Dịch thuật: Thế nào gọi là "thanh từ" trong Đạo giáo

 

THẾ NÀO GỌI LÀ “THANH TỪ” TRONG ĐẠO GIÁO 

          “Thanh từ” 青词cũng gọi là “lục chương” 绿章, là biểu văn tấu chương của đạo sĩ dùng trong nghi thức trai tiếu 斋醮 (1) chúc cáo thiên thần, về sau cũng diễn biến thành một loại văn thể. Theo truyền thuyết, lúc ban đầu dùng chu sa viết lên giấy “thanh đằng” 青藤, cho nên gọi là “thanh từ” 青词. Nhưng theo Đạo môn định chế 道门定制, cho rằng vào niên hiệu Thiên Bảo 天宝năm thứ 4 đời Đường, hoàng đế sắc cho đạo sĩ dâng biểu tấu chương không dùng chúc bản mà viết lên trên giấy, gọi là “thanh từ” 清词, Hoàng đế Chân Tông 真宗đời Tống lệnh cho đổi dùng giấy xanh để viết, bèn đổi gọi là 青词 (thanh từ).

          Hai đời Đường Tống đều có người viết “thanh từ”. Đời Minh trong cung thịnh hành “tiếu nghi” 醮仪(nghi thức tế tự cầu khấn của Đạo giáo), lúc bấy giờ văn nhân đạo sĩ đua nhau viết “thanh từ”. Cố Đỉnh Thành 顾鼎成, Viên Vĩ 袁炜, Nghiêm Tung 严嵩 đều là những người nhờ thanh từ mà có được sự sủng ái của hoàng đế, người đời châm biếm gọi họ là “Thanh từ Tể tướng” 青词宰相. 

Chú của người dịch

1- Trai tiếu 斋醮: tức nghi thức tế tự cầu khấn của Đạo giáo, tục xưng “đạo trường” 道场.

          “Trai" là trước khi tế tự cầu khấn phải chỉnh khiết thân, tâm, khẩu.

          “Tiếu” chỉ hoạt động tế tế tự cầu khấn

          Cho nên “trai tiếu” 斋醮thường đi chung với nhau.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 21/10/2022

Nguồn 

ĐẠO GIÁO THƯỜNG THỨC ĐÁP VẤN

道教常识答问

Tác giả: Khanh Hi Thái 卿希泰

                   Vương Chí Trung 王志忠

                   Đường Đại Triều 唐大潮

Giang Tô cổ tịch xuất bản xã, 1996

Previous Post Next Post