Dịch thuật: Quá trình tiêu vong của dân tộc Bách Việt trong lịch sử (kì 4)

 

QUÁ TRÌNH TIÊU VONG CỦA DÂN TỘC BÁCH VIỆT

TRONG LỊCH SỬ

(kì 4)

(Tưởng Bỉnh Chiêu 蒋炳钊) 

          Nam Việt 南越, nguyên lấy Quảng Đông 广东 ngày nay làm khu vực phân bố chủ yếu. Từ cuối đời Tần Quận thú Nam Hải Triệu Đà 赵佗 cát cứ Lĩnh Nam 岭南, đồng thời xuất binh công chiếm Quế Lâm 桂林 cùng Tây Âu 西瓯, Lạc Việt 骆越 của Tượng quận 象郡, tự lập làm Nam Việt Vũ Vương 南越武王, kiến lập vương quốc Nam Việt 南越. Cương vực của Nam Việt quốc rất rộng, “Triệu Đà thịnh thời, phía đông đến Mân Việt 闽越, phía bắc đến Hành Dương 衡阳, phía tây kiêm Quảng Tây 广西, An Nam 安南 ngày nay, phía nam thì đến tận đảo Hải Nam 海南, phạm vi rất rộng, đặc biệt lấy quận Nam Hải 南海 tức Quảng Đông 广东 ngày nay làm căn bản” (1). Lúc Triệu Đà tại vị, “dữ (Hán) phẫu phù thông sứ” () 剖符通使. hướng đến Hán Vương xưng thần nạp cống, giữ mối quan hệ tương đối mật thiết. Khi Lữ Hậu 吕后 chuyên chính, mối quan hệ có dạo tương đối căng thẳng. Đến niên hiệu Nguyên Đỉnh 元鼎 thời Hán Vũ Đế 汉武帝, Thừa tướng Lữ Gia 吕嘉 sách động phản Hán, Hán Vũ Đế xuất binh thảo phạt Lữ Gia, mùa đông năm 111 trước công nguyên, công nhập Phiên Ngu 番禺, Lữ Gia bỏ chạy, Nam Việt quốc diệt vong, Nam Việt quốc tồn tại 93 năm.

          Giữa Mân Việt 闽越 và Nam Việt 南越 còn có vương quốc Nam Hải 南海, vương quốc Nam Hải được Hán Cao Tổ 汉高祖 năm thứ 10 ban chiếu sắc phong, “Nam Vũ Hầu Chức diệc Việt chi thế, lập dĩ Nam Hải Vương” 南武侯织亦粤之世, 立以南海王 (2) (Nam Vũ Hầu Chức cũng là tộc Việt, được lập làm Nam Hải Vương). Về đất phong của Nam Vũ Hầu Chức 南武侯织, theo Toàn Vọng Tổ 全望祖 trong Cật Kì Đình tập – Kinh sử vấn đáp 鮚埼亭集 - 经史问答 cho rằng nay là khu vực giao giới giữa 3 tỉnh Mân Việt Cám (Giang Tây – ND). Trong Hán Nam Hải Vương Chức khảo 汉南海王织考 của Phan Thì 潘莳thì cho rằng: “Nam Hải Vương Chức chiếm cứ nơi đó, tại phía đông nam Giang Tây đến phía tây nam Phúc Kiến, nằm giữa Mân Việt và Nam Việt.” Điều này cùng với sự phân bố “Việt đông Mân nam khu” 粤东闽南区  trên đồ gốm có hoa văn đã thuật ở trên là tương đối phù hợp. Thời gian tồn tại của Nam Hải Vương quốc chưa dài thì đã bị tiêu diệt.

          Trên cao nguyên Vân Quý 云贵cũng có hoạt động của người Việt, theo Sử kí – Đại Uyển liệt truyện 史记 - 大宛列传 có chép:

          (Côn Minh) kì tây thiên dư lí, hữu Thừa Tượng quốc, danh viết Điền Việt.

          (昆明) 其西千余里, 有乘象国, 名曰滇越.

          ( (Côn Minh) hơn ngàn dặm về phía tây có nước Thừa Tượng, tên là Điền Việt)  

          Trương Thủ Tiết 张守节 trong Sử kí chính nghĩa 史记正义 nói rằng:

          Điền Việt, Việt Tuỷ, tắc thông hiệu Việt, tế phân nhi hữu Tuỷ, Điền đẳng danh dã.

          滇越, 越巂, 则通号越, 细分而有巂, 滇等名也.

          (Điền Việt, Việt Tuỷ, thông gọi là Việt, phân chia chi li thì có tên Tuỷ, tên Điền …)

          Hán Vũ Đế sau khi thống nhất tây nam di và Nam Việt đã thiết lập 17 quận. Người Việt khu vực này cũng ở dưới sự thống trị quận huyện đời Hán.

          Đến đây, các tộc Bách Việt trên đất liền cùng các quốc gia được kiến lập lần lượt trước sau bị tiêu vong. Cuộc sống nối đời của “Bách Việt” – các dân tộc cổ xưa trên khu vực này, địa vị thống trị của họ đã phát sinh sự thay đổi căn bản, thay đổi trở thành dân tộc bị Hán tộc thống trị. Như vậy, dân tộc Bách Việt dần đi đến chỗ tiêu vong. Từ tình hình lịch sử nói ở trên, sự tiêu vong của dân tộc Bách Việt là theo sự hình thành một quốc gia đa dân tộc và xuất hiện trong quá trình phát triển, đặc biệt là sự thống nhất toàn quốc của triều Tần, dưới sự thống trị của chế độ phong kiến tập quyền, có nước bị Hán tộc cưỡng bức đồng hoá, trở thành một nguồn trọng yếu của Hán tộc nơi đó; có nước thì phát triển trở thành các dân tộc thiểu số khác ở sau này. Nhân đó, danh xưng dân tộc Bách Việt tuy từ đời Hán trở về sau đã dần biến mất trong lịch sử Trung Quốc, nhưng được xem là con cháu của “Bách Việt” vẫn có một bộ phận nối tiếp sinh sôi. Do bởi sự biến hoá phát triển của lịch sử, chúng diễn biến thành danh xưng của những dân tộc thiểu số hiện tại ….. (còn tiếp)

Chú của nguyên tác

1- La Hương Lâm 罗香林: Trung Hạ hệ thống trung chi Bách Việt 中夏系统中之百越.

2- Hán thư – Cao Đế kỉ 汉书 - 高帝纪

                                                            Huỳnh Chương Hưng

                                                            Quy Nhơn 06/6/2022

Nguồn

BÁCH VIỆT SỬ LUẬN TẬP

百越史论集

Chủ biên: Vương Ý Chi  王懿之, Lí Cảnh Dục 李景煜

Vân Nam Dân tộc xuất bản xã, 1989

Previous Post Next Post