Dịch thuật: Đại thư pháp gia Vương Hi Chi

 

ĐẠI THƯ PHÁP GIA VƯƠNG HI CHI 

          Vương Hi Chi 王羲之 người Lang Da 琅玡 (nay là Lâm Nghi 临沂 Sơn Đông 山东) là thư pháp gia nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, mọi người xưng ông là “Thư thánh” 书圣.

          Vương Hi Chi từ nhỏ rất yêu thích thư pháp, 7 tuổi đã thích viết chữ. Truyền thuyết kể rằng, Vương Hi Chi đi trên đường, lúc nghỉ cũng không bỏ qua cơ hội tập viết. tìm hiểu kĩ lưỡng kết cấu của tự thể, tư thế và bút pháp, trong lòng suy nghĩ, tay cũng bất tri bất giác viết nét dọc nét ngang trên người. Lâu ngày, y phục của ông bị viết rách. Ông mỗi ngày viết xong chữ, luôn đến cái ao trước nhà rửa bút và nghiên. Ngày rộng tháng dài, nước trong ao biến thành sắc đen.

          Vương Hi Chi lúc nhỏ không lộ vẻ thông minh, ngược lại nói năng chậm chạp, không ai cho rằng ông có tài năng. Chỉ có vị Thượng thư bộ Lại đương thời là Chu Hiệt 周颉 đã nhìn ông với cặp mắt khác. Năm Vương Hi Chi 13 tuổi đi bái kiến Chu Hiệt, gặp lúc Chu Hiệt đãi tiệc tân khách. Trong bữa tiệc có một món vô cùng trân quý gọi là “ngưu tâm chá” 牛心炙. Theo tập quán, món này dành cho vị khách tôn quý nhất ăn. Chu Hiệt nhân vì vô cùng thích Vương Hi Chi, đã không quan tâm đến quý khách trong bữa tiệc, trước tiên cắt một miếng cho Vương Hi Chi ăn, mọi người vô cùng kinh ngạc. Tuệ nhãn của Chu Hiệt thấy Vương Hi Chi có kì tài. Từ đó tài của Vương Hi Chi được mọi người biết đến.

          Sau khi Vương Hi Chi trưởng thành, biến thành một người giỏi ăn nói biện luận, cá tính thẳng thắn, không câu nệ lễ tiết. Đương thời Thái uý Si Giám 郄鉴muốn làm thông gia với đại tộc họ Vương, đã phái người đến Vương gia chọn rể. Bá phụ của Vương Hi Chi là Vương Đạo 王导 - Tể tướng nhà Đông Tấn đã cho tập trung con em thiếu niên trong tộc đến gian nhà bên chái đông, để cho người được phái đến đó tuỳ ý chọn con em thiếu niên họ Vương. Nghe nói có người đến chọn rể, những thiếu niên này đều làm ra vẻ đoan trang nghiêm túc, chỉ có một người nằm phanh bụng trên giường phía đông đang ăn, dường như không hề nghe biết chuyện gì. Đó chính là Vương Hi Chi, thế là Si Giám liền gả con gái cho ông.

