ĐẬU ANH
Đậu Anh窦婴 (? – năm 131 trước công nguyên), tự Vương Tôn 王孙. Tể tướng thời Hán Vũ Đế 汉武帝. triều Tây Hán. Vì đắc tội với thái hậu bị Vũ Đế xử tử.
Đậu Anh 窦婴 người Quan Tân 观津 (nay là phía đông Vũ Ấp 武邑 tỉnh Hà Bắc 河北), cháu họ của Đậu thái hậu thời Văn Đế 文帝. Thời Văn Đế, Đậu Anh từng nhậm chức Tướng quốc 相国 nước Ngô, sau có bệnh được miễn chức. Cảnh Đế 景帝 lên ngôi, ông nhậm chức Thiêm sự 詹事.
Đương thời, Đậu thái hậu (tức nguyên trước đó là Đậu hoàng hậu) thích Lương Hiếu Vương 梁孝王em trai của Cảnh Đế, có ý để người này ngày sau kế thừa ngôi vị của Cảnh Đế. Cảnh Đế cũng biết rõ ý của thái hậu, liền có một lần tổ chức yến tiệc trong nhà thuận miệng nói rằng:
- Ngày
sau sẽ truyền vương vị cho Lương Hiếu Vương.
Lúc bấy giờ Đậu Anh tại bữa tiệc sau khi nghe qua liền nói:
- Thiên
hạ là thiên hạ của Cao Hoàng Đế, theo lí phụ tử nối nhau, sao lại truyền vương
vị cho em trai!
Từ đó Đậu Anh gặp phải sự căm ghét của thái hậu. Ông cũng chê chức quan quá nhỏ, xưng bệnh muốn từ chức, thái hậu trong cơn giận liền gạch bỏ tên ông trong tộc phả họ Đậu.
Sau khi loạn bảy nước bộc phát, Cảnh Đế thấy trong tộc của thái hậu không ai có tài năng như Đậu Anh, bèn triệu ông nhập triều, ông giận dỗi từ tạ không đến. Lúc bấy giờ, hoàng thất nhà Hán đối mặt với nguy cơ, thái hậu cũng cảm thấy hối hận việc xử phạt Đậu Anh lúc đầu, Cảnh Đế bèn nói với Đậu Anh rằng:
- Như
nay thiên hạ nguy cấp, khanh sao từ chối không xuống núi?
Đậu Anh lúc bấy giờ mới đáp ứng, được bái làm Đại tướng quân. Cảnh Đế ban cho nhiều vàng, đồng thời mệnh cho ông cùng Chu Á Phu 周亚夫 dẹp phản loạn. Đậu Anh đem số vàng có được để nơi thềm nhà để quân lại đi ngang qua lấy dùng, bản thân ông không lấy một phân. Ông còn khởi dụng Viên Áng 袁盎 đang nhàn cư tại nhà và danh tướng Loan Bố 栾布. Sau khi xuất binh, ông phụ trách trấn thủ Huỳnh Dương 荥阳, giám sát phản quân của Tề, Triệu, để Chu Á Phu tập trung tinh lực đánh bại phản quân Ngô, Sở. Sau khi bình định phản loạn, Đậu Anh được phong làm Nguỵ Kì Hầu 魏其侯. Lúc bình thường, Đậu Anh thích kết giao bạn bè và chiêu nạp môn khách, lúc bấy giờ, du sĩ tân khách tranh nhau đến với ông.
Sau khi Lưu Vinh 刘荣 được lập làm thái tử, Đậu Anh được làm Sư phó 师傅. Lúc Lưu Vinh bị phế truất, ông nhân vì phản đối vô hiệu nên xưng bệnh ẩn cư tại Nam Sơn 南山Lam Điền 蓝田. Thân thuộc Đậu gia đến khuyên ông lên triều, ông cũng không quan tâm. Về sau, có văn sĩ Cao Toại 高遂 đến khuyên ông:
- Người
mà có thể khiến tướng quân phú quý là hoàng thượng, người mà có thể yêu quý bệnh
vực tướng quân là thái hậu. Như nay tướng quân làm Sư phó của thái tử, đã không
thể cứu giúp thái tử, lại không thể tuẫn thân, chỉ là xưng bệnh để tránh lên
triều, ai oán tức giận, đó há chẳng phải là thể hiện lỗi lầm của hoàng thượng
sao. Hoàng thượng và thái hậu một khi phát nộ, đại hoạ sẽ giáng xuống đầu tướng
quân mà bị diệt cả tộc.
Lúc này Đậu Anh mới tỉnh ngộ, về triều nhậm chức.
Năm 143 trước công nguyên, sau khi Lưu Xá 刘舍 bị bãi chức Thừa tường, Đậu thái hậu từng nhiều lần tiến cử Đậu Anh làm Thừa tướng, Cảnh Đế thì cho rằng con người Đậu Anh tự phụ khinh bạc nên chưa đồng ý. Cảnh Đế bệnh và qua đời, Vũ Đế lên ngôi, do em của Vương thái hậu là Điền Phần 田蚡 tiến cử, nên vào tháng 6 niên hiệu Kiến Nguyên 建元nguyên niên (năm 140 trước công nguyên), Đậu Anh được bái làm Thừa tướng, Điền Phần thăng nhậm chức Thái uý, hai người cùng nắm giữ triều chính.
Sau khi Vũ Đế lên ngôi, thu nạp kiến nghị của Đổng Trọng Thư 董仲舒, phế truất bách gia, độc tôn nho thuật, xem nho học là chính thống. Đậu Anh và Điền Phần đều tin theo nho học, chủ trương lấy nho học trị quốc, kiến nghị thiết lập Minh Đường 明堂, mệnh cho liệt hầu về lại nước phong của mỗi người, phế trừ quan cấm, lại đem những người phẩm hạnh không đoan chính trong họ Đậu khai trừ khỏi tộc phả, từ đó dẫn đến sự oán hận của nhiều quý tộc, thường có người trước mặt Đậu thái hậu gièm pha. Có người từng khuyên Đậu Anh rằng:
- Ngài
bẩm tính thích thiện ghét ác, nay người thiện đều xưng tán ngài, nên ngài có thể
thăng làm Thừa tướng; nhưng, kẻ ác cũng rất nhiều, bọn họ đều phỉ báng ngài.
Ngài nếu như có thể kiêm dung được cả thiện lẫn ác, không dẫn đến việc kẻ ác vu
hại ngài, mới có thể bảo toàn phú quý được lâu dài, nếu không tiền đồ khó mà dự liệu.
Nhưng Đậu Anh vẫn không quan tâm, còn người sau lưng nói xấu ông cũng ngày càng nhiều. ….. (còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 04/6/2022
Nguyên tác Trung văn
ĐẬU ANH
窦婴
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999