Dịch thuật: Công án lịch sử "Bình Hoài Tây bi" của Hàn Dũ ngàn năm nay tranh luận vẫn chưa thôi

 

CÔNG ÁN LỊCH SỬ “BÌNH HOÀI TÂY BI” CỦA HÀN DŨ

NGÀN NĂM NAY TRANH NGHỊ VẪN CHƯA THÔI

Tháng 10 năm Nguyên Hoà 元和 thứ 12 thời Đường (năm 817), dưới sự chỉ huy thống nhất của Bùi Độ 裴度, Lí Tố 李愬 đêm tuyết đã thâm nhập Thái Châu 蔡州 (nay là Nhữ Nam 汝南 Hà Nam 河南), bắt Hoài Tây Tiết độ sứ Ngô Nguyên Tế 淮淮西節度使吳元濟. Đến đây, Hoài Tây 淮西 hơn 50 năm không nghe theo hiệu lệnh của triều đình rốt cuộc đã trở về với chính phủ trung ương. Phiên trấn cát cứ cát nơi nghe tin đã rúng động, lần lượt biểu thị lòng trung với triều đình. Triều đình trên dưới vô cùng vui mừng, quần thần chư tướng thỉnh cầu khắc thạch ghi công, lập bia ở Thái Châu 蔡州 để kỉ niệm lần thắng lợi quân sự trọng đại này. Đường Hiến Tông 唐憲宗bèn mệnh cho Đại văn học gia, Hành quân Tư Mã Hàn Dũ 韓愈 có tham gia chiến dịch đó soạn bi văn.

          Hàn Dũ sau khi tiếp nhận thánh chỉ, cảm thấy sự việc trọng đại. Tuy là một đại văn hào, những cũng phải cẩn thận. Trải qua cả mấy tháng vẫn không dám ra tay viết. Theo cách nói của Lí Thương Ẩn 李商隱 trong bài Hàn bi 韓碑sau này:

Công thoái trai giới toạ tử các

Nhu nhiễm đại bút hà lâm li

Điểm thoán “Nghiêu điển” “Thuấn điển” tự

Đồ cải “Thanh miếu” “Sinh dân” thi

公退齋戒坐子閣

濡染大筆何淋漓

點竄堯典舜典字

塗改清廟生民詩

(Công sau khi thoái triều lui về tắm gội trai giới ngồi nơi gác nhỏ

Bút chấm no mực, mực đã tràn trề

Thôi xao tìm chữ trong “Nghiêu điển” “Thuấn điển”

Hoá dụng ý tưởng trang nghiêm thơ “Thanh miếu” “Sinh dân” ở “Kinh Thi”)

Liên tục phấn chiến trong 70 ngày, tháng 3 năm 818 viết xong mới trình lên hoàng đế duyệt lãm.

          Bi văn khái thuật tình hình cát cứ phiên trấn, tính nghiêm trọng liên quan đến hoạ quốc ương dân, đột xuất có hoàng đế điều binh khiển tướng, bố trí anh minh. Bi văn cũng thuật lại việc nhậm mệnh Bùi Độ làm thống soái, quá trình chiến tranh Lí Tố đêm tuyết thâm nhập Thái Châu. Cuối cùng hoàng đế luận công phong thưởng, ca công tụng đức, cảnh muôn dân hoan hỉ vui mừng. Hiến Tông sau khi xem qua cả mừng, sai đem bi văn sao thành nhiều bản, phàm tướng soái lập công mỗi người được một bản, đồng thời chiếu lệnh khắc thạch lập bia tại Thái Châu. Nguyên Thái Châu có tấm Chính đức bi 政德碑 do Tiết độ sứ Ngô Thiếu Thành 吳少誠lập, sau khi tấm bia cũ Chính đức được mài phẳng, bài Bình Hoài tây bi của Hàn Dũ được khắc trên tấm bia này.

          Công của danh thần Bùi Độ trung hưng, văn của Đại văn hào Hàn Dũ, quả thực cùng toả sáng, đương thế song tuyệt, bài văn xuất hiện, cả nước xưng tụng. Cát Lập Phương 葛立方 đời Tống đã tán thán rằng:

          Bùi Độ bình Hoài Tây, tuyệt thế chi công dã. Hàn Dũ “Bình Hoài Tây bi”, tuyệt thế chi văn dã. Phi Độ chi công bất túc dĩ đương Dũ chi văn; phi Dũ chi văn bất túc dĩ phát Độ chi công.

          裴度平淮西, 絕世之功也. 韓愈平淮西碑”, 絕世之文也. 非度之功不足以當愈之文; 非愈之文不足以發度之功.

