Dịch thuật: Ý nghĩa tiết Đoan Ngọ

 

Ý NGHĨA TIẾT ĐOAN NGỌ 

          Ý nghĩa đầu tiên của tiết Đoan Ngọ 端午chính là kỉ niệm Khuất Nguyên 屈原 - nhà thơ dân tộc vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc. Khuất Nguyên tên Bình , người nước Sở thời Chiến Quốc, sinh vào mùng 7 tháng Giêng theo lịch nhà Hạ thời Sở Uy Vương 楚威王, có thuyết cho là sinh vào năm Sở Tuyên Vương 楚宣王  thứ 27, mất vào năm Sở Tương Vương 楚襄王thứ 9.

          Ý nghĩa thứ hai của tiết Đoan Ngọ là ngày kị của Ngũ Tử Tư 伍子胥. Ngũ Tử Tư tên Viên , người nước Sở, cha và anh đều bị Sở Vương giết chết. Về sau Ngũ Tư Tư bỏ chỗ tối đến chỗ sáng, chạy đến nước Ngô, giúp Ngô phạt Sở, năm lần chiến đấu tiến vào Sở đô là Dĩnh Thành 郢城. Đương thời Sở Bình Vương 楚平王 đã chết, Ngũ Tử Tư quật mồ đánh vào thây 300 roi để báo thù cho cha và anh. Sau khi Ngô Vương Hạp Lư 阖庐qua đời, con là Phù Sai 扶差 kế vị, quân Ngô sĩ khí đang lên, bách chiến bách thắng, nước Việt đại bại, Việt Vương Câu Tiễn 勾践 xin hoà, Phù Sai chấp thuận. Ngũ Tử Tư kiến nghị, nên triệt để tiêu diệt nước Việt, Phù Sai không nghe, đại sủng thần nước Ngô nhận hối lộ của nước Việt, sàm ngôn hại Ngũ Tử Tư, Phù Sai tin theo, ban cho Ngũ Tử Tư bảo kiếm tự tận. Ngũ Tử Tư vốn trung lương, xem cái chết như đi về, trước khi chết nói với xá nhân rằng:

          - Sau khi ta chết đi, đem cặp mắt của ta treo trên đông môn của kinh thành nước Ngô, để ta xem quân Việt tiến vào thành diệt Ngô.

          Bèn dùng kiếm tự vẫn. Phù Sai nghe được đại nộ, lệnh lấy thi thể Ngũ Tử Tư đựng trong tấm da liệng xuống sông vào ngày mùng 5 tháng 5, nhân đó tương truyền tiết Đoan Ngọ là để kỉ niệm Ngũ Tử Tư.

          Ý nghĩa thứ ba của tiết Đoan Ngọ là kỉ niệm hiếu nữ Tào Nga 曹娥 thời Đông Hán vì cứu phụ thân nên nhảy xuống sông mà chết. Tào Nga người Thượng Ngu 上虞thời Đông Hán, phụ thân chết đuối trong sông đã mấy ngày mà không thấy thi thể, Tào Nga lúc đó chỉ 14 tuổi, ngày đêm men theo sông gào khóc. Qua 17 ngày, vào ngày mùng 5 tháng 5 cũng nhảy xuống sông, năm ngày sau ôm được thây của phụ thân nổi trên mặt nước. Ở chi tiết này truyền là thần thoại, truyền đến huyện phủ biết được, Huyện lệnh Thượng Ngu là Độ Thượng 度尚 lập bia, sai đệ tử của ông Hàm Đan Thuần 邯郸淳làm bài văn điếu ca tụng. Mộ của hiếu nữ Tào Nga tại Thiệu Hưng 绍兴 Chiết Giang 浙江 ngày nay, sau truyền là bia Tào Nga là do Tấn Vương Nghĩa viết. Người đời sau để kỉ niệm lòng hiếu thảo của Tào Nga, người ta dựng Tào Nga miếu 曹娥庙 tại nơi Tào Nga nhảy xuống sông, thôn trấn mà Tào Nga sinh sống đổi tên là Tào Nga trấn 曹娥镇. Khúc sông mà Tào Nga chết theo phụ thân được định danh là Tào Nga giang 曹娥江.

          Ý nghĩa thứ tư của tiết Đoan Ngọ là kỉ niệm nữ thi nhân cách mạng hiện đại – Thu Cẩn 秋瑾. Thu Cẩn tuẫn quốc vào ngày mùng 5 tháng 6, người đời sau vì kính ngưỡng thơ của bà, đau buồn về sự tích trung dũng của bà bèn cử hành kỉ niệm chung vào Thi nhân tiết, mà Thi nhân tiết cũng nhân kỉ niệm thi nhân yêu nước Khuất Nguyên mà định vào tiết Đoan Ngọ. Thu Cẩn tự là Duệ Khanh Cạnh Hùng 睿卿竞雄, hiệu Giám Hồ Nữ Hiệp 鉴湖女侠, tiểu tự Ngọc Cô 玉姑, người Thiệu Hưng 绍兴 Chiết Giang 浙江, từ nhỏ đã sở trường về thi, từ, ca, phú, thích cưỡi ngựa đánh kiếm, người đời xưng là Hoa Mộc Lan 花木兰, Tần Lương Ngọc 秦良玉. Năm 28 tuổi tham gia cách mạng, có ảnh hưởng cực lớn, dự mưu khởi nghĩa, lúc họp bị quân Thanh bắt. Bất khuất, vào ngày mùng 5 tháng 6 năm Quang Tự 光绪 thứ 33 bà anh dũng tựu nghĩa tại Hiên Hanh Khẩu 轩亨口Thiệu Hưng 绍兴.

                                                                         Huỳnh Chương Hưng

                                                                         Quy Nhơn 03/6/2022

                                                                 Tiết Đoan Ngọ năm Nhâm Dần

Nguồn

http://sjj.jiyuan.gov.cn/yuandi/shzs/201806/t20180606_372712.html 

Previous Post Next Post