7- ĐẢM NHIỆM LANG TRUNG
NHẤT MINH KINH NHÂN
Tư Mã Thiên 司马迁 từ
năm 20 tuổi bắt đầu du lịch các nơi, về sau lại tiếp tục mấy lần rời xa nhà,
trường đồ bạt thiệp, trải qua bảy tám năm, đến năm 27 tuổi mới kết thúc. Du lịch
khiến ông tăng trưởng kiến thức, tích luỹ được trong tay những tư liệu đầu tiên
với số lượng lớn. Chàng thiếu niên đọc sách rời nhà lần đầu tiên, đến khi kết
thúc lữ trình, nhuốm bụi phong trần, râu đã phất phơ.
Tiên
sinh Khổng An Quốc 孔安国tại triều đình nhậm chức Gián nghị đại phu 谏议大夫, đối với đệ tử đắc ý Tư Mã Thiên của mình rất quan
tâm. Nghe nói Tư Mã Thiên tráng du trở về, Khổng An Quốc sau buổi chầu gặp Thái
sử công Tư Mã Đàm 司马谈, liền nhiệt tình hỏi về tình hình của Tư Mã Thiên.
- Không biết Thái sử đại nhân có dự tính gì về
tương lai của Tử Trường?
- Đương nhiên tôi hi vọng nó thừa tập gia học,
soạn viết sử thư.
- Theo chỗ lão phu biết, chí hướng trị sử tu
văn, Tử Trường trước sau kiên định không dời, còn đối với chính trị Tử Trường
cũng tràn đầy lòng tin. Khổng Tử nói rằng: ‘Học nhi ưu tắc sĩ.’ Tôi thấy, hay
là thả cho Tử Trường bay cao. Tiến vào con đường làm quan, chưa hẳn sẽ ảnh hưởng
đến việc trị sử, có lẽ còn giúp được đối với công việc. Với Thái sử đại nhân, nếu
không phải thân là Thái sử lệnh, thì làm sao có thể đọc được nhiều cổ tịch trân
quý như thế.
Tư Mã
Đàm than một tiếng:
- Ông nói chính xác, rất có lí, mà con đường
làm quan hiểm ác. Nhưng nếu có cơ hội tốt để tiến vào con đường làm quan thì
tôi cũng không ngăn cản. Việc đó phải xem vận may của cá nhân nó.
- Thái sử đại nhân, tôi nghĩ ra được một cách,
không biết ý của đại nhân như thế nào?
- Xin Khổng đại nhân cứ nói.
- Hay là có thể để Tử Trường tham gia hội khảo
Bác sĩ đệ tử?
Tư Mã
Đàm thất kinh hỏi:
- Hội khảo? ý của đại nhân là, Tử Trường chưa
từng tham gia học tập Bác sĩ đệ tử, mà lại trực tiếp tham gia hội khảo?
Khổng
tiên sinh gật đầu:
- Đúng vậy.
Bác sĩ 博士 vốn
là tên một chức quan, bắt nguồn từ thời Chiến Quốc. Triều Tần đến đầu đời Hán,
chức trách Bác sĩ chủ yếu là nắm giữ đồ thư, hiểu rõ sử thực cổ kim, làm cố vấn
cho hoàng đế, lương bổng là 600 thạch. Danh ngạch Bác sĩ bất định, lúc nhiều có
đến mấy chục người. Mấy năm trước, Hán Vũ Đế tiếp nhận kiến nghị của Công Tôn
Hoằng 公孙弘, lập Ngũ kinh Bác sĩ 五经博士 – con em của Bác sĩ, gọi là Bác sĩ đệ tử 博士弟子, sau đổi là Thái học sinh 太学生.
Bác sĩ đệ tử do Thái thường 太常 phụ trách tuyển chọn, yêu cầu là thanh niên ưu tú tuổi
tròn 18, nghi biểu đoan chính, siêng năng chăm chỉ học rộng biết nhiều. Một khi
thành Bác sĩ đệ tử có thể miễn trừ dao dịch, phí dụng sinh hoạt do Thiếu phủ 少府 (vốn
là cơ quan chuyên phụ trách sinh hoạt của hoàng đế) cung ứng, để tiện an tâm học
tập. Danh ngạch Bác sĩ đệ tử thường năm duy trì 50 người, một năm cử hành hội
khảo một lần. Người có thành tích ưu dị của kì hội khảo có thể điều nhậm chức
quan.
Tư Mã
Thiên không phải là Bác sĩ đệ tử, nhưng ý của Khổng An Quốc là để Tư Mã Thiên
cùng tham gia hội khảo với các Bác sĩ đệ tử khác. Cách làm như thế vốn không có
tiền lệ. Tư Mã Đàm nói rằng:
- Điều đó …….. e là không thoả chăng?
- Có điều gì không thoả. Dựa vào tài học của Tử
Trường, thanh niên trong thiên hạ hiện nay ai là người có thể sánh lại? Hà tất
nhất định phải là Bác sĩ đệ tử. Còn như nói bất hợp thường quy, tôi nghĩ, lão
phu này ra sức tiến cử, vấn đề không lớn lắm đâu.
Tư Mã
Thiên được sự tiến cử của tiên sinh Khổng An Quốc, thuận lợi tham gia hội khảo
Bác sĩ đệ tử.
Trong
kì khảo thí, Tư Mã Thiên biểu hiện ưu tú, nhất minh kinh nhân 一鸣惊人 (kêu lên một tiếng làm kinh động mọi người), dẫn đến
sự coi trọng của Vũ Đế.
Trải qua tầng tầng khảo thí, từ đợt hội khảo lần đó, Vũ Đế tuyển chọn được một số nhân tài ưu tú, sắp xếp họ đảm nhiệm chức Lang trung 郎中 trong cung. Tư Mã Thiên có tên trong danh sách đó.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 28/6/2022
Nguồn
TƯ MÃ THIÊN
司马迁
Tác giả: Đặng
Tương Tử 邓湘子
Triết Giang thiếu niên nhi đồng xuất bản xã, 2006.