Dịch thuật: Đào Hoằng Cảnh đã có những cống hiến nào cho Đạo giáo

 

ĐÀO HOẰNG CẢNH ĐÃ CÓ NHỮNG CỐNG HIẾN NÀO

 CHO ĐẠO GIÁO

          Đào Hoằng Cảnh 陶弘景 học thức uyên bác, một đời trứ thuật hơn 80 loại, ngoài Đạo giáo ra, còn kiêm cả thiên văn, lịch toán, địa lí, binh học, y dược, văn học, kinh học … số lượng nhiều, lĩnh vực nghiên cứu rộng, tại đương thời ít thấy. Về phương diện có liên quan đến Đạo giáo mà nói, cống hiến của ông chủ yếu có 3 phương diện:  

1- Thời kì Đào Hoằng Cảnh cư trú ở Mao sơn 茅山, để truyền bá rộng rãi kinh pháp của phái Thượng Thanh 上清, ông sưu tầm, chọn lọc sáng tác một số lượng lớn Đạo thư, đặc biệt là soạn thuật bộ Chân cáo 真诰, đã tự thuật đối với lịch sử và việc truyền thụ hệ thống Thượng Thanh kinh. Bắt đầu từ Đào Hoằng Cảnh, Mao sơn luôn giữ được địa vị trung tâm của Thượng Thanh phái 上清派, trên thực tế đã là đại biểu cho Thượng Thanh phái, hậu thế từ đó đã đem Thượng Thanh phái gọi là Mao Sơn tông 茅山宗. Cho nên Đào Hoằng Cảnh được xem là người sáng lập Mao Sơn tông, trong lịch sử phát triển Đạo giáo chiếm địa vị trọng yếu.

2- Đào Hoằng Cảnh đã phát triển lí luận và phương pháp tu luyện của Đạo giáo.

Về phương diện dưỡng sinh, ông chủ trương “hình thần song tu” 形神双修, dưỡng thần và luyện hình đều quan trọng. Trong Dưỡng tính diên mệnh lục 养性延命录, đối với phương pháp dưỡng sinh như dưỡng thần, luyện hình, hành khí, đạo dẫn, phỏng trung … ông đều trình bày tương đối rõ ràng.

Về phương diện y học, thành tựu của ông lớn nhất, trứ tác cũng nhiều nhất. Chủ yếu có Bản tháo tập chú 本草集注 7 quyển, Đào Ẩn Cư bản thảo 陶隐居本草 10 quyển, Dược tổng quyết 药总诀 2 quyển, Bổ khuyết trửu hậu bách nhất phương 补阙肘后百一方 3 quyển, Hiệu nghiệm phương 效验方 5 quyển. Đối với việc nghiên cứu y dược, trong lịch sử y học Trung Quốc, ông cũng chiếm địa  vị trọng yếu.

Về phương diện thuật luyện đan, ông trứ thuật có Hợp đan dược chư pháp thức tiết độ 合丹药诸法式节度1 quyển, Tập kim đan hoàng bạch phương 集金丹黄白方 1 quyển, Thái Thanh chư đan tập yếu 太清诸丹集要 4 quyển … (đều thất truyền).

Đào Hoằng Cảnh trường kì theo thực tiễn luyện đan, ghi chép nhiều kinh nghiệm. Ông còn phát minh dùng phương pháp thiêu đốt lên giám biệt “tiêu thạch” 消石 (Ni tơ rát ka li) và cách chế tạo vôi, đây không chỉ là sự phát triển đối với lí luận và phương pháp tu luyện của Đạo giáo, mà còn có cống hiến trọng yếu đối với lịch sử hoá học cổ đại.

3- Đào Hoằng Cảnh đã kiến lập phổ hệ thần tiên cho Đạo giáo. Thần linh của Đạo giáo phức tạp và đa đoan. Thiên Sư đạo 天师道, Thái Bình đạo 太平道cùng Thượng Thanh phái 上清派 và Linh Bảo phái 灵宝派sau này, đã chiêu mộ các thần linh Trung Quốc đã có từ xưa, lại không ngừng tạo ra một số thần linh mới. Những thần linh này nguốn gốc khác nhau, không lệ thuộc chi phối nhau, không có thứ tự, điều này hiển nhiên không có lợi cho sự truyền bá Đạo giáo. Vì lẽ đó, Đào Hoằng Cảnh đã chuyên môn viết ra bộ sách Chân linh vị nghiệp đồ 真灵位业图, đem thiên thần, đại kì, nhân quỷ và chân tiên, chân thánh trong tín ngưỡng các phái của Đạo giáo, dùng 7 cấp tổ chức sắp xếp lại, về cơ bản xác lập phổ hệ thần tiên của Đạo giáo. 

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 16/4/2022

Nguồn 

ĐẠO GIÁO THƯỜNG THỨC ĐÁP VẤN

道教常识答问

Tác giả: Khanh Hi Thái 卿希泰

                   Vương Chí Trung 王志忠

                   Đường Đại Triều 唐大潮

Giang Tô cổ tịch xuất bản xã, 1996

Previous Post Next Post