Câu đối: Thiên thụ ngưỡng tầm xuân chi an tại .....

 

千樹仰尋椿枝安在

百花翹望萱草何之

 

Thiên thụ ngưỡng tầm, xuân chi an tại

Bách hoa kiều vọng, huyên thảo hà chi

                                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                               Quy Nhơn 25/11/2022

Xuân chi 椿枝: Cành cây xuân. Trong Trang Tử - Tiêu dao du 莊子 - 逍遙遊 có câu:

Thượng cổ hữu đại xuân giả, dĩ bát thiên tuế vi xuân, bát thiên tuế vi thu.

上古有大春者, 以八千歲為春, 八千歲為秋秋.

          (Thời thượng cổ có cây đại xuân, lấy tám ngàn năm làm mùa xuân, tám ngàn năm làm mùa thu.)

          Nhân đó người xưa lấy cây xuân để ví cho phụ thân, mong phụ thân cũng được trường sinh bất lão. Về sau, khi chúc thọ bậc trưởng bối nam giới, người ta thường tôn xưng đối phương là “xuân thọ” 椿壽.

          Cũng nhân câu chuyện con Khổng Tử 孔子là Khổng Lí 孔鯉 vì sợ quấy rầy phụ thân đã “xu đình nhi quá” 趨庭而過 (rảo bước qua sân), nhân đó người xưa lại đem “xuân” 椿 và “đình” kết hợp lại gọi là “xuân đình” 椿庭cũng dùng để ví phụ thân.

https://baike.baidu.hk/item/%E6%A4%BF%E8%90%B1/1377006

Trong Luận ngữ - Quý thị 論語 - 季氏có đoạn:

(Khổng Tử) thường độc lập. Lí xu nhi quá đình. Viết: ‘Học Thi hồ?’ Đối viết: ‘Vị dã.’ ‘Bất học Thi, vô dĩ ngôn.’ Lí thoái nhi học Thi.

(孔子) 嘗獨立, 鯉趨而過庭. : ‘學詩乎?’ 對曰: ‘未也.’ ‘不學詩, 無以言.’ 鯉退而學詩.

(Khổng Tử đứng một mình trong sân, Khổng Lí rảo bước qua sân. Khổng Tử gọi lại, bảo rằng: ‘Học (kinh) Thi chưa?’ Khổng Lí đáp: ‘Dạ chưa’. Khổng Tử mới bảo: ‘Không học Thi lấy gì để mà ăn nói?’ Khổng Lí lui về học Thi.)

Về sau, “xu đình” 趨庭 được dùng để ví với việc tiếp nhận lời chỉ dạy của cha.

Huyên thảo 萱草: Cỏ huyên, còn gọi là “Tử huyên” 紫萱, “Lộc tiễn” 鹿箭, “Kim châm hoa” 金針花, “Nghi nam thảo” 宜男草. “Vong ưu thảo” 忘憂草, “Liệu sầu” 療愁.

Thời cổ ở Trung Quốc sớm đã có loài hoa đại biểu cho mẹ (mẫu thân hoa 母親花), đó là huyên thảo萱草 (hoa hiên). Huyên thảo tượng trưng cho tính ôn nhu, hàm súc, hiền lành, chất phác, kiên nhẫn và tinh thần dâng hiến hi sinh của nữ giới.

          “Huyên thảo” ở Trung Quốc lại là loài hoa đại biểu cho mẹ.

Người xưa cho rằng lấy chồi non của loại cỏ này làm rau, ăn vào có thể khiến người ta như bị say, làm cho quên đi ưu phiền, cho nên cũng gọi là “vong ưu thảo” 忘憂草, “vong ưu vật” 忘憂物.

Trong Thi kinh – Vệ phong – Bá hề 詩經 - 衛風 - 伯兮có câu:

Yên đắc huyên thảo

 Ngôn thụ chi bối

焉得谖草

言树之背

(Làm sao có được cây cỏ huyên

Trồng nó ở nhà phía bắc)

     Trong Mao truyện 毛傳ghi rằng:

Huyên thảo linh nhân vong ưu; bối, bắc đường dã.

萱草令人忘憂; , 北堂也.

(Huyên thảo làm cho người ta quên đi ưu phiền; bối là nhà phía bắc.)

Bắc đường 北堂 chỉ phía sau căn phòng phía đông, là nơi phụ nữ giặt rửa, cho nên mượn “bắc đường” để chỉ mẹ. Về sau dùng “huyên thảo” để chỉ nơi ở của mẹ, cũng mượn để ví mẹ. Người con khi đi xa sẽ trồng cỏ huyên ở bắc đường, hi vọng mẹ sẽ giảm được nỗi nhớ con mà quên đi ưu phiền. Nhân đó “bắc đường thụ huyên” 北堂樹萱 (trồng cỏ huyên ở bắc đường) có thể làm cho người ta quên đi sầu muộn, dẫn đến ý nghĩa tình mẫu tử. … (trích)

http://www.renminbao.info/229/11805.htm

An tại 安在: Ở nơi đâu? Trong Sử kí – Hạng Vũ bản kỉ 史记 - 项羽本纪 có câu:

Hạng Vương viết: ‘Bái Công an tại?’

项王曰: ‘沛公安在?’

(Hạng Vương hỏi: ‘Bái Công ở nơi đâu?’)

Hà chi 何之: Đi đến nơi nào? Trong Mặc Tử - Quý nghĩa 墨子 - 贵义 có câu:

Quân tương hà chi

君将何之

(Ông định đi đến nơi nào?)

 

Previous Post Next Post