TẬP TỤC DÁN CÂU ĐỐI XUÂN
Ngày 30
tháng Chạp, nhà nhà đều dán câu đối xuân, kính Môn thần, treo tranh tết để tăng
thêm không khí ngày tết. Câu đối xuân (xuân liên 春联)
cũng còn gọi là “đối liên” 对联, “môn đối” 门对, “môn thiếp” 门贴.
Câu đối
xuân bắt nguồn từ “đào phù” 桃符thời cổ. Đào phù là
hai tấm ván gỗ đào hình chữ nhật treo hai bên cửa lớn. Bên trên viết tên hai vị
thần là “Thần Đồ” 神荼 và
“Uất Luật” 郁垒 để
xua đuổi ma quỷ, tị tà. Mỗi khi đến tết, người ta luôn dùng đào phù mới thay thế
đào phũ cũ. Vương An Thạch 王安石 có câu:
Thiên môn vạn hộ đồng đồng nhật
Tổng bả tân đào hoán cựu phù
千门万户曈曈日
总把新桃换旧符
(Mặt trời mọc ra, ngàn nhà vạn nhà dần sáng lên
Mọi người dùng đào phù mới thay đào phù cũ)
Chính là nói sự kiện này.
Năm
964, Thục chúa nhà Hậu Thục là Mạnh Sưởng 孟昶 bảo Học sĩ Tân
Dần Tốn 辛寅逊 viết chữ lên tấm ván gỗ đào, nhưng sau đó lại cho là
không ổn, bèn tự mình ra tay viết lại:
Tân niên nạp dư khánh
Giai tiết hiệu trường xuân
新年纳余庆
佳节号长春
(Tân niên, hưởng phúc trạch của tổ tiên để lại
Giai tiết, dự báo sắc xuân thường tại)
Từ đó,
viết lên đào phù diễn biến thành viết câu đối xuân. Về sau, do bởi sản sinh ra
giấy, người ta dần dùng giấy để thay thế tấm vãn gỗ đào, đó chính là khởi đầu
việc dán câu đối xuân.
Câu đối
xuân phổ cập thịnh hành vào triều Minh. Theo Trâm Vân Lâu tạp thuyết 簪云楼杂说:
Đặt ra câu đối xuân bắt đầu từ Minh Thái Tổ 明太祖. Lúc đế tại Kim Lăng 金陵, hôm trừ tịch
đột nhiên truyền chỉ, công khanh sĩ thứ trên cửa nhà mình phải có cặp câu đối
xuân. Thái Tổ vi hành xem qua lấy làm vui lòng.
Do bởi hoàng đế tự mình gắng làm, lại thêm sự yêu thích của văn nhân mặc khách, sự truyền bá của quảng đại quần chúng nên ngày tết dán câu đối xuân trở thành một tập tục được lưu truyền rộng rãi.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 04/02/2022
Nguồn
BẤT KHẢ BẤT TRI ĐÍCH 3000 CÁ VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
不可不知的 3.000
个文化常识
Biên soạn: Tinh Hán 星汉
Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2010