责人先责己 信己亦信人
但责己, 不责人, 此远怨之道也. 但信己, 不信人, 此取败之由也.
(围炉夜话)
TRÁCH
NHÂN TIÊN TRÁCH KỈ, TÍN KỈ DIỆC TÍN NHÂN
Đản trách kỉ, bất trách nhân, thử viễn
oán chi đạo dã. Đản tín kỉ, bất tín nhân, thử thủ bại chi do dã
(Vi lô dạ thoại)
TRÁCH NGƯỜI THÌ TRƯỚC TIÊN TRÁCH MÌNH
TÍN MÌNH THÌ CŨNG NÊN TIN NGƯỜI
Chỉ trách mình mà không trách người, đó là cách tốt nhất để tránh xa oán hận. Chỉ tin mình mà không tin người, đó là nguyên nhân chủ yếu làm việc bị thất bại.
Phân tích và
thưởng thức
Trách
người khác không hề dễ chút nào, bởi khi trách người, trước tiên lập trường của
mình phải đúng. Làm thế nào mới có thể bảo chứng lập trường của mình là đúng? Đại
khái trước tiên bản thân mình tự phản tỉnh, cho dù mính có làm đúng. Muốn người
khác tâm phục cũng không hề dễ, bởi lập trường của mỗi người không giống nhau,
anh cho anh đúng, đối phương không nhất thiết phải tán đồng. Nhân đó, trách người
khác thường sẽ rước lấy oán hận. Chẳng bằng chúng ta phản tỉnh bản thân, trước
tiên mình phải đoan chính, sau đó mới yêu cầu người khác. Có người cứ một mực
trách người khác mà bản thân mình lại làm nhiều điều bất nghĩa, thảo nào người
khác oán hận anh ta. Cũng cần phải nói lại, cho dù muốn “trách người”, cũng cần
phải hiểu đạo lí “trung cáo thiện đạo” 忠告善导 (chân thành khuyến cáo, thiện ý hướng dẫn). Nhưng những gì tác giả nói
ở đây, vẫn là coi trọng ở chỗ “tu kỉ” 修己 (tu thân), yêu cầu
người khác không bằng yêu cầu công phu tự xét bản thân mình.
Không có người nào khi làm việc mà không bao giờ xảy ra sai sót. Có những người rất tự tin, điều đó đương nhiên là tốt, nhưng nếu tự tin mà không tin người khác thì đáng để phản tỉnh. Có lúc, chúng ta khó tránh phạm vào sai lầm: chúng ta thường nói người khác là cố chấp ý kiến của mình không nghĩ đến ý kiến của người khác, bản thân mình không từng như thế sao? Trong lịch sử có những trường hợp nhân vì cố chấp ý kiến của mình không nghe ý kiến của người khác mà thất bại, lấy quốc thế mà nói, phàm một triều đại có thể hưng thịnh, luôn là vị quốc quân chịu lấy lễ đối đãi người hiền, hạ mình với kẻ sĩ, thu nạp những lời trung thành. Còn quốc gia suy bại, luôn nhân vì quốc quân không nghe những lời trung thành, tự chuốc lấy diệt vong. Nhân đó, chúng ta ngoài việc kiến lập lòng tự tin, thì việc tin vào chỗ mạnh của người khác, khiêm tốn học tập đối phương cũng là điều rất quan trọng.
Chú của người
dịch
Vi lô dạ thoại 围炉夜话: là một tác phẩm nổi tiếng đời Thanh, tác giả là Vương Vĩnh Bân 王永彬. Vi lô dạ thoại có 221 tắc, đề cập nhiều phương diện như đạo đức, tu thân, độc thư, an bần lạc đạo, giáo tử, trung hiếu, cần kiệm … nêu rõ hàm nghĩa sâu xa: lập đức, lập công, lập ngôn đều lấy “lập nghiệp” làm gốc.Vi lô dạ thoại 围炉夜话cùng với Thái căn đàm 菜根谭, Tiểu song u kí 小窗幽记 được gọi chung là “xử thế tam đại kì thư”.
Vương Vĩnh
Bân 王永彬:
Vương
Vĩnh Bân tự Nghi Sơn 宜山, người đời gọi ông
là Nghi Sơn tiên sinh 宜山先生, con cháu đời sau
của họ Vương gọi ông là Nghi Sơn công 宜山公. Cuộc đời ông trải
qua 5 vương triều: Càn Long 乾隆, Gia Khánh 嘉庆, Đạo Quang 道光, Hàm Phong 咸丰, Đồng Trị 同治. Ông sinh ngày 23
tháng Giêng năm Nhâm Tí thời Càn Long, mất ngày 25 tháng Giêng năm Kỉ Tị thời Đồng
Trị, hưởng thọ 78 tuổi.
Nguồn http://baike.baidu.com/view/53686.htm
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 26/4/2022