          (Bùi Độ bình Hoài Tây, công lao tuyệt thế. Hàn Dũ soạn “Bình Hoài Tây bi”, áng văn tuyệt thế. Nếu không phải là công của Bùi Độ, thì không đủ để có được bài văn của Hàn Dũ; nếu không là bài văn của Hàn Dũ thì không đủ để phát dương công lao của Bùi Độ)

          Nhưng không ngờ, Bình Hoài Tây bi của Hàn Dũ lại dẫn đến một công án lịch sử. Nguyên nhân sự kiện tuy phức tạp, nhưng quy nạp lại chỉ có 4 chữ “Lí Tố tranh công” 李愬爭功.

          Theo ghi chép trong Cựu Đường thư – Hàn Dũ truyện 舊唐書 - 韓愈傳:

Hàn Dũ 韓愈 soạn “Bình Hoài Tây bi” 平淮西碑đa phần thuật việc của Bùi Độ 裴度. Đương thời thâm nhập Thái Châu 蔡州trước tiên bắt Ngô Nguyên Tế 吳元濟, thì Lí Tố 李愬 là công đầu. Lí Tố bất bình. Vợ Lí Tố ra vào trong cung, nhân đó tố cáo bi văn không đúng sự thực, chiếu ban xuống cho mài xoá bài văn của Hàn Dũ. Hiến Tông 憲宗 mệnh cho Hàn lâm học sĩ Đoàn Văn Xương 段文昌soạn lại bi văn để khắc thạch.

Hoá ra, một số người trách bi văn của Hàn Dũ quá đề cao công của Bùi Độ, mà không nói Lí Tố có công đầu. Hàn bi lập được chẳng bao lâu, đã bị bộ tướng của Lí Tố xô đổ. Còn vợ của Lí Tố là con gái của người cô của Hiến Tông, có thể ra vào hoàng cung, bà ta nhiều lần trước mặt Hiến Tông tố cáo bi văn không viết đến công lao của Lí Tố. Thế là, Đường Hiến Tông bèn hạ lệnh cho mài xoá bi văn của Hàn Dũ, sai Hàn lâm học sĩ Đoàn Văn Xương soạn lại, Và như thế, năm 818 Hàn bi biến thành Đoàn bi.

Từ đó về sau trải qua các đời, việc tranh luận giữa Hàn bi và Đoàn bi luôn không dứt, trước tiên là tranh luận về trình độ sáng tác bi văn cao thấp, rồi tranh luận công lao của Bùi Độ và Lí Tố ai cao hơn, tiếp nữa là tranh luận về khí độ của Bùi Độ và Lí Tố.

1- Trước tiên nói về trình độ sáng tác

          Bi văn của Hàn bi và Đoàn bi đều được đưa vào Toàn Đường văn 全唐文, đánh giá một cách khách quan, bi văn của Đoàn Văn Xương kì thực cũng là một thiên văn chương tuyệt tác, nhưng bất hạnh ở chỗ là, người cùng với ông so cao thấp lại là Hàn Dũ đứng đầu trong Đường Tống bát đại gia, nghe qua danh tiếng đã biết ai mạnh ai yếu. Cho nên, nếu cùng với người so thân thủ, thì tốt nhất là chọn đối thủ ngang cấp với mình. Đối với sự kiện này, đại thi nhân Lí Thương Ẩn đã bày tỏ sự bất mãn mạnh mẽ. Trong bài thơ Hàn bi, ông đã đại phát nghị luận:

Cú kì ngữ trọng dụ giả thiểu

Sàm chi thiên tử ngôn kì tư

Trường thằng bách xích duệ bi đảo

Thô sa đại thạch tương ma trị

Công chi tư văn nhược nguyên khí

Tiên thời dĩ nhập nhân can tì

句奇語重喻者少

讒之天子言其私

長繩百尺拽碑倒

粗沙大石相磨治

公之斯文若元氣

先時已入人肝脾

(Văn cú đặc biệt, ngữ ý sâu xa, người mà hiểu được rất ít

Sàm ngôn với thiên tử vu miệt bài văn này là không đúng sự thực

Dây thừng trăm xích kéo đổ tấm bia

Dùng cát thô đá lớn mài đi chữ khắc

Bài văn này của Hàn Công như nguyên khí to lớn

Đã thâm nhập vào tim gan của mọi người rồi)

2- Lại nói về công lao cao thấp

          Lúc tại Hoài Tây chiến sự không tiến triển, lâm nguy thọ mệnh, Bùi Độ xuất nhậm thống soái, đến Hoài Tây. Trước lúc lên đường, Bùi Độ đã thề trước mặt Đường Hiến Tông:

          Chủ ưu thần nhục, nghĩa tại tất tử. Tặc diệt, tắc triều thiên hữu nhật; tặc tại, tắc quy khuyết vô kì.

          主憂臣辱, 義在必死. 賊滅, 則朝天有日; 賊在, 則歸闕無期.

