Dịch thuật: Chữ "giáp" 甲 trong Hán ngữ cổ (Vương Lực)

 

CHỮ “GIÁP” TRONG HÁN NGỮ CỔ

1- Y phục dùng để hộ thân được làm bằng da thú mà quân nhân thời cổ mặc.

          Trong Tả truyện – Thành Công nhị niên 左傳 - 成公二年 có câu:

Hoàn giáp chấp binh

擐甲執兵

(Mặc giáp cầm binh khí)

          Dẫn đến nghĩa người mặc giáp cầm binh khí, tức giáp sĩ.

Trong Tả truyện – Tuyên Công nhị niên 左傳 - 宣公二年:

Phục giáp tương công chi

伏甲將攻之

((Tấn Linh Công) Cho mai phục giáp sĩ chuẩn bị giết ông ta (Triệu Thuẫn))

          Dẫn đến nghĩa các loài động vật trên thân có vỏ cứng dùng để bảo vệ. Như “quy giáp” 龜甲 (mai rùa).

2- Đứng đầu trong thiên hạ.

          Thời cổ dùng can chi để ghi ngày. Trong Thượng thư – Mục thệ 尚書 - 牧誓 có câu:

Thời Giáp Tí muội sảng, Vương triều chí vu Thương giao

時甲子昧爽, 王朝至于商郊

(Lúc trời sắp sáng ngày Giáp Tí, Chu Vũ Vương dẫn quân đến Mục Dã ngoài đô thành nước Thương)

(Muội sảng 昧爽: Lúc mờ mờ sáng)

Trong Sở từ - Ai Dĩnh 楚辭 - 哀郢:

Giáp chi triêu ngô dĩ hành

甲之鼂吾以行

(Sáng sớm ngày Giáp ta lên đường)

          Về sau dùng để ghi năm.

          Dẫn đến nghĩa ở vào vị trí đầu tiên, dùng như động từ (nghĩa tương đối hậu khởi).

          Trong Hán thư – Hóa thực truyện có câu 漢書 - 貨殖傳:

Tần Dương dĩ điền nông nhi giáp nhất châu.

秦楊以田農而甲一州

(Tần Dương nhờ điền nông mà đứng đầu một châu)

          Trong Sử kí – Nguỵ Kì Vũ An Hầu liệt truyện 史記 - 魏其武安侯列傳:

Trị trạch giáp chư đệ

治宅甲諸第

(Sửa chữa nhà ở đứng đầu các phủ đệ)

          “Giáp đệ” 甲第hai chữ đi liền với nhau chỉ “đại trạch” 大宅 (nhà to lớn) (nhân vì có thứ tự giáp ất).

          Trong Sử kí – Hiếu Vũ bản kỉ 史記 - 孝武本紀:

Tứ Liệt hầu giáp đệ

賜列侯甲第

(Ban cho Liệt hầu nhà lớn) 

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 29/8/2022

Nguyên tác Trung văn trong

CỔ ĐẠI HÁN NGỮ

古代漢語

(tập 1)

Chủ biên: Vương Lực 王力

Trung Hoa thư cục, 1998.

Previous Post Next Post