Dịch thuật: Vương Thương (Tể tướng Trung Quốc)

 

VƯƠNG THƯƠNG 

          Vương Thương 王商 (? – năm 25 trước công nguyên), tự Tử Uy 子威. Tể tướng thời Hán Thành Đế 汉成帝 triều Tây Hán, nhân vì gặp phải sự đố kị và vu siểm của Đại tư mã Vương Phụng 王凤 mà bị bãi chức, tức giận thổ huyết mà chết.

          Vương Thương 王商, người Lãi Ngô 蠡吾 Trác quận 涿郡 (nay là phía tây nam Bác Dã 博野 tỉnh Hà Bắc 河北). Phụ thân Vương Vũ 王武, anh Vương Vô Cố 王无故, nhân đều là ngoại thích thời Tuyên Đế 宣帝, nên lần lượt được phong tước Hầu.

          Vương Thương từ sớm nhân là quốc thích được nhậm làm Thái tử trung Thứ tử, đồng thời nhân vì con người ông đôn hậu, tác phong đoan chính nên được nổi tiếng. Sau khi phụ thân qua đời, ông tập tước vị làm Lạc Xương Hầu 乐昌侯, đồng thời đem hết gia sản phân chia cho các em cùng cha khác mẹ, riêng mình không lấy một phân. Ông tận tâm giữ hiếu, nhân đó, danh tiếng vang xa, các đại thần trong triều lần lượt tiến cử ông, nói rằng, phẩm đức của ông có thể khích lệ quần thần, thay đổi dân tục, nên nhậm làm cận thần, bên cạnh thiên tử. Thế là, ông được thăng làm Chư tào Thị trung. Trung lang tướng.

          Sau khi Nguyên Đế 元帝 lên ngôi, Vương Thương được cất nhắc làm Hữu tướng quân, Quang Lộc Đại Phu, lấy thân phận trọng thần ngoại thích phụ chính.

          Thành Đế 成帝sau khi lên ngôi cũng rất kính trọng Vương Thương, chuyển ông làm Tả tướng quân. Đương thời, cậu của Thành Đế là Vương Phụng  王凤nhậm chức Đại tư mã, Đại tướng quân, nắm giữ triều chính, ngang ngược tàn ác, bài xích những ai khác với mình. Vương Thương thường cùng với ông phát sinh tranh chấp.

          Mùa thu năm 30 trước công nguyên, trong kinh thành đồn rằng kinh thành sắp có nạn hồng thuỷ, bách tính bôn tẩu kêu gào, lo sợ bỏ chạy, tự giẫm đạp lên nhau, đô thành đại loạn. Thành Đế vội triều tập đại thần thương lượng đối sách. Vương Phụng kiến nghị, hoàng đế, thái hậu nên lên thuyền rời đi, để bách tính leo lên tường thành Trường An 长安tránh nạn. Các quần thần cũng phụ hoạ, chỉ riêng Vương Thương kiên quyết phản đối, cho rằng đó là tin đồn, không nên làm kinh động bách tính. Thành Đế tiếp nhận kiến nghị của ông, cũng chưa rời khỏi kinh thành để an định nhân tâm. Sau sự việc đó, quả nhiên chứng thực đó chỉ là tin đồn, Thành Đế càng khen ngợi Vương Thương, nhưng từ đó mối quan hệ giữa Vương Thương và Vương Phụng trở nên căng thẳng.

          Năm sau, Vương Thương thay Khuông Hành 匡衡làm Thừa tướng. Vương Thương thân thể khôi vĩ, dung mạo uy nghiêm, trang trọng. Có một lần, Thiền Vu Hung nô đến triều, yết kiến Vương Thương. Vương Thương ngồi ngay ngắn, sau khi tiếp nhận lễ bái của Hung Nô, ông đứng lên rời chỗ ngồi trò chuyện cùng Thiền Vu. Thiền Vu thấy ông thân thể khôi ngô, vô cùng uy nghiêm, nên sợ đến mức run lẩy bẩy, cứ thoái lui. Thành Đế sau khi nghe qua cảm thán rằng:

          - Vương Thương quả thật là Tể tướng của Đại Hán ta!

          Nhưng, Vương Phụng đối với Vương Thương ngày càng đố kị, rắp tâm trừ khử. Thân gia của Vương Phụng là Dương Đồng 杨彤 là Thái thú Lang Da 琅玡, năm 25 trước công nguyên, quận Lang Da tự nhiên xảy ra nhiều lần tại hoạ, Vương Thương muốn truy cứu trách nhiệm của Dương Đồng, không màng đến những lời nói giúp của Vương Phụng, đồng thời tấu thỉnh bãi miễn Dương Đồng, điều đó khiến Vương Phụng càng thêm oán hận ông, bèn ngấm ngầm thu thập những sai sót của Vương Thương, xúi người khác vu cáo Vương Thương dâm loạn. Thành Đế cho rằng đó vốn là việc riêng không đủ cấu thành tội phạm. Sau nhân vì Vương Phụng kiên trì yêu cầu truy tra, Thành Đế đành phải hạ lệnh thu lấy ấn Tướng của Vương Thương, miễn trừ chức Tướng. Ba ngày sau, Vương Thương giận đến mức thổ huyết mà chết, được truy thuỵ là Lệ Hầu 戾侯. Sau sự việc đó, từng có Kinh Triệu doãn Vương Chương 王章 dâng tấu biện bạch cho Vương Thương, nói rằng Vương Thương trung trực vô tội, chỉ trích Vương Phụng dối gạt thiên tử, vu hại đại thần, cũng bị Vương Phụng xử tử.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 09/7/2022

Nguyên tác Trung văn

VƯƠNG THƯƠNG

王商

Trong quyển

TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC

中国历代宰相录

Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇

Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999

Previous Post Next Post