          (Để cho chúa phải lo đó là nỗi nhục của bề tôi, theo đạo nghĩa, thần nhất định lấy cái chết để báo đáp. Giặc bị tiêu diệt, thì triều kiến thiên tử tất có ngày; mà giặc còn, thì trở về đế kinh không hẹn trước.)

          Tấm lòng lẫm liệt đại nghĩa không hề hối hận đó đã khiến Đường Hiến Tông cảm động đến rơi nước mắt. Bùi Độ là thống soái chiến lược, hiệp đồng điều động các quân, chỉ huy chừng mực. Lí Tố là quan chỉ huy chiến dịch, tập kích Thái Châu, bắt sống Ngô Nguyên Tế. Cả hai người công lao thậm lớn, không thể xếp ai đứng hàng đầu. Mà xưa nay luận công xếp hạng, tướng soái phân minh. “Tướng” nhìn chung không thể vượt lên trên “soái”, nhưng bình tâm mà luận, bi văn Bình Hoài Tây bi của Hàn Dũ đối với công lao của Bùi Độ, Lí Tố đã đánh giá cũng tương đối khách quan.

3- Cuối cùng nói về khí độ

          Bùi Độ kiên trì chỉ tiến cử người tài, lúc về già lui về sống tại đông đô Lạc Dương 洛陽, cả ngày cùng thi nhân Bạch Cư Dị 白居易, Lưu Vũ Tích 劉禹錫 vui cùng thi tửu cầm thư, không màng chính sự, khí độ cao, chỉ cần một đốm nhỏ mà đã có thể thấy toàn bộ.

          Lí Tố có mưu lược, giỏi xạ kị, dũng cảm thiện chiến, bách chiến bách thắng, không hổ thẹn là danh tướng một đời. Nhưng việc tranh công đã để lại tì vết cho hậu thế.

Kì thực Lí Tố căn bản không cần phải tranh công, bài văn Lí Tố tuyết dạ nhập Thái Châu 李愬雪夜入蔡州 được tuyển chọn đưa vào sách giáo khoa trung học, đã khiến càng nhiều người nhớ đến Lí Tố mà quên đi Bùi Độ rồi.

Bắt đầu đến thời Tống, người ta đa số đều ca tụng Hàn bi mà hạ thấp Đoàn bi. Thời Tống có một viên Thái thú ở Nhữ Nam 汝南 đã sai người xoá Đoàn văn, đem Hàn văn cho san khắc lại. Nhưng bên trên không phải là tự thể của Hàn Dũ. Năm 1080, Đại văn hào Tô Thức 蘇軾 đến Nhữ Nam, đã viết:

Hoài Tây công đức quán ngô Đường

Lại bộ văn chương nhật nguyệt quang

Thiên tải đoán bi nhân quái chá

Bất tri thế hữu Đoàn Văn Xương

淮西功德冠吾唐

吏部文章日月光

千載斷人膾炙

不知世有段文昌

(Công đức của người bình Hoài Tây đứng đầu triều Đường ta

Văn chương của Lại bộ sáng như mặt trời mặt trăng

Ngàn năm nay, việc đoán định bi văn khiến người ta khoái chá

Không biết trên đời có Đoàn Văn Xương)

Bài thơ trực tiếp ca tụng Hàn Dũ, chê Đoàn Văn Xương.

Phó Hạc Tường 傅鶴翔 người Nhữ Nam đời Thanh từng viết bài Thu nhật duyệt Hàn Văn Công Bình Hoài Tây bi 秋日閱韓文公平淮西碑, ở mấy câu đầu viết rằng:

Hoang nguyên tầm cổ lập tây phong

Phất thức tàn bi tịch chiếu trung

Bất thị phi y kiên đại thảo

Thuỳ lai tuyết dạ tấu kì công

荒原尋古立西風

拂拭殘碑夕照中

不是緋衣堅大討

誰來雪夜奏其功

(Chốn hoang nguyên tìm dấu vết xưa, bia đứng trong gió tây

Phủi tấm bia tàn trong nắng chiều chiếu đến

Nếu chẳng phải là do vị quan kiên trì thảo phạt

Thì ai đó làm sao có được công trạng vào đêm tuyết để tấu công)

đã chỉ ra Bùi Độ công cao hơn Lí Tố.

Một tấm bia, hai bài bi văn, rốt cuộc lôi kéo nhiều nhân vật lịch sử, dẫn đến vô số bình luận. Mà chuyện cũ ngàn năm lại tăng thêm cho Bình Hoài Tây bi hơi thở văn hoá nồng đậm.

(Tác giả: Lí Nguyên Huy 李元輝, Lịch sử Đại học đường chuyên lan tác gia)

                                                                    Huỳnh Chương Hưng

                                                                              Quy Nhơn 07/4/2022

Nguồn

https://kknews.cc/history/qyppqxy.html

Previous Post Next Post