Dịch thuật: Phá phủ trầm chu, Cự Lộc quyết chiến (tiếp theo)

 

PHÁ PHỦ TRẦM CHU, CỰ LỘC QUYẾT CHIẾN

Hạng Vũ tiêu diệt chủ lực quân Tần

(tiếp theo) 

          Chiến dịch Định Đào 定陶thắng lợi, đã khiến cho cho đầu óc Chương Hàm 章邯hôn ám, ông ta cho rằng nghĩa quân đất Sở không quan trọng, bèn dẫn quân vượt sông tiến lên phía bắc, hợp với quân Vương Li 王离 đương thời từ biên tái triệt thoái về hướng nam, cùng đánh Triệu. Quân Triệu không kham nỗi, Triệu Vương Hiết 赵王歇, Trương Nhĩ 张耳bị bức phải rút lui về thành Cự Lộc 巨鹿 (nay là phía tây nam Bình Hương 平乡Hà Bắc 河北). Trần Dư 陈馀thu thập binh Thường Sơn 常山mấy vạn người, trấn thủ phía bắc Cự Lộc. Chương Hàm mệnh lệnh Vương Li 王离, Thiệp Gian 涉间 dẫn quân bao vây Cự Lộc, tự mình trấn thủ phía nam Cự Lộc, đồng thời làm dũng đạo để vận chuyển quân lương. Quân Tần hi vọng dùng binh lực với ưu thế áp đảo sẽ dễ dàng chiếm lấy Cự Lộc. Quân Triệu nguy trong một sớm một chiều, liền phái người cầu viện nước Sở. Sở Hoài Vương lấy Tống Nghĩa 宋义làm Thượng tướng quân 上将军, Hạng Vũ 项羽 làm Thứ tướng 次次将, Phạm Tăng 范增 làm Mạt tướng 末将, dẫn quân tiến lên phía bắc cứu Triệu, để kềm chế chủ lực quân Tần tập trung tại phía bắc Hoàng Hà. Đồng thời với đó, lại phái Lưu Bang 刘邦dẫn quân thẳng tiến quan trung, áp sát vùng đất tâm phúc của triều Tần. Sở Hoài Vương “giao ước cùng chư tướng, người nào vào quan trung trước sẽ làm Vương” (Sử kí – Cao Tổ bản kỉ 史记 - 高祖本纪). Trận đại quyết chiến nhằm lật đổ sự thống trị của triều Tần bắt đầu.

          Tống Nghĩa dẫn quân tiến lên phía bắc cứu Triệu, khi đi đến An Dương 安阳 (nay là phía đông huyện Tào Sơn Đông 山东), đã án binh bất động, bị chậm mất 46 ngày. Hạng Vũ thấy hình thế nguy cấp của Cự Lộc, kiến nghị nhanh chóng vượt sông tiến lên phía bắc, đồng thời áp dụng biện pháp Sở dánh bên ngoài, Triệu ứng bên trong, nội ngoại giáp công, thì có thể đánh bại quân Tần. Nhưng Tống Nghĩa khiếp sợ không nghe theo, áp dụng thái độ từ xa mà nhìn, lại thêm ông ta không nghĩ đến việc năm mất mùa đói kém dân lại nghèo khổ, trong quân không lương thực, bản thân mình thì rượu chè yến tiệc, khiến Hạng Vũ không kềm được cơn giận. Hạng Vũ nhân cơ hội lúc sáng sớm, giết chết viên tướng lĩnh khiếp nhược này. Sau khi Tống Nghĩa chết, Sở Hoài Vương nhậm mệnh Hạng Vũ làm Thượng tướng quân, quân khởi nghĩa của Anh Bố 英布và Bồ tướng quân 蒲将军 đều quy thuộc sự chỉ huy của Hạng Vũ.

