Dịch thuật: Kiêm giả vô tình, tỉ dực tương tuỳ quá nhất sinh (411) (Đặng Trần Côn: Chinh phụ ngâm)

 

KIÊM GIẢ VÔ TÌNH

 TỈ DỰC TƯƠNG TUỲ QUÁ NHẤT SINH (411)

鶼者無情

比翼相隨過一生

Chim kiêm kia vốn vô tình

Thế mà luôn chắp cánh sống bên nhau trọn đời

          Kiêm giả 鶼者/鹣者: Tức “kiêm kiêm” 鹣鹣, cũng gọi là “tị dực điểu” 比翼鸟 “man man” 蛮蛮, một loài chim trong truyền thuyết thần thoại cổ đại Trung Quốc. Theo truyền thuyết, loài chim này chỉ có một mắt một cánh, con trống và con mái phải chắp cánh vào nhau mới có thể bay. Vì thế thường được ví phu thê ân ái, cũng được bạn bè tình cảm thâm hậu, không rời xa.

          Trong Sơn hải kinh – Hải ngoại nam kinh 山海经 - 海外南经 có nói đến loài chim này:

          Tị dực điểu tại (Kết Hung quốc) kì đông, kì vi điểu thanh, xích, lưỡng điểu tị dực. Nhất viết tại Nam sơn đông.

          比翼鸟在 (结匈国) 其东, 其为鸟青, , 两鸟比翼. 一曰在南山东.

          (Tị dực điểu tại phía đông (nước Kết Hung), lông cánh của loài chim này xanh đỏ xen nhau, chỉ khi cánh của hai con phối hợp lại mới có thể bay được. Có một thuyết khác cho rằng loài chim này ở phía đông của Nam sơn)

          Cũng trong Sơn hải kinh – Tây sơn kinh 山海经 - 西山经 có đoạn:

          Sùng Ngô chi sơn ..... hữu điểu yên, kì trạng như phù, nhi nhất dực nhất mục, tương đắc nãi phi, danh viết Man Man, hiện tắc thiên hạ đại thuỷ.

          崇吾之山..... 有鸟焉, 其状如凫, 而一翼一目, 相得乃飞, 名曰蛮蛮, 见则天下大水.

          (Sùng Ngô sơn ..... có loài chim, hình trạng giống con le le, nhưng có một mắt một cánh, chỉ khi hai con hợp lại với nhau mới có thể bay được. Loài chim này tên là Man Man, khi nó xuất hiện thì thiên hạ sẽ có thuỷ tai).

          (“Sơn hải kinh”, Cáp Nhĩ tân – Bắc Phương văn nghệ xuất bản xã, 2013)

          Trong bài Trường hận ca 長恨歌 của Bạch Cư Dị 白居易 thời Đường có câu:

Tại thiên nguyện tác tị dực điểu

Tại địa nguyện vi liên lí chi

在天願作比翼鳥

在地願為連理枝

(Trên trời nguyện làm chim liền cánh

Dưới đất nguyện làm cây liền cành)

          Ở bản Chinh phụ ngâm Hán Nôm hợp tuyển, viết chữ (giả) này; bản Chinh phụ ngâm khúc của Vân Bình Tôn Thất Lương in là chữ (dã) này.

          Riêng chữ , ở câu này đọc là “tị / tí” mới đúng. Nếu đọc là “tỉ” có nghĩa là sánh, so sánh. Đọc là “tị / tí” có nghĩa là gần, thân cận. Cả hai bản đều phiên âm là “tỉ”.

Bản diễn Nôm “Chinh phụ ngâm diễn ca” tương truyền của Đoàn Thị Điểm đã diễn Nôm câu 412 trước, 411 sau:

Kiêm giả vô tình, tỉ dực tương tuỳ quá nhất sinh

Cùng giả vô tri, tịnh khu đáo lão bất tương li

(411 – 412)

Kìa loài sâu đôi đầu cùng sánh

Nọ loài chim chắp cánh cùng bay

(353 – 354)

                                                                            Huỳnh Chương Hưng

                                                                            Quy Nhơn 09/3/2022

Previous Post Next Post