Dịch thuật: Mối tơ phó mặc trăng già phải nao (254) (Bích Câu kì ngộ)

 

MỐI TƠ PHÓ MẶC TRĂNG GIÀ PHẢI NAO (254) 

          Trăng già: Tức “Nguyệt lão” 月老, cũng gọi là “Nguyệt lão công” 月老公, “Nguyệt lão gia” 月老爺, “Nguyệt lão tinh quân” 月老星君, “Nguyệt lão thần quân” 月老神君, là một trong những vị thần của Đạo giáo, là vị thần coi về việc hôn nhân của đôi nam nữ. Hình tượng của thần được tạc là một ông lão với bộ râu trắng dài, sắc mặc đen, dáng vẻ hiền từ, tay trái cầm quyển sổ ghi chép việc nhân duyên, tay phải chống gậy.

Theo Tục u quái lục – Định hôn điếm 續幽怪錄 - 定婚店 của Lí Phục Ngôn 李復言 thời Đường:

Vi Cố 韋固lúc còn nhỏ (có thuyết cho là lúc lên 6 tuổi), một đêm nọ đến một khách sạn ở Tống Thành宋城, thấy một ông lão ngồi lật một quyển sách (vô tự thiên thư 無字天書) dưới ánh trăng. Vi Cố lấy làm lạ, đến hỏi ông lão. Ông lão đáp đó là “Uyên ương phổ” 鴛鴦譜, ghi chép việc hôn nhân trong thiên hạ. Ông lão lại nói cho Vi Cố biết, đứa con gái kia, con của một bà lão bán rau ở nơi xa, hiện tại mới có 3 tuổi, chính là người vợ của Vi Cố 14 năm sau này. Vi Cố chê cô bé dung mạo không xinh đẹp, sai người đi hành thích cô bé. Hơn 10 năm sau, Vi Cố kết hôn, phát hiện trên chân mày của vợ có vết sẹo, hoá ra chính là cô bé năm nào.

Huyện tể Tống Thành sau khi biết được chuyện, cho gọi khách sạn nọ là “Định hôn điếm” 定婚店.

https://zh.wikipedia.org/wiki/%E6%9C%88%E4%B8%8B%E8%80%81%E4%BA%BA

Từ câu chuyện của Vi Cố, Trung Quốc có thành ngữ “Nguyệt hạ lão nhân” 月下老人dùng để chỉ người mai mối trong hôn nhân.

Trong “Thành ngữ đại từ điển” 成语大词典:

Vi Cố 韦固 người Đỗ Lăng 杜陵, lúc nhỏ đã mồ côi. Một hôm đến trọ ở quán phía nam Tống Thành 宋城, gặp một dị nhân đang ngồi trên bậc thềm tựa vào cái túi mà kiểm sách dưới ánh trăng. Vi Cố hỏi, người nọ đáp rằng:

          - Đó là sách chép việc hôn nhân trong thiên hạ.

          Vi Cố lại hỏi trong túi đựng vật gì? Người nọ đáp:

          - Những sợi dây đỏ, dây đỏ này dùng để buộc chân đôi vợ chồng lại, sống gắn kết với nhau. Tuy là cừu thù, hoặc sang hèn cách biệt, hoặc cách xa tận chân trời, người Ngô kẻ Sở, khi đã buộc nhất định không thể tránh được.

(Bắc Kinh: Thương vụ ấn thư quán Quốc Tế hữu hạn công ti, 2004)

          Trong truyền thuyết dân gian Trung Quốc, ông lão dưới trăng (tức “nguyệt hạ lão nhân” 月下老人) dùng dây đỏ này buộc chân đôi nam nữ khiến họ trở thành vợ chồng. Từ đó cũng có thành ngữ “xích thằng hệ túc” 赤绳系足 (dây đỏ buộc chân), hoặc “xích thằng”, “dây đỏ”, “dây tơ hồng” “chỉ hồng” ... ý nói việc hôn nhân do nguyệt lão mai mối, dùng để chỉ duyên chồng vợ. Cũng có lúc dùng “tơ trăng” hoặc “tơ son”.

Chuốc mua lấy nợ trăng hoa

Mối tơ phó mặc trăng già phải nao

(Bích Câu kì ngộ: 253 - 254)

Cho hay thiên tải giai kì

Trăng già xe đã phải thì đào non

(Bích Câu kì ngộ: 413 – 414)

Nhân duyên đã định từ xưa

Tơ trăng xe đến bây giờ mới thân

(Bích Câu kì ngộ: 353 – 354)

Cũng là một mối tơ son

Năm trăm năm cũng vuông tròn từ đây

(Bích Câu kì ngộ: 415 – 416)

Trêu ngươi chi bấy trăng già

Xe dây mỏng mảnh ỡm ờ mà chơi

(Bích Câu kì ngộ: 505 – 505)

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 14/8/2022

Previous Post Next Post