Dịch thuật: Cuộc chiến trường kì giữa triều Thương thời kì cuối với Đông Di

 

CUỘC CHIẾN TRƯỜNG KÌ GIỮA TRIỀU THƯƠNG THỜI KÌ CUỐI 

VỚI ĐÔNG DI

          Khu vực giữa Trường giang 长江và sông Hoài cùng với bán đảo Sơn Đông 山东 hiện nay, vào triều Thương đã có một dân tộc cổ xưa cư trú mà dân tộc này có tập quán sinh hoạt và tín ngưỡng văn hoá đều khác với trung nguyên. Nhân vì vị trí địa lí của họ ở về phía đông nam của vương triều Thương, nên gọi là “Đông Di” 东夷.

          Vào thời Vũ Đinh 武丁, Đông Di đã có sự tiếp xúc với vương triều Thương, trong giáp cốt văn có không ít những ghi chép liên quan đến việc vương triều Thương và đông phương tiến hành chiến tranh. Nữ tướng nổi tiếng của vương triều Thương – Phụ Hảo 妇好 vợ của Vũ Đinh, từng thống lĩnh đại quân, giục ngựa trên chiến trường chiến đấu với đông phương. Trong giáp cốt văn:

Ngọ bốc, bốc tân, trinh vương Phụ Hảo lệnh chinh Di

囗午卜卜宾贞王囗妇好令征夷

Chính là ghi chép việc Thương vương Vũ Đinh lệnh cho Phụ Hảo xuất chinh đông phương. Theo truyền thuyết, Phụ Hảo võ nghệ siêu quần, thâm thông thao lược. Bà không chỉ thân đi trước sĩ tốt, chém tướng nhổ cờ, mà còn có thể vận trù kế sách nơi màn trướng, quyết thắng chốn ngàn dặm, lập chiến công hiển hách mở rộng bờ cõi cho vương triều Thương. Lúc Phụ Hảo tham gia chiến đấu chinh phạt Di phương, vị đại tướng trứ danh Hầu Cáo 侯告dưới sự chỉ huy của bà, trong giáp cốt văn ghi chép về hành tung của họ, nói rằng:

          Trinh vương lệnh Phụ Hảo tùng Hầu Cáo phạt Di.

          Trinh vương [vật] lệnh Phụ Hảo tùng Hầu [cáo phạt Di].

          贞王令妇好从侯告伐夷.

          贞王 [] 令妇好从侯 [告伐夷].

          Do bởi nhóm Phụ Hảo liền năm công chiến đông phương, khiến đông phương thần phục vương triều Thương. Sau Vũ Đinh, có thời gian mấy đời, trong giáp cốt văn không thấy chiến tranh giữa vương triều Thương với đông phương.

          Năm 1976, các nhà khảo cổ đã phát hiện phần mộ Phụ Hảo tại Ân Khư 殷墟 An Dương 安阳, đã cung cấp cho việc nghiên cứu lịch sử đời Thương và khảo cổ những tư liệu trân quý.

          Vương triều Thương vào giai đoạn cuối, lực lượng Đông Di dần mạnh lên. Do bởi giai cấp thống trị chủ nô triều Thương ngày càng hủ bại, tăng cường bóc lột đối với các phương quốc, mâu thuẫn giữa Đông Di với vương triều Thương tiến thêm một bước sâu sắc, trở thành sự uy hiếp to lớn đối với sự thống trị của vương triều Thương. Thời đại Đế Ất 帝乙, Đế Tân 帝辛, chiến tranh giữa vương triều Thương với Đông Di liên miên không dứt. Những cuộc chiến này, không ít giáp cốt văn, kim văn và các văn hiến cổ đại phản ánh.

          Ngày Giáp Tý tháng 9 năm Đế Ất thứ 10, Thương vương đã bốc vấn việc tiến hành chinh phạt đông phương. Ngày Quý Hợi tháng 9 nhuần, Đế Ất thống lĩnh đại quân đến đất Cố (nay là phía bắc Trịnh Châu 郑州). Tại đất Cố lưu lại 6 ngày, sau khi nghỉ ngơi chỉnh đốn quân đội lại tiếp tục tiến lên. Tháng 11 ngày Tân Sửu, Thương vương Đế Ất đến Thương (nay là Thương Khâu 商丘Nam 河南), tháng 12 ngày Kỉ Tị đến Du (nay là Đồng Thành 桐城An Huy 安徽). Đế Ất tại Du hội sư cùng quân đội của Du Hầu Hỉ 攸侯喜, đồng thời nghỉ ngơi chỉnh đốn quân đội. Sau 10 ngày (ngày Tân Tị), đại quân tiến lên tiền tuyến, Du Hầu Hỉ là tướng lĩnh trọng yếu của lần chinh phạt Đông Di này, trong chiến đấu không rời xa Thương vương. Quân đội triều Thương có sự huấn luyện đã đánh cho quân đội Di phương nghe tiếng gió đã tháo chạy, Đế Ất thừa thắng truy kích, đồng minh của Di phương là Lâm Phương 林方cũng bị đánh tan ….. đến ngày ẤT Tị tháng Giêng năm Đế Ất thứ 11, Thương vương mới thống lĩnh đại quân từ tiền tuyến trở về đất Du. Tại đất Du, Thương vương ban thưởng cho Du Hầu Hỉ có công đồng thời khao thưởng sĩ tốt, chúc mừng thắng lợi phạt Di lần này. Thương vương sau khi ở lại đất Du 29 ngày, mới trù trừ ban sư hồi triều. Trên đường về, Thương vương khắp nơi săn bắn, quên cả việc đi về, mãi đến tháng 7 mới về Thương đô. Lần chinh phạt Đông Di này, trước sau mất thời gian hơn 1 năm.

          Cuộc tranh đấu giữa vương triều Thương với Đông Di không hề kết thúc ở đây. Năm Đế Ất thứ 15, lại bộc phát một cuộc chiến quy mô lớn với Đông Di. Đế Ất đích thân thống lĩnh quân đội xuất chinh, khu vực chiến tranh, phạm vi rộng hơn so với lần trước, tận đến đất Tề đất Cố ở Sơn Đông, cuộc chiến tiến hành cũng kịch liệt, khó khăn nặng nề hơn so với lần trước. Có mấy chiếc đồng khí có minh văn cuối đời Thương, ghi chép sự kiện lịch sử Đế Ất năm thứ 15 chinh phạt Đông Di, nổi tiếng nhất là “Tiểu thần dư tôn” 小臣艅尊. …..

                                                                    (còn tiếp)

                                                                      Huỳnh Chương Hưng

                                                                      Quy Nhơn 18/7/2022

Nguồn

TÂY CHU SỬ THOẠI

西周史话

Tác giả: Vương Vũ Tín 王宇信

Trung Quốc quốc tế quảng bá xuất bản xã, 2007

Previous Post Next Post