Dịch thuật: Trương Duyệt tặng đao

 

TRƯƠNG DUYỆT TẶNG ĐAO

          Trương Duyệt 张说là vị đại thần tài năng, giỏi văn giỏi viết, rất có mưu trí. Duệ Tông Lí Đán 睿宗李旦 lên ngôi, lập người con thứ ba là Lí Long Cơ 李隆基 làm thái tử, Trương Duyệt 张说và Chử Thiên Lượng 褚天量làm Thái tử Thị độc 太子侍读, rất được thái tử kính trọng.

          Năm Cảnh Nguyên 景元thứ 2, Duệ Tông nhậm Trương Duyệt làm Trung thư môn hạ Bình chương sự 中书门下平章事, giám tu quốc sử. Ngày nọ, Duệ Tông nói với thị tụng:

- Có vị thuật sĩ dự báo rằng, nội nhật sẽ có người phát động binh biến, tiến vào hoàng cung, các khanh hãy vì trẫm mà phòng bị.

Các thị thần kinh hãi thất sắc, nhất thời nhìn nhau ngơ ngác, không biết phải nói làm sao. Lúc bấy giờ Trương Duyệt nói rằng:

          - Tâu bệ hạ, đó là cái bẫy mà kẻ gian đặt ra, muốn mưu hại thái tử, soán đoạt hoàng vị, Việc đó không thể tin. Nếu bệ hạ để cho thái tử thay bệ hạ xử lí quốc chính, chuẩn bị nhường ngôi cho thái tử, thì âm mưu của kẻ gian sẽ không thực hiện được.

          Duệ Tông cả mừng, liền tiếp nhận kiến nghị, ban chiếu để thái tử giám quốc, năm sau lại nhường ngôi vị cho thái tử. Lúc này, Tể tướng nắm giữ chính vụ là Tiêu Chí Trung 萧至忠, Thôi Thực 崔湜đều là tâm phúc của công chúa Thái Bình太平, họ cho rằng Trương Duyệt cố ý đối nghịch với họ, liền theo ý chỉ của công chúa, bãi chức Trung thư môn hạ Bình chương sự của Trương Duyệt, không cho tham dự triều chính, đồng thời lệnh cho ông phải đến giữ đông đô, rời khỏi kinh thành. Trương Duyệt biết âm mưu của công chúa Thái Bình cùng đồ đảng của bà, lúc ra đi, Trương Duyệt tặng cho Huyền Tông 玄宗 một thanh bội đao, ngầm ý là xin hoàng thượng mau chóng dùng đao chặt đứt rối ren, ra tay trước. Huyền Tông lĩnh hội ý đó, thế là vào tháng 7 năm Khai Nguyên 开元nguyên niên, đã hành động dẹp được vụ công chúa Thái Bình cùng đồ đảng. 

                                                               Huỳnh Chương Hưng

                                                            Quy Nhơn 18/9/2022

Nguồn

HOÀNG TRIỀU ĐIỂN CỐ KỈ VĂN

皇朝典故纪闻

Tác giả: Hướng Tư 向斯

Bắc Kinh: Trung Quốc văn sử xuất bản xã, 2002

Previous Post Next Post