Câu đối: Tử huyên bắc viện diệp phô hoàng, du tử lâm hành thời thiết thiết .....

 

紫萱北院葉鋪黃游子臨行時切切

鹿箭堂階花綴綠慈親遠望刻悠悠 

Tử huyên bắc viện diệp phô hoàng, du tử lâm hành thời thiết thiết

Lộc tiễn đường giai hoa xuyết lục, từ thân viễn vọng khắc du du 

                                                                                                              Huỳnh Chương Hưng

                                                                                                              Quy Nhơn 10/9/2022

Hoa hiên tiếng Hán có tên là Huyên thảo, còn gọi là “Tử huyên”, “Lộc tiễn”, “Kim châm hoa”, “Nghi nam thảo”. “Vong ưu thảo”, “Liệu sầu”

Thời cổ ở Trung Quốc sớm đã có loài hoa đại biểu cho mẹ (mẫu thân hoa 母親花), đó là huyên thảo萱草 (hoa hiên). Huyên thảo tượng trưng cho tính ôn nhu, hàm súc, hiền lành, chất phác, kiên nhẫn và tinh thần dâng hiến hi sinh của nữ giới phương đông; trong sự điềm đạm đã phát tán ánh sáng về tình yêu thương của mẹ.

          “Huyên thảo” ở Trung Quốc lại là loài hoa đại biểu cho mẹ. Huyên thảo, tục xưng là “hoàng hoa” 黄花, “hoàng hoa thái” 黄花菜, “kim châm” 金針, “kim châm hoa” 金針花, “kim châm thái” 金針菜, “nghi nam thảo” 宜男草. Hình dáng của hoa giống hoa bách hợp, màu vàng quýt hoặc vàng pha chút đỏ, không mùi, khi hoa chưa nở có thể hái làm món ăn, rễ của cây có thể dùng làm thuốc, nếu hoa đã nở thì dùng để thưởng thức.

Người xưa cho rằng lấy chồi non của loại cỏ này làm rau, ăn vào có thể khiến người ta như bị say, làm cho quên đi ưu phiền, cho nên cũng gọi là “vong ưu thảo” 忘憂草, “vong ưu vật” 忘憂物.

Trong Thi kinh – Vệ phong – Bá hề 詩經 - 衛風 - 伯兮có câu:

Yên đắc huyên thảo

 Ngôn thụ chi bối

焉得谖草

言树之背

(Làm sao có được cây cỏ huyên

Trồng nó ở nhà phía bắc)

     Trong Mao truyện 毛傳ghi rằng:

Huyên thảo linh nhân vong ưu; bối, bắc đường dã.

萱草令人忘憂; , 北堂也.

(Huyên thảo làm cho người ta quên đi ưu phiền; bối là nhà phía bắc.)

Bắc đường 北堂 chỉ phía sau căn phòng phía đông, là nơi phụ nữ giặt rửa, cho nên mượn “bắc đường” để chỉ mẹ. Về sau dùng “huyên thảo” để chỉ nơi ở của mẹ, cũng mượn để ví mẹ. Người con khi đi xa sẽ trồng cỏ huyên ở bắc đường, hi vọng mẹ sẽ giảm được nỗi nhớ con mà quên đi ưu phiền. Nhân đó “bắc đường thụ huyên” 北堂樹萱 (trồng cỏ huyên ở bắc đường) có thể làm cho người ta quên đi sầu muộn, dẫn đến ý nghĩa tình mẫu tử. … (trích)

Nguồn http://www.renminbao.info/229/11805.htm

Mạnh Giao 孟郊thời Đường ở bài Du tử thi 游子诗 viết rằng:

遊子詩

萱草生堂階

遊子行天涯

慈母倚堂門

不見萱草花

Huyên thảo sinh đường giai,

Du tử hành thiên nhai.

Từ mẫu ỷ đường môn,

Bất kiến huyên thảo hoa.

(Cỏ huyên mọc nơi thềm nhà,

Con đi xa tận cuối chân trời.

Mẹ tựa cửa nhà trông ngóng,

Mà không thấy cỏ huyên trổ hoa.)


Previous Post Next Post