Dịch thuật: Xé gan con vượn, mơ hồn cái quyên (514) (Bích Câu kì ngộ)

 

XÉ GAN CON VƯỢN, MƠ HỒN CÁI QUYÊN (514)

          Xé gan con vượn: Tức “Đoạn trường viên” 断肠猿chỉ nỗi đau buồn hoặc nỗi nhớ nhung cực độ.

Trong Sưu thần kí 搜神记quyển 20 của Can Bảo 干宝đời Tấn có đoạn:

          Lâm Xuyên Đông Hưng hữu nhân nhập sơn, đắc viên tử, tiện tương quy, viên mẫu tự hậu trục chí gia. Thử nhân phọc viên tử vu đình trung thụ thượng dĩ thị chi. Kì mẫu tiện đoàn giáp hướng nhân nhược khất ai trạng, trực vị khẩu bất năng ngôn nhĩ. Thử nhân kí bất năng phóng, cánh kích sát chi. Viên mẫu bi hoán, tự trịch nhi tử. Thử nhân phá trường thị chi, thốn thốn đoạn liệt. Vị bán niên, kì gia dịch tử, diệt môn.

          临川东兴有人入山, 得猿子, 便将归, 猿母自后逐至家. 此人缚猿子于庭中树上以示之. 其母便抟颊向人若乞哀状, 直谓口不能言耳. 此人既不能放, 竟击杀之. 猿母悲唤, 自掷而死. 此人破肠视之, 寸寸断裂. 未半年, 其家疫死, 灭门.

          (Huyện Lâm Hưng quận Đông Xuyên, có một người khi vào núi bắt được một con vượn con, liền đem về nhà, vượn mẹ đi sau theo đến tận nhà. Người nọ treo vượn con lên cành cây trong sân để cho vượn mẹ nhìn thấy. Vượn mẹ hướng đến người nọ tự vả vào má mình, dường như có ý cầu xin, chỉ có điều là miệng không thể nói được mà thôi. Người nọ không những không thả vượn con mà còn đánh vượn con chết trước mặt vượn mẹ. Vượn mẹ đau đớn kêu gào, rồi tự mình gieo mình xuống đất mà chết. Người nọ mổ bụng vượn mẹ ra xem, thấy ruột vượn đứt từng đoạn một. Chưa đầy nửa năm sau, nhà người nọ bị ôn dịch chết hết, cả nhà không còn người nào sống.)

https://baike.baidu.com/item/%E7%8C%BF%E8%82%A0%E5%AF%B8%E6%96%AD/7770957

Trong Thế thuyết tân ngữ 世说新语 của Lưu Nghĩa Khánh 刘义庆cũng có chép:

Hoàn Công nhập Thục, chí Tam Hiệp trung, bộ ngũ trung hữu đắc viên tử giả. Kì mẫu duyên ngạn ai hào, hành bách dư lí bất khứ, toại khiêu thướng thuyền, chí tiện tức tuyệt. Phá thị kì phúc trung, trường giai thốn thốn đoạn. Công văn chi nộ, mệnh truất kì nhân.

桓公入蜀, 至三峡中, 部伍中有得猿子者. 其母缘岸哀号, 行百余里不去, 遂跳上船, 至便即绝. 破视其腹中, 肠皆寸寸断. 公闻之怒, 命黜其人.

(Hoàn Ôn tiến quân vào đất Thục, khi tới Tam Hiệp, có người trong đội quân của ông bắt được một con vượn con, vượn mẹ đi men theo bờ sông đau xót kêu gào, mãi cho đến khi thuyền đi cả trăm dặm hơn, nó cũng không rời, cuối vượn mẹ cùng nhảy lên thuyền, vừa nhảy lên thì đứt hơi mà chết. Mổ bụng vượn mẹ ra xem, thấy ruột đứt từng khúc một. Hoàn Ôn nghe được sự việc, tức giận, hạ lệnh cách trừ người đó.)

(“Thế thuyết tân ngữ” 世说新语Tây An: Thiểm Tây lữ du xuất bản xã, 2002.)

          Mơ hồn cái quyên: “Cái quyên” tức chim Đỗ quyên. Trong thơ văn cổ Trung Quốc, để hình dung nỗi đau buồn tột cùng, các tác giả thường mượn hình tượng chim Đỗ quyên. Thành ngữ “Đỗ quyên đề huyết” 杜鹃啼血 (chim đỗ quyên kêu đến rỏ máu) diễn đạt ý này.

          Trong Hoa Dương quốc chí 华阳国志 phần Thục chí 蜀志 của Thường Cừ 常璩 thời Đông Tấn biên soạn có nói đến truyền thuyết này.

          Thời Chiến Quốc, Thục Vương ở Tứ Xuyên tên Đỗ Vũ 杜宇, hiệu Vọng Đế 望帝, dạy bách tính theo mùa mà trồng trọt, rất được bách tính yêu quý. Về sau nhân đại thần Khai Minh 开明trị thuỷ tai có công, Đỗ Vũ cảm kích bèn chủ động nhường ngôi cho Khai Minh, còn mình rời nước ẩn cư. Cũng vừa lúc cuối xuân, chim quyên kêu từ sáng đến tối, tiếng kêu nghe đau buồn ai oán, thanh điệu thê thiết, nghe rất giống như “bất như quy khứ” 不如归去 (chẳng bằng trở về). Người Thục nghe cảm thấy bi ai, đều nói chim quyên là hồn phách của Đỗ Vũ hoá thành, để thể hiện nỗi nhớ. Nhân đó mà mọi người gọi chim quyên là Đỗ quyên 杜鹃, cũng gọi là Đỗ Vũ 杜宇, Tử quy 子规.

          Thi nhân các đời thường mượn thuyết “Đỗ quyên đề huyết” này để bày tỏ tình cảm nhớ nước nhớ quê.

https://www.kekeshici.com/shicidiangu/ciyugushi/6388.html

Trong Tì bà hành 琵琶行của Bạch Cư Dị 白居易có câu:

Kì gian đán mộ văn hà vật

Đỗ quyên đề huyết, viên ai minh

其间旦暮闻何物

杜鹃啼血猿哀鸣

(Nơi đây sớm chiều nghe được những gì

Chỉ nghe tiếng quyên kêu rỏ máu và tiếng vượn kêu bi ai)

          Câu 514 này và câu 513 ở trên diễn tả nỗi đau buồn tột cùng vì nỗi nhớ.

 

Xác ve ngày một héo mòn

Xé gan con vượn, mơ hồn cái quyên

(Bích Câu kì ngộ: 513 - 514)

                                                                    Huỳnh Chương Hưng

                                                                     Quy Nhơn 25/9/2022

Previous Post Next Post