Dịch thuật: Trung thu tiết

 

TRUNG THU TIẾT

          Hàng năm, vào ngày rằm tháng 8 là Trung thu tiết 中秋节 truyền thống của Trung Quốc. Vì là ở vào giữa mùa thu cho nên được gọi là Trung thu 中秋. Trung thu tiết là tiết nhật truyền thống lớn thứ hai sau sau Xuân tiết.

          Trong âm lịch Trung Quốc, một năm chia làm 4 mùa, 4 mùa lại chia làm 3 bộ phận là Mạnh , Trọng , Quý , nhân đó Trung thu cũng gọi là Trọng thu 仲秋. Trăng vào ngày rằm tháng 8 so với các rằm khác có vẻ như tròn hơn, sáng hơn, cho nên cũng được gọi là Nguyệt tịch 月夕, Thu tiết 秋节, Trọng thu tiết 仲秋节, Bát nguyệt tiết 八月节, Bát nguyệt hội 八月会, Truy nguyệt tiết 追月节, Ngoạn nguyệt tiết 玩月节, Bái nguyệt tiết 拜月节, Nữ nhi tiết 女儿节hoặc Đoàn viên tiết 团圆节, là lễ tiết văn hoá truyền thống được lưu hành trong nhiều dân tộc của Trung Quốc. Đêm đó, mọi người ngước nhìn trăng sáng, tự nhiên muốn về nhà đoàn tụ cùng gia đình, du tử chốn tha hương cũng nhân đó kí thác nỗi niềm nhớ quê nhớ người thân của mình, cho nên Trung thu cũng gọi là Đoàn viên tiết 团圆节.

          Đêm Trung thu, trăng lớn nhất và sáng nhất, cho nên từ xưa đến nay đều có tập tục bày yến tiệc ngắm trăng; con dâu về lại nhà mẹ đẻ vào ngày này cũng phải về lại nhà chồng, ngụ ý viên mãn cát khánh. Cúng có một số nơi định Trung thu tiết vào ngày 16 tháng 8, như Ninh Ba 宁波, Đài Châu 台州, Chu Sơn 舟山, điều này có liên quan đến việc Phương Quốc Trân 方国珍 khi chiếm cứ 3 châu Ôn , Đài , Minh vì để đề phòng quan binh triều Nguyên và Chu Nguyên Điền 朱元田 tập kích mà đã đổi ngày 14 tháng Giêng làm Nguyên tiêu, 16 tháng 8 làm Trung thu. Ngoài ra tại Hương Cảng 香港, niềm vui Trung thu chưa dứt, còn kéo dài sang đêm 16 vui chơi thêm lần nữa, cho nên có tên là “Truy nguyệt” 追月.

          Từ “Trung thu” 中秋được thấy sớm nhất trong Chu lễ 周礼, còn hình thành ngày lễ tiết mang tính toàn quốc một cách chân chính là vào đời Đường. Người dân thời cổ đã có tập tục “Thu mộ tuế nguyệt” 秋暮岁月. Tuế nguyệt, tức tế bái Nguyệt thần 月神. Đến đời Chu, mỗi khi vào đêm Trung thu đều cử hành “nghinh hàn” 迎寒 và “tế nguyệt” 祭月. Lập hương án, bày tế phẩm như bánh trung thu, dưa hấu, táo, táo đỏ, trái lí, nho … Trong đó, bánh trung thu và dưa hấu là tuyệt đối không thể thiếu. Dưa hấu còn được cắt ra hình hoa sen. Dưới trăng, đem tượng Nguyệt thần đặt ở nơi trăng chiếu sáng, thắp nến hồng, cả nhà lần lượt tế bái trăng, sau đó sẽ do nữ gia chủ cắt bánh trung thu. Người cắt sẽ dự tính cả nhà có bao nhiêu người, ở nhà hoặc ở nơi khác đều tính vào trong đó, không thể thiếu, lớn nhỏ phải như nhau.

          Thời Đường, tập tục thưởng nguyệt, ngoạn nguyện vào Trung thu tiết rất thịnh hành. Thời Bắc Tống, đêm rằm tháng 8, nhà nhà trong khắp cả thành, bất luận giàu nghèo lớn nhỏ, đều mặc y phục thành nhân, thắp hương bái nguyệt nói ra những ước nguyện của mình, cầu Nguyệt thần bảo hộ. Thời Nam Tống, trong dân gian tặng nhau bánh Trung thu, lấy ý nghĩa đoàn viên. Một số nơi còn có các hoạt động như “vũ thảo long” 舞草龙 (múa rồng được làm bằng cỏ), “thế bảo tháp” 砌宝塔 (xây bảo tháp). Từ thời Minh Thanh trở đi, phong tục của Trung thu tiết càng thịnh hành hơn, nhiều nơi hình thành những phong tục đặc thù như “thiêu đấu hương” 烧斗香 (thi đốt hương), thụ Trung thu 树中秋 (trồng cây trung thu), điểm tháp đăng 点塔灯 (thắp tháp đèn), phóng thiên đăng 放天灯(thả đèn trời), tẩu nguyệt lượng 走月亮 (phụ nữ trang điểm thật đẹp, cùng tản bộ dưới trăng suốt đêm), vũ hoả long 舞火龙 (múa rồng lửa)…

          Ngày nay, tập tục dạo chơi dưới trăng đã không còn thịnh hành như trước, nhưng bày tiệc thưởng trăng vẫn rất thịnh hành. Người ta nâng chén rượu hỏi trăng, chúc mừng cuộc sống tốt đẹp, hoặc chúc người thân ở nơi xa được mạnh khoẻ, cùng với người nhà “Thiên lí cộng thiền quyên” 千里共婵娟 (1).

          Tập tục của Trung thu tiết rất nhiều, hình thức ở các nơi cũng khác nhau, nhưng đều kí thác lòng yêu quý vô hạn của mọi người đối với cuộc sống và hướng đến một cuộc sống tốt đẹp.

Chú của người dịch

1- Câu này trong bài từ Minh nguyệt kỉ thời hữu 明月几时有 theo điệu Thuỷ điệu ca đầu 水调歌头 của Tô Thức 苏轼 đời Tống. Đoạn cuối viết rằng:

Nhân hữu bi hoan li hợp

Nguyệt hữu âm tình viên khuyết

Thử sự cổ nan toàn

Đản nguyện nhân trường cửu

Thiên lí cộng thiền quyên

人有悲欢离合

月有阴晴圆缺

此事古难全

但愿人长久

千里共婵娟

(Người có lúc vui lúc buồn lúc chia li lúc sum hợp

Trăng có khi tối khi sáng khi tròn khi khuyết

Sự việc đó xưa nay khó mà được chu toàn

Chỉ cầu mong người thân nơi chốn xa luôn được bình an

Cùng chung hưởng trăng đẹp đêm nay)

                                                                            Huỳnh Chương Hưng

                                                                            Quy Nhơn 10/9/2022

                                                                   Tết Trung Thu năm Nhâm Dần

Nguồn

https://www.mfa.gov.cn/ce/cebn//chn/sgxss/t212378.htm 

Previous Post Next Post