Dịch thuật: Mùng Mười tháng Giêng

 

MÙNG MƯỜI THÁNG GIÊNG

          Mùng 10 tháng Giêng âm lịch là một trong những ngày lễ tết truyền thống dân gian Trung Quốc, gọi là “Thạch đầu tiết” 石头节 (Tết đá), để kỉ niệm ngày sinh của thần đá, cũng gọi là “Thạch ma nhật” 十磨日, “Thập Tí nhật” 十子日, “Thạch bất động” 石不动. Vào ngày này không được chuyển động bàn đá và tảng đá nghiền bên trên, cùng cối đá … nói chung là những dụng cụ bằng đá. Tục tín cho rằng nếu không mùa màng sẽ bị tổn hại. Vào ngày này còn kị đào núi lấy đá và lấy đá xây nhà, đồng thời còn phải thắp hương tế bái đá. Giữa trưa có tập tục dâng cúng bánh nướng. Có địa phương còn lưu hành tập tục khiêng thần đá: Đêm ngày mùng 9, để một chiếc chậu gốm kết dính trên bề mặt phẳng láng của một tảng đá, sáng sớm mùng 10, 10 cô gái hoặc 10 chàng trai thay nhau khiêng chiếc chậu chạy. Nếu tảng đá trước sau không rơi xuống đất, điềm báo năm mới sẽ được mùa; nếu tảng đá rơi xuống, điềm báo năm đó mùa màng không tốt. Ngày mùng 10 tháng Giêng cũng gọi là ngày “Lão thử thú thân” 老鼠娶亲 (Chuột cưới vợ), tục gọi là “Thập chỉ” 十指.

Mừng chuột gả con gái

          Theo tục tín dân gian Trung Quốc, vào tháng Giêng cử hành hoạt động tế chuột, cũng gọi là “Lão thử giá nữ” 老鼠嫁女 (Chuột gả con gái), “Lão thử thú thân” 老鼠娶亲 (Chuột cưới vợ), thời gian cụ thể thì tuỳ theo từng nơi mà có khác, có nơi là mùng 7 tháng Giêng, có nơi ngày 25 tháng Giêng, không ít nơi là mùng 10 tháng Giêng. Ngày mùng 10 tháng Giêng, huyện Bình Diêu 平遥 Sơn Tây 山西 đem bánh đặt ở chân tường, gọi là “Hạ lão thử  giá nữ” 贺老鼠嫁女 (Mừng chuột gả con gái). Huyện Ninh Viễn 宁远 Hồ Nam 湖南, ngày 17 tháng Giêng là ngày “Lão thử giá nữ” 老鼠嫁女, vào ngày này kị mở rương tủ, sợ làm kinh động lũ chuột. Vùng Sóc Đồng 朔同còn thắp một ngọn nến bên cạnh chậu nước, để chiếu sáng đội ngũ nghinh thân của chuột, để tránh tìm nhầm hang của mình. Tối hôm trước, trẻ con đem mứt, đậu phộng để ở chỗ tối, đồng thời gõ vang nắp nồi mâm chảo, để giục cô dâu chuột trang điểm xuất hành. Sáng sớm hôm sau, lấp hang chuột lại, cho rằng làm như thế về sau chuột sẽ tuyệt tích vĩnh viễn. Còn có nơi vào ngày chuột lấy vợ mọi người đi ngủ từ rất sớm, sợ làm kinh động lũ chuột, tục gọi “Anh quấy rầy nó một ngày, nó quấy rầy anh cả năm”.

Truyền thuyết chuột cưới vợ

          Tại Trung Quốc lưu hành truyền thuyết dân gian “Lão thử giá nữ” 老鼠嫁女 (Chuột gả con gái), nhưng thời gian “chuột gả con gái” các nơi lại khác nhau.

          Theo truyền thuyết vùng Giang Nam 江南, chuột là loài động vật hại người, không cát lợi, cho nên vào đêm 30 của năm cũ phải gả nó đi, để năm tới được bình an cát tường. Một số nơi vùng Thượng Hải 上海, chuột gả con gái vào ngày 16 tháng Giêng, đêm hôm đó, nhà nhà đều làm đường mè, đó là món mừng chuột chuẩn bị thành thân.

          Tại phương bắc, chuột gả con gái là vào tối ngày 25 tháng Giêng. Đêm đó, mọi nhà đều không thắp đèn, cả nhà ngồi bên bếp lò, không gây ra tiếng động nào, chỉ sờ soạn lấy ăn món  “lão thử trảo trảo” 老鼠爪爪 (chuột tí hon), “hạt tử vĩ ba” 蝎子尾巴  (đuôi bò cạp) làm bằng bột hoặc ăn món đậu rang. Không thắp đèn, không gây tiếng động ý nghĩa là tạo thuận lợi cho chuột gả con gái, sợ làm kinh động hỉ sự thành thân của chuột. Ăn “lão  thử trảo trảo” biểu thị người ta kì vọng vuốt chuột được phát huy, sớm hành động; ăn “hạt tử vĩ ba” là để chuột khi gả con gái rời khỏi hang sẽ không bị bò cạp làm hại, ăn đậu rang là để khi nhai phát ra tiếng kêu nghe như tiếng pháo mừng chuột lấy vợ.

          Đêm chuột gả con gái, vùng Tư Hưng 资兴Nam 河南thắp nến đặt khắp góc nhà, lối đi, ý nghĩa là những nơi chuột cưới vợ đi qua được sáng.

          Tranh tết và tranh cắt giấy “Lão thử giá nữ”, “Lão thử thú thân” mà dân gian Trung Quốc xem là là “cát tường vật” 吉祥物, được dán trên tường, nơi cửa sổ khi tết đến. Vùng Cẩm Trúc 锦竹 Tứ Xuyên 四川 in tranh tết “Lão thử giá nữ” với một lũ chuột vác cờ giương dù, đánh chập chen, đánh chiêng, thổi kèn khiêng kiệu đi đón dâu. Cưỡi trên lưng con ếch là chú rể chuột, đầu đội mũ triều Thanh, tay cầm quạt xếp, cặp mắt chăm chú nhìn vào rương vàng lớn, hiển lộ bộ dạng tham lam. Đương lúc cả bọn lắc lư đi ngang qua chợ, một con mèo vàng đang đợi bọn chúng. Phía trước chuột đánh chiêng mở đường là một đôi chuột anh em, trong đó có một con bị vuốt mèo chụp phải, con kia bị mèo cắn. Lúc bấy giờ “cô dâu” chuột ngồi trong kiệu tự biết ngày tàn đã đến, nước mắt tuôn khắp mặt. Bức tranh tết này đã phản ánh sự yêu ghét rõ ràng của dân gian.  

                                                                             Huỳnh Chương Hưng

                                                                            Quy Nhơn 10/02/2022

                                                                     Mùng 10 tháng Giêng Nhâm Dần

Nguồn

https://baike.baidu.com/item/%E6%AD%A3%E6%9C%88%E5%88%9D%E5%8D%81/2902268

Previous Post Next Post