          Tháng 12 năm Tần Nhị Thế 秦二世 thứ 3 (năm 207 trước công nguyên), Hạng Vũ trước tiên phái Anh Bố, Bồ tướng quân thống lĩnh 2 vạn binh lực cứu Cự Lộc, nhưng kết quả trận chiến không lớn. Tiếp đó, Hạng Vũ dẫn quân chủ lực vượt sông Chương , hạ lệnh toàn quân đục thuyền đập nồi, mỗi người chỉ mang theo lương thực đủ dùng trong 3 ngày, biểu thị một trận tử chiến với quân Tần. Đó chính là “phá phủ trầm chu” 破釜沉舟 - một hành động vĩ đại nổi tiếng trong lịch sử. Sau khi Hạng Vũ vượt sông Chương, nhanh chóng bao vây quân Vương Li, chặt đứt đường của quân Tần, đoạn tuyệt sự cung ứng quân lương. Trải qua 9 lần chiến đấu kịch liệt, quân Tần đại bại, tướng Tần Tô Giác 苏觉bị giết chết, Vương Li bị bắt làm tù binh, Thiệp Gian tự thiêu táng mạng, quân khởi nghĩa giành được thắng lợi to lớn.

          Quân Tần đại bại tại Cự Lộc, Chương Hàm bị bức phải lui đến Cức Nguyên 棘原 (nay là phía nam huyện Bình Hương 平乡Hà Bắc 河北), quân Hạng Vũ trấn thủ phía nam sông Chương, quân hai bên tạm thời hình thành cục diện giằng co.

          Tin quân Tần đại bại truyền đến Hàm Dương 咸阳, Tần Nhị Thế sai người khiển trách Chương Hàm. Chương Hàm vô cùng sợ, lập tức lệnh cho Trưởng sử Tư Mã Hân 司马欣 về Hàm Dương thỉnh thị, kết quả khi Tư Mã Hân đợi 3 ngày, Triệu Cao 赵高cũng không hề quan tâm. Tư Mã Hân chưa thể gặp Triệu Cao, vì quá sợ nên đã đào thoát về Hà Bắc 河北.

          Tư Mã Hân về đến Cức Nguyên, nói với Chương Hàm: Nay Triệu Cao nắm quyền, chiến mà thắng thì công nhiều sẽ bị ghen ghét, chiến mà không thắng, thì không thoát khỏi cái chết, mong Chương Hàm suy nghĩ kĩ để có chủ ý. Lúc bấy giờ Trần Dư cũng viết thư cho Chương Hàm, khuyên đầu hàng.Cùng lúc đó, Hạng Vũ lại phái Bồ tướng quân đánh quân Tần ở phía nam sông Chương, Hạng Vũ cũng tại phía trên sông Ô (nay là phía nam huyện Lâm Chương 临漳 Hà Bắc 河北) đánh bại quân Tần. Chương Hàm trong ngoài đều bị khốn đốn, rơi vào tuyệt cảnh.

          Tháng 7 năm Tần Nhị Thế thứ 3 (năm 207 trước công nguyên), Chương Hàm dẫn hơn 20 vạn quân Tần, tại Ân Khư 殷墟 phía nam sông Viên (nay là An Dương 安阳Nam 河南) đầu hàng quân khời nghĩa.

          Thắng lợi trận chiến Cự Lộc đã tiêu diệt chủ lực của quân đội triều Tần, khiến cả cuộc thế đấu tranh phản Tần đã phát sinh sự thay đổi mang tính căn bản. Sự tan rã của đội quân vũ trang chủ lực mà vương triều Tần mượn đó để duy trì sự thống trị đã tuyên cáo giờ phút cuối của vương triều đã tới. Đông thời, nó là điều kiện cực kì có lợi để Lưu Bang thẳng tiến vào quan trung.  (hết)

                                                                    Huỳnh Chương Hưng

                                                                     Quy Nhơn 23/6/2022

Nguyên tác Trung văn

PHÁ PHỦ TRẦM CHU, CỰ LỘC QUYẾT CHIẾN

破釜沉舟, 巨鹿决战

Trong quyển

TẦN HÁN SỬ THOẠI

秦汉史话

Tác giả: Phan Quốc Cơ 潘国基

Bắc Kinh: Trung Quốc quốc tế quảng bá xuất bản xã, 2007

Previous Post Next Post