LỘ LIỄU TẰNG TRUYỀN LIÊN LÍ XỨ (413)
路柳曾傳連理處
Từng truyền cây liễu bên đường cành lá quấn quýt lấy nhau
Lộ liễu 路柳: Cây liễu bên đường, điển xuất từ câu chuyện về Hàn Bằng
韩凭 và Hà thị 何氏, tức điển “liên lí chí” 连理枝
(cây liền cành).
Trong Sưu thần kí 搜神记có thuật một câu chuyện:
Thời Chiến Quốc tại nước Tống có một xá nhân tên Hàn Bằng 韩凭. Hàn Bằng cùng với vợ là Hà Thị 何氏yêu thương nhau. Tống quân đương thời là Khang Vương 康王 hoang dâm vô đạo, thấy Hà Thị xinh đẹp hiền thục bèn
đoạt lấy. Hàn Bằng oán hận, Khang Vương liền cho bắt giam Hàn Bằng, luận
tội cho làm “thành đán” 城旦. Hà Thị ngầm viết thư cho
chồng, trong thư viết rằng:
Kì vũ dâm dâm
Hà đại thuỷ thâm
Nhật xuất đương tâm
其雨淫淫
河大水深
日出当心
Không ngờ thư lọt vào tay Tống Vương, Vương đọc không hiểu, đưa cho tả hữu giải
thích nhưng tả hữu cũng không hiểu. Tô Hạ 苏贺 đáp rằng:
“Kì vũ dâm dâm” ý nói sầu muộn nhớ
nhung không dứt. “Hà đại thuỷ thâm” tức không qua lại với nhau được. Nhật xuất
đương tâm” ý nói lòng đã xác định tìm cái chết.
Chẳng bao lâu sau, Hàn Bằng tự sát. Hà Thị ngầm làm cho y phục mục nát. Ngày nọ
Tống Vương và Hà Thị lên đài. Hà Thị từ trên cao nhảy xuống đất tự tận. Tuỳ
tùng của Tống Vương liền nắm áo kéo lại, nhưng do y phục đã mục nên nắm không
được. Trong đai áo của Hà Thị lộ ra di thư, viết rằng:
“Tống Vương muốn sống một cách thuận
lợi, nhưng thiếp muốn được chết một cách thuận lợi. Xin cho thi thể của thiếp
được hợp táng cùng Hàn Bằng”.
Tống vương cả giận, không để ý gì đến lời thỉnh cầu của Hà thị, sai người cùng
làng của Hàn Bằng và Hà thị mai táng, cho mộ của hai người cách xa xa. Tống
Vương bảo rằng:
- Hai vợ chồng nhà ngươi yêu
thương nhau mãi không thôi, nếu hai mộ hợp lại, thì ta sẽ không ngăn trở nữa.
Qua một đêm, có hai cây đại tử 大梓 từ bên cạnh hai
mộ mọc lên, chưa tới 10 ngày mà cành lá đã vươn dài ra quấn quýt lấy nhau, hai
thân cây cong lại nương kề nhau, rễ ở dưới giao nhau, cành lá đan xen nhau. Lại
có một đôi chim uyên ương, một trống một mái luôn đậu trên cây, sớm tối không rời,
gối đầu cất tiếng kêu, tiếng kêu thảm thiết cảm động lòng người. Người nước Tống
vì tiếng kêu đó mà đau buồn, bèn gọi cây đó là “tương tư thụ”相思树. Từ “tương tư” 相思 bắt nguồn từ đó.
Người phương nam cho rằng loài chim uyên ương đó chính là linh hồn của Hàn Bằng
và Hà Thị biến thành.
(Can Bảo 干宝 “Sưu thần kí”,
Trường Sa – Nhạc Lộc thư xã, 2006)
(Thành đán城旦: một loại hình phạt thời Tần Hán, thuộc đồ hình.
Thành đán là hình phạt giành cho nam phạm nhân. Ý nghĩa là “trị thành” 治城 tức xây thành. Hình phạt giành cho nữ phạm nhân gọi là
“thung” 舂, ý nghĩa là “trị mễ” 治米tức giã gạo).
Trong bài Trường hận
ca 長恨歌 của Bạch Cư Dị 白居易 thời Đường có câu:
Tại thiên nguyện tác tị dực
điểu
Tại địa nguyện vi liên lí
chi
在天願作比翼鳥
在地願為連理枝
(Trên trời nguyện làm chim liền
cánh
Dưới đất nguyện làm cây liền
cành)
Bản diễn
Nôm “Chinh phụ ngâm diễn ca” tương truyền của Đoàn Thị
Điểm đã diễn Nôm câu 413 - 414:
Lộ liễu tằng
truyền liên lí xứ
Trì liên diệc
hữu tịnh đầu thì
(413 – 414)
Tử sen là thức
cỏ cây
Đôi hoa cùng
nở đôi cây cùng liền
(355 – 356)
Bản Chinh phụ ngâm khúc của Vân Bình Tôn Thất Lương, nxb Tân Việt, in
năm 1953 là:
LIỄU, sen là thức cỏ cây
Đôi hoa cùng sánh, đôi DÂY cùng liền
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 12/3/2022