thủ học thông hành tu, bác thức đa nghệ, hiểu cổ văn ‘Nhĩ nhã’, năng chúc văn chương giả vi chi.

武帝初置博士, 取学通行修, 博识多艺, 晓古文尔雅能属文章者为之.

(Vũ Đế lúc đầu lập quan Bác sĩ, chọn lấy những người học thông, phẩm hạnh đoan chính, biết rộng đa tài, thông hiểu cổ văn “Nhĩ nhã”, biết soạn thảo văn chương làm Bác sĩ)

Bác sĩ có thể truyền thụ cho đệ tử, cho nên xưng là “Lão sư” 老师, “Tiên sinh” 先生. Chức trách chủ yếu của Bác sĩ là tham dự nghị chính, phụ trợ quyết sách. Theo ghi chép trong Tục Hán chí 续汉志:

Bác sĩ ….. chưởng giáo đệ tử, quốc hữu nghi sự, chưởng thừa vấn đối.

博士掌 ….. 教弟子, 国有疑事, 掌承问对.

(Bác sĩ ….. nắm giữ việc dạy đệ tử, nước có việc nghi ngờ cần giải quyết, thì nắm giữ việc hỏi đáp)

Sự đãi ngộ đối với Bác sĩ rất cao. Trong Hán thư – Bách quan công khanh biểu thượng 汉书 - 百官公卿表上 có ghi:

Chưởng thông cổ kim, trật tỉ lục bách thạch.

掌通古今, 秩比六百石

(Nắm giữ những việc cổ kim, trật ngang với 600 thạch)

          Trong Tục Hán chí – Bách quan chí 续汉志 - 百官志 cũng nói:

          Bác sĩ Tế tửu ….. lục bách thạch ….. Bác sĩ ….. tỉ lục bách.

          博士祭酒 ….. 六百石 …..博士 ….. 比六百

          (Bác sĩ Tế tửu ….. 600 thạch ….. Bác sĩ …..  ngang 600 thạch)

Tương đương với bổng lộc của Gián nghị đại phu.)

                                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                                                       Quy Nhơn 24/11/2022 

Nguồn

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC

中国文化常识

(tập 2)

Chủ biên: Can Xuân Tùng 干春松, Trương Hiều Mang 张晓芒

Bắc Kinh: Trung Quốc Hữu Nghị xuất bản công ti, 2017

Previous Post Next Post