Dịch thuật: Sự phát hiện giáp cốt văn

 

SỰ PHÁT HIỆN GIÁP CỐT VĂN

          Lịch sử thời đại Ân Thương 殷商, đã được xác nhận là bắt đầu của tín sử Trung Quốc, đây là do bởi sự phát hiện giáp cốt văn cùng với kết quả phát quật Ân Khư 殷墟, khiến cho những ghi chép văn hiến về những sự kiện lịch sử có liên quan đến Ân Thương ở thời cổ đại Trung Quốc có được ấn chứng từ những tài liệu trực tiếp ở dưới đất. Cho nên sự phát hiện giáp cốt văn cùng với sự phát quật Ân Thương là một việc lớn của nền học thuật cận đại. Chúng ta muốn nhận thức được những sự kiện lịch sử thời Ân Thương trước tiên cần phải hiểu rõ hai việc lớn đó.

          Cuối đời Thanh, tại khoảnh ruộng gần thôn Tiểu Đồn 小屯huyện An Dương 安阳 tỉnh Hà Nam 河南đã có mai rùa xương thú phát hiện được. Người dân trong thôn cho là loại dược liệu, gọi đó là “long cốt” 龙骨. Một thôn dân tên Lí Thành 李成 làm nghề cạo đầu, lúc rảnh rỗi thường đem “long cốt” mài thành bột, dùng làm thuốc, đồng thời thu mua rồi chuyển đến bán cho hiệu thuốc, mỗi cân chế thành 6 văn tiền. Do vì hiệu thuốc không thích “long cốt” có chữ, cho nên những mảnh có chữ thường bị cạo đi, hoặc đem vất vào trong giếng đã khô.

          Năm Quang Tự 光绪 thứ 25 triều Thanh (năm 1899), Tế tửu Quốc tử giám là Vương Ý Vinh 王懿荣 bị bệnh, trong số những món thuốc mua tại Đạt Nhân Đường 达仁堂 ở Bắc Kinh 北京, phát hiện trên mai rùa có văn tự chạm khắc, biết đây là cổ vật vô giá, ông trước sau thu mua lại từ các thương nhân buôn đồ cổ là Phạm Duy Khanh 范维卿, Triệu Chấp Tề 赵执齐ở huyện Duy , tổng cộng được hơn 2000 mảnh. Có thể nói Vương Ý Vinh là người giám định và thu tàng giáp cốt văn đầu tiên.

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                Quy Nhơn 26/11/2021

Nguyên tác Trung văn

GIÁP CỐT VĂN ĐÍCH PHÁT HIỆN

甲骨文的发现

Trong quyển

ĐỒ VĂN TRUNG QUỐC THÔNG SỬ

图文中国通史

(tập Sử tiền sử - Chiến quốc)

Chủ biên: Triệu Hướng Tiêu 赵向标

Tân Cương nhân dân xuất bản xã, 2002.

Previous Post Next Post