          Vương Hi Chi sinh ra trong gia tộc họ Vương thời Đông Tấn, gia tộc họ Vương là sĩ gia đại tộc, người đương thời truyền nhau câu nói: “Vương dữ Mã cộng thiên hạ” 王与马, 共天下 (1). Vương Hi Chi lại không muốn làm quan, vì thế mà trên con đường sĩ hoạn dứt rồi lại nối, dường như nhiều lần từ chối không nhận. Về sau, Thứ sử Dương Châu Ân Hạo 殷浩 có quan hệ rất tốt với ông, viết thư khuyên ông nhậm chức Nội sử Cối Kê. Bời vì địa phương Cối Kê sơn thanh thuỷ tú, có thể di dưỡng tính tình, ông liền đồng ý. Vương Hi Chi từng cùng hơn 40 văn nhân nổi tiếng như Tạ An 谢安, Tôn Xước 孙绰, tập trung tại Sơn Âm 山阴 Cối Kê 会稽 (nay là Thiệu Hưng 绍兴 Chiết Giang 浙江) du yến. Những văn nhân này trong bữa hội ở Lan Đình 兰亭 thừa hứng làm thơ, tổng cộng được 40 bài, biên thành “Lan Đình tập” 兰亭集. Vương Hi Chi vung bút viết nhanh, làm bài tựa cho thi tập, viết thành “Lan Đình tập tự” 兰亭集序. Tác phẩm này tổng cộng có 28 hàng, 324 chữ, bút bay mực múa, khí tượng vạn thiên, đạt đến cảnh giới nghệ thuật cao độ. Toàn bài chữ “chi” nhiều nhất, tổng cộng có đến 20 chữ, mỗi chữ có diện mạo khác, không giống nhau, đó là tác phẩm đắc ý nhất của Vương Hi Chi. Thư pháp gia các đời đều tôn sung “Lan Đình tập tự”, cho rằng là giai tác tuyệt đại của hành thư.

          Truyền thuyết kể rằng, tại vùng Sơn Âm có một vị Đạo sĩ rất thích thư pháp của Vương Hi Chi, muốn mời ông viết cho một bản Đạo Đức Kinh 道德经. Vương Hi Chi không không đáp ứng. Vị Đạo sĩ nghe nói Vương Hi Chi thích nhất là ngỗng trắng, thường bắt chước động tác rẽ nước của ngỗng để luyện cổ tay của mình, khiến cổ tay khi vận bút càng thêm cứng cõi và linh hoạt. Vị Đạo sĩ có hai con ngỗng trắng là tinh phẩm trong số loài ngỗng. Vương Hi Chi trông thấy vô cùng yêu thích. Vị Đạo sĩ thấy ông thích như thế liền đề xuất lấy ngỗng đổi chữ. Vương Hi Chi vui vẻ nhận lời, viết ngay tại chỗ bản Đạo Đức Kinh giao cho Đạo sĩ rồi ôm ngỗng về. Đó chính là câu chuyện “Thư thành hoán bạch nga” 书成换白鹅  mà người đời sau truyền tụng.

          Còn có một lần, Vương Hi Chi tại Trấp sơn 蕺山 trông nhấy một bà lão bán loại quạt lục giác làm bằng tre, đứng bán đã lâu mà chắng có người mua. Vương Hi Chi cầm bút viết mấy chữ lên quạt. Bà lão rất không vui, trách rằng:

          - Sao ông lại tuỳ tiện viết chữ lên quạt của lão? Làm như thế, ai mà còn mua nữa?

          Vương Hi Chi nói với bà lão rằng:

          - Chỉ cần bà nói là do Vương Hữu Quân 王右军 viết, một cây có thể bán 100 tiền.

          Bà lão không tin, nhưng cũng làm theo lời của Vương Hi Chi, quả nhiên rất nhiều người đến tranh mua, quạt trúc nhanh chóng được bán hết.

          Nghệ thuật thư pháp của Vương Hi Chi hấp thu được đặc điểm và tinh hoa của nhiều thư pháp gia từ thời Hán Nguỵ trở lại, lại thoát được bút phong Hán Nguỵ, mở ra một ý cảnh mới. Tự thể mà ông viết đều có công phu độc đáo, bút thế phóng khoáng tươi sáng, kết cấu vô cùng nghiêm cẩn, tự thành một nhà, đối với sự phát triển của nghệ thuật thư pháp Trung Quốc đã có cống hiến kiệt xuất.

Chú của người dịch

1- Vương dữ Mã, cộng thiên hạ 王与马, 共天下: Ý nói gia tộc họ Vương ở Lang Da 琅玡 cùng với lực lượng hoàng thất họ Tư Mã 司马 nhà Đông Tấn đương thời thế lực ngang nhau, cùng phân hưởng thiên hạ.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 24/5/2022

TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN

中华上下五千年

Chủ biên: Lí Tinh 李晶

Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007

Previous Post Next Post